Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sở hữu trí tuệ vẫn là rào cản lớn trong TPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sở hữu trí tuệ vẫn là rào cản lớn trong TPP

Hoàng Phi

Sở hữu trí tuệ vẫn là rào cản lớn trong TPP
Một hội thảo về sở hữu trí tuệ ở TPHCM. Ảnh: Hoàng Phi.

(TBKTSG Online) – Dù đã trải qua 19 vòng đàm phán, nhưng theo một số chuyên gia, vấn đề về sở hữu trí tuệ dường như vẫn chưa có nhiều tiến triển, và là một rào cản khó vượt trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, trường Đại học Kinh tế TPHCM, trong một cuộc trao đổi với TBKTSG Online mới đây, nói rằng từ những thông tin về dự thảo chương Sở hữu trí tuệ (SHTT), có thể thấy rằng phía Mỹ đã lấy những tiêu chuẩn cao của hiệp định họ đàm phán được với Hàn Quốc.

Trong khi đó, phía Việt Nam vẫn đang chật vật thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) với hiệp định TRIPS (Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights), nghĩa là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về khía cạnh thương mại.

Tiêu chuẩn cao của vấn đề SHTT trong WTO được các chuyên gia gọi là TRIPS+, tức là cao hơn TRIPS.

Điều này gây khó khăn rất lớn cho vấn đề thực thi của các nước đang phát triển, vì thế gặp nhiều sự phản đối, nhất là ở Việt Nam.

Cụ thể, phía Mỹ đề xuất mở rộng phạm vi các đối tượng có thể được bảo hộ bằng sáng chế, đặc biệt là các phương pháp sử dụng mới, kéo dài thời hạn bảo hộ của sáng chế, hạ thấp các tiêu chuẩn và điều kiện để được bảo hộ sáng chế, đồng thời tăng quyền thực thi bảo vệ quyền tại biên giới.

Những tiêu chuẩn cao mà phía Mỹ đưa ra gặp nhiều phản ứng từ các đoàn đàm phán cũng như của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.

Cuối tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã gửi một bức thư đến Đại sứ Ron Kirk, khi đó là đại diện Thương mại Mỹ, nêu rõ một số quan ngại về dự thảo Chương SHTT.

Thư viết rằng với những vấn đề của SHTT trong TPP thì một bộ phận dân cư quan trọng và dễ bị tổn thương của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.

“Những lo ngại cho thấy chương này sẽ là nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế thu nhập của người nghèo, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất công xã hội”, thư viết.

Bức thư dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy một thực trạng, giá thuốc đại trà ở Việt Nam đang cao hơn ấp 11,41 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, còn giá thuốc đặc trị cao hơn 46,58 lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam chỉ mới qua ngưỡng trung bình thấp.

Giá thuốc quá cao này được cho là nguyên nhân khiến cho tỉ lệ các bệnh nhân có khả năng tiếp cận thuốc hiện rất thấp: chỉ có 20% số người có nhu cầu có thể tiếp cận thuốc (nói chung) và chỉ có 13% đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận được thuốc dành cho bà mẹ, trẻ em.

Bức thư cũng ghi rõ rằng một khi các quy định về sáng chế trong dự thảo hiện tại được áp dụng, cơ hội giảm giá thuốc sớm sẽ bị triệt tiêu, và chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Trong trường hợp các tiêu chuẩn được Mỹ đề xuất được áp dụng, rất có thể Việt Nam sẽ phải tìm cách áp dụng “li-xăng (license) cưỡng chế” như là một cách đối phó, ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục SHTT, phát biểu trong một hội thảo về SHTT mới đây ở TPHCM.

Nghĩa là trong những trường hợp cần thiết khi xét thấy lợi ích của cộng đồng bị đe dọa, nhà nước có thể bắt buộc các công ty dược phẩm phải cấp li-xăng để Việt Nam sản xuất thuốc với giá rẻ hơn.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, chuyện li-xăng cưỡng chế cũng có thể là một đối sách mà Việt Nam có thể áp dụng.

Tuy rằng luật pháp Việt Nam đã cho phép điều này, nhưng trên thực tế vẫn chưa có trường hợp nào được thực hiện.

Những tiêu chuẩn trong chương SHTT được các chuyên gia cho rằng phía Mỹ đang lấy những tiêu chuẩn cao nhất trong hiệp định thương mại mà họ đạt được với Hàn Quốc vào năm ngoái. Và vì TPP được coi là một hiệp định của thế kỷ 21 với các tiêu chuẩn cao, nên phía Mỹ sẽ chỉ nâng cao hơn tiêu chuẩn của mình chứ không chấp nhận hạ xuống.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận trình độ phát triển của các quốc gia trong đàm phán TPP là rất khác nhau, bao gồm những nước có trình độ phát triển hàng đầu và các quốc gia đang phát triển.

Vì thế, có khả năng các bên sẽ tìm cách thỏa hiệp bằng cách có những tiêu chuẩn khác biệt, theo trình độ phát triển của từng quốc gia, trước khi đi đến một thỏa thuận thống nhất.

Theo ông Nghĩa, lý tưởng nhất là các nhà đàm phán Việt Nam có thể kết thúc với việc giữ được các tiêu chuẩn như đã quy định trong WTO, tức là TRIPS.

Trong trường hợp không được, thì cần tìm cách để có thể có được một thời gian chuyển đổi, chuẩn bị 3-5 năm, vì nếu áp dụng ngay thì sẽ rất khó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới