Số liệu ngân hàng sẽ đẹp hơn nhờ Thông tư 09
Hồng Phúc
![]() |
Ngân hàng Nhà nước được coi là đang thể hiện nỗ lực trợ giúp các tổ chức tín dụng cải thiện sức khỏe trên sổ sách. |
(TBKTSG Online) - Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày mai (20-3) để tháo ‘vòng kim cô’ cho các ngân hàng trước đó là Thông tư số 02/2013/TT-NHNN (dự thảo) về phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng cho biết họ cảm thấy áp lực giảm đi nhiều và số liệu về sức khỏe của các ngân hàng nhờ đó sẽ được cải thiện (trên sổ sách).
>>>Sửa Thông tư 02, các ngân hàng thở phào
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng Thông tư 09 nới lỏng cho các ngân hàng về các quy định tính toán, đánh giá tín dụng và nợ xấu so với Thông tư 02 dự định sẽ ban hành trước đó, nhưng so với Quyết định 780/QĐ-NHNN về phân loại nợ các ngân hàng đã áp dụng thời gian qua (vừa hết hạn) thì cũng chặt chẽ hơn.
"Nhưng tinh thần chung, Thông tư 09 vẫn mở cho các ngân hàng cánh cửa để hoạt động và cải thiện số liệu”, ông nói, “Chúng tôi coi các điều kiện cho phép chuyển nhóm nợ của Quyết định 780 là rất rộng rãi, dường như vô giới hạn, thì Thông tư 09 đã co hẹp giới hạn đó”.
Ông cho biết nhiều ngân hàng đã biết trước việc này qua các kênh không chính thức, nên họ cũng đã có sự chuẩn bị. "Tôi tin số liệu của các ngân hàng từ nay đến hết năm 2014 sẽ có điều kiện cải thiện, ít nhất nó không xấu như chúng tôi lo ngại ban đầu, khi chưa có sự sửa đổi chính thức của dự thảo Thông tư 02", ông nói.
Báo cáo đánh giá nhanh của một công ty chứng khoán dành cho khách hàng VIP nhận định thị trường ngay lập tức sẽ nhìn thấy sự thay đổi trên báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết trong quí 1 này. Sự thay đổi chính thức này được hiểu như lực đẩy hỗ trợ của cơ quan quản lý để hệ thống ngân hàng tái tạo sức khỏe, có động lực nhiều hơn để tăng trưởng tín dụng (bên cạnh việc giảm lãi suất vừa qua) và tự tin hơn trong quá trình tái cơ cấu.
Trong khi đó một báo cáo đánh giá khác của công ty chứng khoán gửi đến khách hàng là tổ chức nước ngoài cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một động thái thể hiện lập trường mạnh mẽ việc cải thiện dữ liệu kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, liên quan đến tình hình sức khỏe các ngân hàng, trong báo cáo đánh giá động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, các chuyên gia của HSBC đã không nghĩ các điều kiện tín dụng sẽ có thay đổi lớn. Lãi suất được đưa về khung hợp lý, tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa, vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu nhưng phần lớn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Một bản tin của công ty chứng khoán SSI cho biết, đại diện tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s có thể đến thăm Việt Nam trong tháng 3 này. Điều này có nghĩa sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ bị quốc tế chú ý nhiều hơn thời gian tới.
Các sửa đổi chính trong Thông tư 09:
Các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra phải phân loại tối thiểu vào nợ nhóm 3. Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành để mua nợ xấu của TCTD; định kỳ phải tự đánh giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị của tài sản vảo đảm phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền phải trích lập dự phòng cụ thể. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu TCTD phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ. Các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra được phân loại tối thiểu vào nhóm 3 và tùy theo thời gian quá hạn kể từ ngày ra quyết định thu hồi nợ hoặc kể từ ngày phải thu hồi theo kết luận thanh tra, các khoản nợ này phải được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 tương ứng. Các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước) theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa phải thực hiện quy định này cho đến ngày 31-12-2014, tuy nhiên trong thời gian chưa áp dụng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn phải tự phân loại nợ và gửi kết quả cho CIC đế tổng hợp và giám sát. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước) |