(KTSG Online) - Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua.
Tập trung hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp
Tính đến ngày 10-11-2023, toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 3.860 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 49.500 tỉ đồng, với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%.
Theo đó, tỉnh xác định phát triển doanh nghiệp cũng chính là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Sóc Trăng, cho nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo địa phương xác định, đó là hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất, phát triển. Từ việc xác định tầm nhìn như trên, Tỉnh ban hành nhiều quyết sách, đề án để trợ lực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đề ra: Cụ thể, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 (Quyết định 1092/QĐ-UBND ngày 25-4-2022) được ban hành với nhiều giải pháp thực hiện, trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ về chuyển đổi số, tư vấn công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết ngành và chuỗi giá trị… với tổng kinh phí thực hiện hơn 250 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, tỉnh biên soạn và ban hành sổ tay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tờ rơi hỗ trợ chuyển đổi số để thông tin tuyên truyền đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư cho hơn 900 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và trực tuyến, từ xa bằng các ứng dụng như: Ultraviewer, Zalo, điện thoại di động… Hỗ trợ tạo 502 tài khoản dịch vụ công trực tuyến qua trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkyquamang.dkkd.gov.vn), trả kết quả đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) cho hơn 650 hồ sơ. Qua đó, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã 10 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp/hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, bao gồm 02 buổi họp mặt, 01 buổi gặp mặt đại diện một số doanh nghiệp, 02 buổi tiếp xúc trực tiếp tại doanh nghiệp và 05 buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ. Qua những buổi tiếp xúc đã có hơn 40 lượt ý kiến được doanh nghiệp phản ánh, trong đó, có gần 100% ý kiến đã được giải quyết. Điển hình là Công ty cổ phần thuỷ sản Sóc Trăng và Công ty TNHH Hồ Quang Trí (chuyên về lúa gạo) đã được tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mặt bằng, các thủ tục phòng cháy, chữa cháy xây dựng nhà xưởng,…
Ngoài ra, tiếp tục phát huy hiệu quả tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho hơn 22 trường hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án theo quy định.
Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ngoài việc hỗ trợ, phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sóc Trăng còn tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp khác nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 23-2-2023 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Sóc Trăng, trong đó, về Chỉ số PCI tập trung các giải pháp khắc phục hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, trong đó chú trọng cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần tỉnh có thứ hạng thấp (tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động…). Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính: trao đổi, cung cấp thông tin qua môi trường mạng, một cửa điện tử (tỷ lệ hồ sơ đúng hạn hơn 99,7%), cung cấp dịch công trực tuyến (tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%), rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (cấp đăng ký thành lập mới và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn 2 ngày, thời gian cập nhật bổ sung thông tin xuống còn 1,5 ngày).
Từ những việc làm được thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận và có đánh giá tích cực về năng lực cạnh tranh của tỉnh khi lần công bố PCI mới nhất, tỉnh Sóc Trăng đã tăng 20 hạng so với trước đó. “Năm vừa qua, Sóc Trăng có sự phát triển đột phá về PCI khi tăng 20 hạng so với năm trước đó. Đây là kết quả phản ánh đúng với nhận xét của doanh nghiệp là tỉnh đã kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh’. Thực tế, kết quả xếp hạng PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Sóc Trăng đạt 65,17 điểm, xếp thứ 34 trên 63 địa phương trong cả nước, tăng 3,35 điểm và tăng 20 bậc so với PCI năm 2021. Đây là năm đạt thứ hạng cao nhất trong 5 năm trở lại đây của tỉnh Sóc Trăng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp như đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, đổi mới công nghệ…; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, tiếp tục ưu tiên họp mặt đối thoại doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tăng cường hiệu quả tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi hoạt động đầu tư dự án và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.