Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sống chung với dịch bệnh Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sống chung với dịch bệnh Covid-19

Giang Công Thế

(TBKTSG) – Dịch Covid-19 trở lại sau hơn ba tháng đất nước không có ca nhiễm mới trong cộng đồng đang gây ra nhiều nỗi lo cho Việt Nam. Chưa ai có thể dự đoán bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng nữa con virus này được chế ngự. Không lẽ học sinh cứ phải nghỉ học, dịch vụ cầm chừng, cách ly rồi giãn cách xã hội mãi sao, trong khi cuộc sống vẫn phải tiếp tục.

Sống chung với dịch bệnh Covid-19
Kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở mang khẩu trang ở một chung cư khu vực Q.8. Ảnh: Phi Bằng

Nhớ năm 2003 dịch SARS hoành hành ở Hà Nội. Người bạn có một cháu bé sinh đúng vào 29 Tết năm đó tại Bệnh viện Pháp – Việt và cháu ở tầng 3 cùng cả nhà vui đùa, họ hàng, bạn bè vào thăm mà không ai biết tầng 2 có người mắc SARS, sau đó có 6 người đã chết, kể cả bác sĩ Pháp. Thấy bệnh viện đẹp quá, có thảm như khách sạn, mẹ trẻ xin ở lại thêm một ngày, cho cô chị lớn 3 tuổi tha hồ lăn lê bò toài trên sàn, đùa với em bé cho vui, dù ông xã cảnh báo bệnh viện dù sạch đến đâu thì vẫn là nơi đầy vi trùng.

Khi SARS bùng phát, Bệnh viện Pháp – Việt bị cách ly, đóng cửa, 65 người nhiễm, 5 y bác sĩ ra đi. Gia đình được bệnh viện liên lạc, nếu có ai sốt, ho, cảm phải đi khám. Ngay trong khu ở, một người đã nhập viện vì SARS. Không thể không lo lắng, nghỉ hơn một tuần, nhưng rồi không thể nghỉ mãi, bố phải đi làm, chị lớn đi nhà trẻ, bà đi chợ, ngày nào cũng đo thân nhiệt vì cuộc đời vẫn phải tiếp tục. Việt Nam từng sống chung với SARS gần một năm trời.

Bây giờ là Covid-19. Kịch bản “sống chung với lũ” như thời SARS không phải không có lý, như hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang hay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không nên tới vùng có dịch, và không nên cố thăm người bệnh trong bệnh viện trong thời điểm này, một thói quen tưởng hay nhưng thực tế vào bệnh viện dễ ốm. Mỗi người dân cần biết phải làm gì để tự bảo vệ không bị nhiễm bệnh.

Hồi đầu năm, dịch Covid-19 lan mạnh ở Trung Quốc mà người Hoa thì có mặt khắp thế giới, đi đâu cho an toàn. Nước Mỹ cũng không miễn nhiễm, dù khoa học tiên tiến nhất thế giới nhưng không cản được dịch bệnh, hiện họ đứng đầu thế giới về số tử vong và số ca nhiễm. Bây giờ là thế giới phẳng, toàn cầu hóa, biên giới vật lý vẫn còn nhưng không thể cấm di cư. Năm 1840 chỉ khoảng 3 triệu người di cư sang sống ở Mỹ thì năm 2017 con số này đã là 45 triệu dù luật di trú vô cùng ngặt nghèo.

Trong cuốn “Từ Beirut đến Jerusalem” nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman kể thời kỳ đầu những năm 1980 ông tới Beirut làm việc và bị sốc do tội phạm, phe phái giết nhau như ngóe. Dân chúng quen dần rồi sống chung với tên bay đạn lạc như một phần của cuộc sống. Họ quen tới mức khi một xe hơi bị đánh bom, người ta không hỏi, ai đã làm việc đó, bao nhiêu người đã chết, mà quan tâm liệu vụ đánh bom này có ảnh hưởng tới tỷ giá đô la ở thủ đô hay không.

Thomas Friedman còn kể về một thương gia tên là George Beaver ở Beirut thích chơi golf, ngày nào cũng ra sân, nhiều khi chơi một mình và đôi lúc chơi một lỗ, dù máy bay Israel bay qua có thể ném bom sân golf bất kỳ lúc nào. Nhiều bạn hỏi, liệu ông có điên không, ông cười và bảo, tôi biết là tôi điên, nhưng tôi sẽ điên hơn nếu không chơi golf.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói Việt Nam quyết tâm không để xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai, không để quay lại giãn cách xã hội quy mô toàn quốc như trước. Với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài 4.000 ki lô mét nên nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực trong cộng đồng.

“Trạng thái bình thường mới” được hiểu là phải sản xuất, kinh doanh, giải trí, nhưng trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.

Trung Quốc từng coi thành phố Vũ Hán đang trong một cuộc chiến, và nếu không khống chế được lây lan, không có thuốc đặc trị sớm, thì rất có thể nhiều thành phố khác sẽ được tuyên bố thời chiến. Lãnh đạo Việt Nam cũng xem chống dịch như chống giặc.

Đã là thời chiến thì quốc gia, người dân, phải làm quen như thời SARS, xa hơn là thời chống bom đạn Mỹ của người Việt, hay như dân Beirut quen với tên bay đạn lạc do xung đột phe phái, tín ngưỡng. Hay như lời một bài hát của Beatles “Ob-la-di ob-la-da…la la how the life goes on – Cuộc sống vẫn tiếp diễn” dù là chiến tranh sinh học.

Nếu dịch bệnh kéo dài thì một lúc nào đó dân nghiện bia hơi vỉa hè Hà Nội sẽ hành xử liều như tay golfer ở Beirut, liệu có điên khi đi tụ tập uống bia, nhưng họ nghĩ sẽ điên hơn nếu không rủ nhau 100% khi có bom bia mới khui.

Hãy nghĩ đến kịch bản sống chung với Covid-19 để cho cuộc đời tiếp diễn. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới