(KTSG) - Điều mà mỗi người chúng ta đều dễ dàng nhận thấy từ những năm gần đây là thời tiết mỗi ngày một cực đoan và chúng ta cũng nghĩ đến việc phải sống cùng với chúng. Tuy nhiên, việc sống cùng hay sống chung này cần một chiến lược cụ thể để đời sống con người có thể chịu ít tổn thương nhất có thể chứ không phải là sự cam chịu, hứng chịu mọi tai ương.
- Châu Á tiếp tục chịu tác động nặng nề của thời tiết cực đoan
- Thời tiết cực đoan là lý do để thay đổi, không phải để giải thích
Người ta bắt đầu cảm nhận mối nguy hiểm nằm ngay bên cạnh, với bầu không khí hâm nóng đến không thể thở; muối mặn xâm nhập mỗi năm một sâu hơn vào đồng ruộng kèm theo cơn khát nước ngọt kinh niên cho cả con người và cây cối vườn tược; cùng lúc với thông tin về tình trạng các thành phố lún chìm là những đỉnh triều cường hàng tháng biến nơi đây thành những biển nước. Những cơn mưa trút nước kéo dài tạo nên sạt lở tràn lan cả trên đồi núi lẫn dưới sông rạch, tàn phá công trình, đường sá, đô thị và thậm chí vùi lấp cả những làng mạc; cuối cùng những cơn bão xuất hiện ngay giữa Biển Đông bên cạnh đất liền.
Và, đã đến lúc chúng ta phải tìm ra những nguyên tắc để chẳng những có thể sống chung với thời tiết cực đoan mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường khí hậu mới.
Thông điệp bây giờ: ráng giữ dưới 1,6 độ C
Bất kỳ sự hy vọng rằng chúng ta có thể hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris đều đã mất và kịch bản tốt nhất hiện nay là giữ nhiệt độ tăng thêm dưới 1,6 độ C.
Một nghiên cứu mô hình toàn diện cho thấy rằng các quy định hiện hữu và việc triển khai các công nghệ giảm thiểu cùng việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu là không đủ để đạt được mục tiêu 1,5 độ C. Nhà khí hậu học Zeke Hausfather cho biết: “Thế giới không kết thúc ở mức 1,5 độ C, và mỗi phần mười độ đều có ý nghĩa về mặt tác động đến xã hội, thế giới tự nhiên và các thế hệ tương lai”.
Theo ông Zeke Hausfather, số lượng và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên rất nhanh, bởi chỉ một phần mười tăng thêm giữa hai mức nhiệt độ liệt kê nói trên cũng đủ sức kích hoạt cường độ, mật độ, và cả nhân tố thời tiết cực đoan mới, kèm theo đó là những thảm họa khôn lường. Tình trạng biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ tác động khác nhau ở mỗi nước, mỗi khu vực tùy theo vị trí và đặc điểm địa lý của mỗi nơi.
Việt Nam: điểm nóng thời tiết cực đoan
Việt Nam đang trở thành một điểm nóng của tác động biến đổi khí hậu, khi những cơn sóng nhiệt đã tạo ra những kỷ lục nhiệt độ vượt quá 40 độ C và những cơn bão đã chuyển thành siêu bão chết chóc như trường hợp bão Yagi xuất hiện hồi đầu tháng 9. Thật sự đáng lo ngại khi chứng kiến tác động ngày càng tăng của thời tiết cực đoan đối với Việt Nam. Bởi vì, hậu quả và thậm chí là thảm họa do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra ngày càng rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và cả tính mạng con người, tác động sâu sắc đến tâm lý và sự phục hồi sau những mất mát to lớn về người, của cải, nhà cửa và làng mạc thôn bản.
Trên thực tế không có một thống kê thiệt hại nào đầy đủ về những mất mát mà mỗi cá nhân hay toàn xã hội phải gánh chịu và số tiền phải bỏ ra để phục hồi sinh hoạt cũng như sản xuất sẽ rất lớn, rất lâu. Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và mưa bão phá hủy mùa màng và vật nuôi, dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể cho nông dân và ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt làm hỏng đường sá, cầu cống, kiến trúc và các cơ sở hạ tầng khác, đòi hỏi phải sửa chữa và tái thiết tốn kém. Chúng cũng làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, dẫn đến mất năng suất và doanh thu. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và tác động tức thời đến ngành du lịch. Cuối cùng, người ta nói đến chi phí y tế tăng vọt và những chi phí bảo hiểm khổng lồ, bởi hiện tượng thời tiết cực đoan rồi đây mỗi năm một nhiều hơn và nguy hiểm hơn.
Ở góc độ khoa học, nước là tác nhân trực tiếp và quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta. Nhiệt độ mặt nước Biển Đông và Thái Bình Dương ấm hơn khiến cho chu trình nước tăng tốc vì bốc hơi mạnh, dẫn đến lượng mưa bão nhiều hơn và dữ dội hơn, kèm theo những nguy cơ lũ lụt, sạt lở. Những tính toán trước đây dự báo lượng mưa toàn cầu sẽ tăng lên 7% cho mỗi 1 độ ấm thêm và tính dữ dội còn mạnh hơn đến 14 lần cho mỗi 2 độ tăng thêm. Nhưng ở nước ta, con số thực sự có thể cao hơn. Hơi nước nhiều trong không khí cũng dẫn đến hiện tượng bầu ướt (wet tube) mỗi khi có sóng nhiệt (heat wave) tràn qua, và con người ngột ngạt như sống dưới một nồi hấp khổng lồ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nước cũng là nguyên nhân trực tiếp, nhưng là nước mặn xâm nhập sâu hơn do khối nước biển bị hâm nóng giãn nở dâng cao, song song với việc châu thổ và các thành phố trong đó đang lún chìm!
4 quy tắc quan trọng
Việc chuẩn bị cho hình thái sống chung với thời tiết cực đoan tại đây đã bắt đầu, nhưng mới chỉ tập trung chủ yếu vào dự báo khí tượng thủy văn. Cuộc sống chung này có lẽ buộc chúng ta phải tuân thủ cả 4 quy tắc, thứ nhất là dự báo sớm, thứ hai là phòng tránh xa, thứ ba là triển khai ngay phương án khẩn cấp, và cuối cùng nhưng quan trọng nhất là phối hợp điều động, theo sau nữa là những chương trình phục hồi cho mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Những tác nhân có thể gây nên thảm họa đều phải có dự báo sớm, lẽ dĩ nhiên nguy cơ sạt lở ta-luy đường phải do ngành giao thông với hệ thống cảm biến, và điều chỉnh xả lũ an toàn các hồ đập phải do ngành thủy lợi hay ngành điện lực với quy trình hợp lý như đã thực hiện tại hồ Dầu Tiếng, đừng để khi lưu lượng dòng chảy đã ở mức nguy hiểm thì bồi thêm nguồn nước từ việc xả lũ.
Phòng tránh xa là một nội dung cơ bản, bao gồm cả hai động tác quy hoạch và thiết kế các công trình, làng mạc. Vị trí các thôn bản nên được xem xét lại sao cho an toàn, các công trình giao thông phải tính đến cầu vượt thoát lũ, các đô thị cần thiết kế cấu trúc thoát nước nhanh và an toàn. Trước hết những quy hoạch nào, thiết kế nào không phù hợp với môi trường mới thì cần bổ sung sửa chữa ngay.
Cũng trong nội dung phòng tránh xa là hoạt động truyền thông: Cư dân phải được hướng dẫn làm quen với cách xử lý các tình huống nguy cấp bao gồm cả việc an toàn tính mạng, của cải, vật nuôi và nhà cửa. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc triển khai các phương án khẩn cấp và nhờ thế cứu sống rất nhiều sinh mạng, nhưng việc phối hợp điều động cần được tính toán thêm. Đặc biệt, cần xem xét lại hệ thống liên lạc vô tuyến nơi các vùng xa và ứng dụng kỹ thuật số bằng những trang web để điều phối các hoạt động cứu hộ, cứu trợ.