Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sông Hậu sẽ phải gánh hàng chục nghìn tấn xút/năm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sông Hậu sẽ phải gánh hàng chục nghìn tấn xút/năm?

(SGTO) – Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, vừa gửi đến Saigon Times Online bài viết nêu ý kiến riêng của ông, đại ý cho rằng dư luận, báo chí không nên vội vàng phê phán dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang khi chưa có những đánh giá đầy đủ.

Cục Lâm nghiệp cho rằng, theo công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của Nhà máy Giấy Bãi Bằng, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy, cần 50kg xút làm chất tẩy và cũng có nghĩa là mỗi năm, 28.500 tấn xút (50 x 570.000 tấn) được đổ ra môi trường.

Đầu đề và đoạn tin trên được trích nguyên văn bài báo “Hậu Giang: Nhà máy giấy lớn nhất nước có phải dừng lại?” của Hà Yên trên website Vietnamnet.vn ngày 13-9-2007. Tiếp theo là bài báo cũng của cùng tác giả với nhan đề: “Cấp phép dự án nhà máy giấy “né” vấn đề môi trường?” đăng trên Vietnamnet.vn ngày 15-9-2007.

Bài báo thứ nhất nêu lên ba lý do chính mà Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dựa vào để báo cáo Bộ NN&PTNT trong công văn 1311/CV-SDR ngày 6-9-2007 đề nghị “Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại các điều kiện về nguyên liệu, về ô nhiễm môi trường từ nhà máy giấy và bột giấy lớn nhất nước, vừa được khởi công đầu tháng 8 tại Khu công nghiệp Sông Hậu (Hậu Giang)”. Bài báo thứ hai nêu lên việc dự án chưa có báo cáo tác động môi trường báo cáo các cơ quan hữu quan.

Ba lý do Cục Lâm nghiệp nêu trong báo cáo gồm “địa điểm không có trong quy hoạch”, “Sông Hậu sẽ phải gánh chịu hàng nghìn tấn xút/năm” và “Việt Nam là điểm tiếp nhận phế thải của các nước trong khu vực” (khi 80% nguyên liệu của nhà máy giấy là giấy loại).

Thực ra, trong “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 – tầm nhìn 2020” (Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ngày 30-1-2007) chỉ có mục “V.6.4 – Đinh hướng đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy” trong đó nêu các vùng trung tâm Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Đông Bắc, Bắc Tây Nguyên và các dự án khác chỉ không nêu đích danh vùng Nam bộ. Như vậy không thể quả quyết rằng “địa điểm” nhà máy giấy ở Hậu Giang “không có trong quy hoạch”. Hai bản quy hoạch trên đều do các chuyên gia đầu ngành xây dựng, tuy nhiên do nhiều lý do các bản quy hoạch trên đều chưa lường hết các yếu tố (tốc độ phát triển kinh tế, khả năng đầu tư, nhu cầu tiêu dùng, tiến bộ kỹ thuật…) nên không tránh khỏi việc “lạc hậu” ngay sau khi ra đời. Bản quy hoạch điều chỉnh dự báo sản xuất giấy năm 2010 sẽ đạt 1.380.000 tấn/năm, năm 2015 sẽ đạt 2.250.000 tấn/năm. Nhưng dự báo mới nhất của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (www.vppa.vn) công bố ngày 25-8-2007 thì dự kiến năm nay (2007) sản xuất giấy sẽ đạt 1.130.000 tấn, năm 2010 dự kiến đạt 2.415.000 tấn và năm 2015 đạt 5 triệu tấn (tức là gấp 2 lần so với bản quy hoạch điều chỉnh).

Ngành giấy cũng không phải là ngành có tầm quan trọng lớn đến an ninh quốc gia, nên nếu không được nêu đích danh cũng không có nghĩa không được xây dựng phát triển. Trên thế giới không hiếm các nước không có rừng, nhưng có ngành sản xuất bột giấy phát triển như Nhật Bản, mua dăm mảnh từ khắp nơi trên thế giới về để sản xuất ra bột và xuất khẩu.

Một điểm nữa liên quan đến quy hoạch mà Cục Lâm nghiệp nêu ra là “không (có) quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Nói xa một chút, trước đây có quy hoạch trổng (cây) vải ở Bắc Giang không? Vậy mà bây giờ vải ở Bắc Giang nhiều hơn Hải Dương. Người viết bài đã nhìn (đã con mắt) thấy những vạt rừng tràm xanh tươi ở nhiều nơi ở ĐBSCL vào năm 2003, chắc nay phát triển nhiều hơn, nhưng để làm gì? Chưa ai dám liều xây dựng nhà máy bột giấy ở khu vực này, nay mới duy nhất có một anh Lee & Man “liều lĩnh”. Kinh tế thị trường sẽ điều chỉnh, nhà nước là bà đỡ, các doanh nghiệp là người trợ giúp sự phát triển rừng ở khu vực này. Nếu chúng ta có một “khoán 10” trong lâm nghiệp, chắc việc trồng 5 triệu ha rừng đã thành công.

Các quy hoạch phát triển (như ngành giấy) cần được liên tục điều chỉnh về tư duy, tầm nhìn, nhất là không tách rời thị trường Việt Nam ra khỏi thị trường WTO. Ngày nay đừng yêu cầu sản xuất phải gắn với vùng nguyên liệu (tự duy của nền kinh tế tự cấp), đừng hỏi người sản xuất lấy nguyên liệu ở đâu, bán sản phẩm ở đâu, mà cương quyết không cho phép sản xuất kinh doanh nếu gây tổn hại đến môi trường, đến sức khỏe của dân và không hiệu quả (Nhà nước khuyến khích mọi người làm giàu, không cho phép làm nghèo đi).

Sông Hậu có phải gánh chịu hàng nghìn tấn xút/năm không? Trước hết cần nói rõ không ai dùng xút làm “chất tẩy” trong sản xuất bột cũng như sản xuất giấy như Cục Lâm nghiệp nói. Người ta chỉ dùng xút để nấu bột. Như vậy con số 28.500 tấn xút chỉ còn lại 7.500 tấn. Lại nói 7.500 tấn xút này có đổ ra sông Hậu không? Thưa không! Vì khi nấu bột xong thì xút này nằm trong các thành phần của dịch đen. Dịch đen này được xử lý để thu hồi lại (gần hết) xút để sử dụng lại. Nước thải sau khi thu hồi xút phải được xử lý để các thông số ô nhiễm BOD (nhu cầu ôxy sinh hóa), COD (nhu cầu ôxy hóa học), TSS (tổng chất rắn lơ lửng) và AOX (halogen hữu cơ) đạt được giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Luật môi trường không cho phép bất kỳ người nào, tổ chức nào gây ô nhiễm môi trường. Cũng không thể võ đoán nói rằng ngành giấy là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất. Sinh hoạt hàng ngày của con người cũng gây ô nhiễm, sản xuất cái gì cũng gây tổn hại môi trường. Nhưng môi trường sẽ được bảo vệ nếu tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.

Lý do thứ ba liên quan đến “phế thải” như danh từ bài báo dùng từ các nước trong khu vực đổ vào. Xin thưa, các nước trong khu vực (ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan…) đều là những nước nhập khẩu “phế thải” chứ không nước nào xuất khẩu “phế thải” này (vì làm gì có thừa để mà xuất). Đặc biệt, lượng “phế thải” Trung Quốc nhập khẩu hàng năm bằng 50% tổng lượng “phế thải” được xuất khẩu trên toàn thế giới. “Phế thải” này phần lớn được xuất đi từ Mỹ, Tây Âu, Nhật. Đó là hòm hộp đã qua sử dụng, giấy báo cũ, sách cũ, tạp chí cũ…có thể tái sử dụng. Việt Nam bắt đầu nhập khẩu giấy loại để tái chế thành giấy (phần lớn để làm bao bì, giấy vệ sinh, khăn giấy…) trên 20 năm nay. Việt Nam có hẳn tiêu chuẩn về giấy loại nhập khẩu. Việc nhập khẩu giấy loại được kiểm soát chặt chẽ, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời. Gần đây nhất còn có thêm thông tư liên bộ Công Thương – Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành, số 002/2007/TTLB-BCT-BTNMT ngày 30-8-2007 hướng dẫn thực hiện Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường về tiêu chuẩn, điều kiện, kinh doanh nhập khẩu phế liệu. Với những văn bản pháp quy hiện hành, không thể có rác làm hại môi trường lọt được vào Việt Nam.

Như vậy ba lý do làm căn cứ là chưa chuẩn xác. Việc báo cáo Chính phủ với những lập luận chưa chuẩn xác nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyết định của Chính phủ. Chắc chắn Chính phủ sẽ sáng suốt xem xét, nhưng những ý kiến của Cục Lâm nghiệp chắc chắn tác động đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp giấy và môi trường đầu tư của Việt Nam. Dù rất không muốn, người viết bài cũng bị ám ảnh và liên tưởng đến bài đăng trên báo chí gần đây về “ăn bưởi sẽ gây ung thu vú”.

Đối với dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang, các cấp có thẩm quyền cần đòi hỏi dự án phải nhanh chóng có báo cáo “đánh giá tác động môi trường” như luật định. Khi thẩm định báo cáo, ngoài các cơ quan chức năng, nên mời các hiệp hội ngành nghề và chuyên gia chuyên ngành tham gia ý kiến (tư vấn) để có kết luận chuẩn xác và khi đó sẽ cho phép hoặc không cho phép dự án được thực hiện. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam luôn luôn khuyến cáo các hội viên và các doanh nghiệp trong ngành tuân thủ các quy định của pháp luật vể xử lý nước thải.

TS VŨ NGỌC BẢO – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới