Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sóng ngầm trên thị trường vàng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh giá vàng thế giới đảo chiều liên tục và áp lực tỷ giá chưa giảm, thị trường vàng nội địa dường như cũng có những đợt sóng ngầm riêng.

Thị trường vàng lại "nhấp nhổm" khi giá vàng thế giới cao kỷ lục. Ảnh: Lê Vũ

Những diễn tiến mới

Sau một khoảng thời gian thử đổi cách bán vàng miếng, mức chênh lệch với giá vàng thế giới đã được thu hẹp đáng kể, như mục tiêu của cơ quan quản lý nhắc đến với chính sách “bình ổn” giá vàng. Tuy nhiên, những diễn tiến trên thị trường mới đây cho thấy “sóng ngầm” trên thị trường này đang dần rõ rệt hơn.

Câu chuyện dễ thấy nhất là tình trạng giá vàng nhẫn trơn tăng vọt. Vốn được xem là có chất lượng tương đồng với vàng miếng do SJC dập, vàng nhẫn trơn nhận được nhiều khuyến nghị mua thay thế cho vàng miếng. Trong bối cảnh giá vàng miếng chững lại và khó mua, giá vàng nhẫn trơn trong hơn tháng qua vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Lần đầu tiên vượt vàng miếng SJC, thậm chí cao hơn 1 triệu đồng.

Trên thực tế, giá vàng miếng có khoảng thời gian ổn định cũng một phần nhờ đà đi xuống ngắn hạn của giá vàng thế giới, nhưng sau đó lại có xu hướng tăng mạnh đáng kể.

Trong tuần trước, giá vàng giao ngay thế giới lại lập đỉnh mới với mốc 2.482 đô la Mỹ/oz. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng lại bằng cách tăng giá bán vàng miếng trực tiếp lên thêm 3.000.000 đồng lượng sau hơn 6 tuần giữ giá.

Việc điều chỉnh giá trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh khi đó có lẽ nhằm giảm bớt tâm lý đầu cơ. Đến cuối tuần qua, khi giá vàng thế giới hạ nhiệt, thị trường vàng lại tự động “bớt sốt”. NHNN giảm 500.000 đồng mỗi lượng khi vàng thế giới lùi về giữ mốc 2.400 đô la/oz.

Câu chuyện thứ ba đáng chú ý là xuất hiện thêm tình trạng rao bán vàng miếng và các “suất mua” trên mạng xã hội, đồng nghĩa với việc dần hình thành thị trường vàng “phi chính thức” tương tự như thị trường mua bán ngoại tệ.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học UEH, thị trường này đang phát tín hiệu rõ rệt hơn khi giá vàng miếng rao bán chênh nhau đến 5 triệu đồng so với giá bán tại các điểm được cấp phép. Trên thực tế, tình trạng “hai hệ thống giá” này đã được dự báo từ khi cơ quan quản lý bắt đầu đổi cách bán vàng theo phương án hành chính.

Sau khi cả 5 đơn vị bán vàng miếng trực tiếp đều triển khai cho phép người dân đăng ký mua vàng trực tuyến, hiện tượng kèm theo là các doanh nghiệp vàng khác hầu như ngừng bán vàng miếng. Trong khi đó, tình trạng nguồn cung vàng miếng vẫn “nhỏ giọt” bởi giới hạn số lượng người đăng ký và số vàng được mua.

Tại buổi họp báo mới đây, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết có hiện tượng người dân gặp khó khăn khi mua qua hình thức trực tuyến, và nói rằng sẽ chỉ đạo để các đơn vị bán vàng miếng tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ghi nhận tình trạng phản ánh rằng có người đặt lệnh mua nhưng không đến lấy vàng. Theo ông Tuấn, điều này cho thấy “nhu cầu của thị trường đã đạt đến một mức độ nhất định”. Trước đó nữa, NHNN cũng gửi văn bản cho biết đã có tình trạng xếp hàng mua hộ vàng.

Có thể tâm lý nôn nóng mua vàng ngay đang chững lại, nhưng sự nhạy cảm với vàng chưa bao giờ chấm dứt. Thay vào đó là những đợt “sóng ngầm” theo giá thế giới, tâm lý đầu cơ cũng như nhu cầu bảo vệ sức mua tiền đồng của người dân.

Áp lực vàng chưa hết

Nhìn chung, tâm lý thị trường vàng trong nước vẫn dễ tổn thương trước diễn biến giá vàng quốc tế. Trong khi đó, nhiều định chế tài chính tiếp tục dự báo giá vàng tương lai sẽ còn tăng cao.

Chẳng hạn, trong bài viết hồi tháng 7, J.P. Morgan dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.500 đô la/oz vào cuối năm 2024 và lên 2.600 vào năm 2025, trong giả định rằng chu kỳ cắt giảm lãi suất đô la của Fed bắt đầu vào tháng 11-2024.

Trong bình luận tương tự, UOB mới đây thậm chí dự kiến giá vàng thiết lập kỷ lục mới 2.700 đô la/ounce vào giữa năm sau. Động lực cho vàng không chỉ lãi suất đô la giảm, mà còn vì ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục tích lũy loại hàng hóa đặc biệt này.

Trong một cuộc gặp gỡ với báo chí hồi giữa tháng 7, ông Suan Tek In, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, nói rằng rất khó để dự đoán về diễn biến giá vàng Việt Nam, nhưng một đặc điểm dễ thấy là sự hạn chế của nguồn cung trên thị trường, là cơ sở khiến giá vàng có xu hướng giữ ở mức cao.

Giá vàng diễn biến phức tạp, trong khi phải kiểm soát tỷ giá là một bài toán khó với bất kỳ ngân hàng trung ương nào, đặc biệt là với các quốc gia có độ mở thương mại lớn nhưng quy mô nhỏ như Việt Nam.

Trong buổi họp báo ngày 23-7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nói rằng thị trường sẽ cần các giải pháp mang tính dài hạn hơn, bên cạnh những chính sách được cho là giải quyết các vấn đề trước mắt.

Theo đó, ông Tú cho biết NHNN sẽ cùng với các bộ ngành khác nghiên cứu để có chính sách hợp lý, “phân loại” các câu chuyện thuộc vai trò quản lý nhà nước và những gì thuộc về thị trường.

Hiện nay, đại diện NHNN cũng cho biết vẫn đang sửa đổi Nghị định 24 theo hướng quản lý hiệu quả, đảm bảo “sự thông thoáng” cho nền kinh tế và ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng. Còn đối với các hệ lụy khi mở bán trực tuyến vàng miếng, NHNN cũng sẽ làm việc cụ thể hơn với cơ quan hữu quan, cũng như chính các đơn vị bán vàng để có giải pháp.

Trước đó, theo các chuyên gia, giải pháp dài hạn hơn tập trung vào việc kiểm soát nguồn cung hay đánh thuế giao dịch. Theo ông Huân, trong bối cảnh này có thể nghiên cứu các giải pháp mang tính phi thị trường nhằm điều chỉnh tâm lý người mua.

Chẳng hạn như Mỹ trước đây từng thực hiện chính sách yêu cầu bán tín chỉ vàng để người dân mua thay vì vàng vật chất. Mặt khác, để giải quyết câu chuyện của vàng nhẫn trơn, có thể nghiên cứu quy định lại sản phẩm, tránh trường hợp chất lượng tương tự như vàng miếng SJC trong khi chi phí sản xuất lại cao hơn, hao tổn nguồn lực xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới