Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sống như một lựa chọn đạo đức

Nam Thụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau hai năm dịch bệnh, đi qua những mất mát, tang thương, thiếu hụt, thua lỗ… mỗi chúng ta đều để mất đi ở khoảng thời gian, hoàn cảnh ấy điều gì đó. Những người thân đi mãi, những cơ hội không thể tái hồi, những cơ nghiệp khó mà dựng lại… Nhưng điều lớn hơn những mất mát cụ thể ấy nằm ở phía bên trong chúng ta, nơi tâm hồn đã có những khoảng trống mà để lấp bằng được, chúng ta còn phải mất nhiều thời gian.

Như chàng Neo trong bộ phim Ma Trận (Matrix) nổi tiếng, chúng ta thức dậy và thấy thế giới cũ mà mình đã biết, đã quen, đã sống mãi… biến mất. Chúng ta bị rứt khỏi các thói quen, nhịp điệu, mối quan tâm mà chúng ta cứ tưởng là bất biến. Như Neo, chúng ta biết thế giới bất biến ấy là một ma trận, một ảo ảnh, nơi chúng ta sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên lại với tâm thế cũ nữa. Chúng ta thay đổi, thích nghi, và hơn hết để có thể đi tới, sống tiếp, điều cần thiết nhất chúng ta phải làm là lựa chọn. Lựa chọn trong từng thời khắc sống, một lựa chọn đạo đức.

Đó là điều mà ông Alberto Giubilini, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đạo đức Thực hành (Đại học Oxford, Anh) trả lời đài Aljazeera. “Đại dịch kết thúc khi kiểm soát được con virus và chúng ta học cách sống chung với nó. Điều đó lại phụ thuộc vào cách chúng ta hành động nhiều hơn là vào virus. Chúng ta cứ mãi xem một số thứ là “khoa học” trong khi chúng không phải khoa học”, ông Alberto Giubilini nói. “Đoạn kết của đại dịch là một quá trình thương thảo chính trị, và là một vấn đề đạo đức. Đại dịch kết thúc khi chúng ta thay đổi cách tiếp cận với con virus vốn có khả năng không bao giờ biến mất”, ông kết luận.

Câu chuyện đại dịch, theo cách tiếp cận này, phụ thuộc vào lựa chọn của từng cá nhân. Chính quyết định cách sống, cách ứng xử xã hội của mỗi cá nhân sẽ quyết định việc đại dịch ấy tiếp diễn hay kết thúc với cá nhân đó. Nhưng cá nhân là một phần của toàn thể, nên lựa chọn luôn là một lựa chọn đạo đức bởi, hành vi của chúng ta chứa đựng sự được mất, chia sẻ hay phủ nhận những mất mát của đồng bào và của toàn nhân loại. Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022 này, con số tử vong vì Covid-19 của đồng bào cả nước dù đã giảm rất nhiều nhưng vẫn trên dưới 200 người/mỗi ngày. Đó không phải là con số vô tri, con số ấy chứa hàng vạn nỗi đau của người thân, sự mất mát của xã hội, chuỗi dài những ký ức và hoạt động sống. Con số ấy còn là thực tế về nhân lực xã hội bị mất đi. Khi ta lựa chọn việc đại dịch đã kết thúc với bản thân, thái độ của chúng ta vẫn còn phải chứa những mất mát ấy, chứa sự thông cảm cho đau thương ấy, chứa sự mong muốn đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Trong mọi ngày sống, chúng ta đều phải đối mặt với nguy hiểm từ tai nạn và bệnh tật, những nguy hiểm len lỏi từ mỗi ngã rẽ, mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi quyết định của chúng ta. Dịch bệnh cũng là một mối nguy hiểm như thế, chỉ hiển hiện hơn, để chúng ta đưa ra các lựa chọn kỹ lưỡng hơn.

Gặp một người bạn có người thân đã mất vì dịch bệnh trong giãn cách, tại một quán cà phê, tôi đã xin phép anh được gỡ khẩu trang khi ngồi cùng. “Anh thoải mái đi, tôi đã đi qua rồi, tôi không muốn nói, muốn nghĩ về điều ấy nữa. Tôi chỉ muốn nghĩ ba tôi đã ra đi như mọi người tới cái hẹn với vô cùng. Câu chuyện về dịch bệnh khiến tôi thấy mình có lỗi và nỗi xót xa lớn hơn với những người con mất cha khác”, anh nói nhỏ giọng, “chúng ta sống đi, chúng ta đừng nói chuyện ấy nữa”.

Đó là lựa chọn đạo đức của anh ấy, chúng ta không thể ở mãi trong nỗi buồn và lo sợ, chúng ta không thể sống bằng cách đóng kín cửa. Bà Catherine Bennett, nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin (Úc), cho rằng sự chia rẽ trong dư luận công chúng và tính toán chính trị đã tạo ra cái vòng tròn tự cô lập không hồi kết, thay vì tập trung tìm cách sống chung với dịch một cách có chừng mực và an toàn. “Nên tăng hoặc giảm các biện pháp an toàn sức khỏe cộng đồng khi có tín hiệu virus thay đổi, không phải đạp phanh thắng gấp”, bà nói. Đây là đúc kết không chỉ cho riêng đại dịch này mà còn là tiền lệ để chúng ta ứng xử với các câu chuyện sức khỏe cộng đồng từ nay về sau.

Nhân loại đã đi qua nhiều trận dịch, những cái chết đen dịch hạch kéo một vệt dài từ châu Á đến châu Âu, những trận dịch tả càn quét từ địa phương nhỏ và theo chân người trốn chạy, theo nguồn nước lan đi, những dịch cúm đã khiến người bản địa châu Mỹ sụt giảm dân số khủng khiếp… Rồi tất cả đều đi qua, ở lại với lịch sử, trong những trang sách mỏng, nhắc nhở, cảnh tỉnh những người biết lần giở. Những dịch bệnh ở lại, còn nhân loại đi tới, với sự sáng tạo, nghiên cứu y sinh đẩy lùi hữu hiệu các bệnh dịch. Ngay cả ở lần dịch này, khoa học y sinh, y tế đã làm rất tốt công việc kháng cự, giữ vững chốn sống và sự sống cho loài người.

Những ngọn nến thắp vàng đêm, những vòng hoa đăng theo ra biển, chúng ta tưởng nhớ hơn hàng chục ngàn đồng bào tử nạn vì dịch, chính là để nhắc nhở chúng ta phải sống. Chúng ta tưởng niệm không phải để ở mãi trong tăm tối buồn thương ấy. Những người mất đi muốn chúng ta lựa chọn cuộc sống tiếp theo một mệnh lệnh đạo đức có phần cho cả cá nhân và cả cộng đồng.

Những dự báo cho thấy virus đang thuần hóa dần và bệnh dịch đang trở thành một loại bệnh đặc hữu, điều ấy càng thúc đẩy từng lựa chọn cá nhân. Những lựa chọn như có cho con đến trường học lại không, có tham dự lại những sự kiện, hoạt động sống vốn có nhiều người không, đều đòi hỏi chúng ta suy xét nhiều bên, nhiều tình huống. Trẻ con, có cơ chế riêng để chống Covid-19 (mà các nhà nghiên cứu cho rằng xuất phát từ sự vô lo của chúng) khiến không bị bệnh nặng, nhưng nếu chúng bệnh, mang về nhà thì sao, những người lớn tuổi trong nhà đã được bảo vệ bằng vaccine chưa? Trẻ con đến trường, tiếp xúc bạn bè là tiền đề của nhiều việc khác giúp xã hội bình thường. Khi tham dự vào các hoạt động sống, không chỉ anh đang giúp bản thân sống mà còn là một mắt xích giúp nền kinh tế vận hành lại, sau hoạt động mua bán của mỗi người là cuộc sống của rất nhiều người khác.

Cá nhân là một phần của toàn thể, nên lựa chọn cá nhân luôn là một lựa chọn đạo đức bởi, hành vi của chúng ta chứa đựng sự được mất, chia sẻ hay phủ nhận những mất mát của đồng bào và của toàn nhân loại.

Bạn đã sẵn sàng cho một đời sống mới như lựa chọn đạo đức của riêng mình rồi chứ? Tôi đã có. Anh bạn có người thân mất trong dịch nói: “Tôi vẫn sống, chỉ có sống nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn, cho người khác được sống bình thường, mới là cách tôi đi qua những ngày buồn thương và nỗi niềm sống chết khi phải thở oxy liên tục một tháng trời. Nhưng khi sống, tôi vẫn tuân thủ các khuyến cáo của khoa học, của cơ quan hữu trách, như sự giữ gìn cho người khác, và cho tôi”. Có lẽ ở thời điểm này, đó là một lựa chọn quân bình, phù hợp với nhiều người.

Vẫn như chàng Neo của Ma Trận, sau thức tỉnh, chúng ta quyết liệt sống hơn, vượt qua các ngăn trở, nguy hiểm. Thật ra, trong mọi ngày sống, chúng ta đều phải đối mặt với nguy hiểm từ tai nạn và bệnh tật, những nguy hiểm len lỏi từ mỗi ngã rẽ, mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi quyết định của chúng ta. Dịch bệnh cũng là một mối nguy hiểm như thế, chỉ hiển hiện hơn, để chúng ta đưa ra các lựa chọn kỹ lưỡng hơn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Sống không phải là lựa chọn, mà là số phận. Còn an bài hay không mới là do ta lựa chọn. Người thức thời thì lúc nào cũng cảm thấy an bài với số phận. Người không cam chịu thì lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ. Chân lý luôn nằm ở giữa, đó có lẽ là lựa chọn đúng đắn nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới