Sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm nặng
Một miệng cống xả nước thải ra sông Nhuệ - Ảnh: Bộ Tài nguyên Môi trường. |
(TBKTSG Online) - Từ giữa tháng 12 đến nay, do lượng mưa ít cộng với nước thải ở Hà Tây và Hà Nội tiếp tục đổ về đã dẫn tới nguồn nước nhiều dòng sông, kênh mương và ao hồ trong hệ thống sông Nhuệ và sông Đáy ngày càng ô nhiễm nặng, làm nhiều loài động vật thủy sinh bị chết hàng loạt.
Nhằm đưa ra giải pháp cản thiện tình hình này, hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vẫn đang tiến hành kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy. Đây là đợt kiểm tra toàn diện lần thứ hai của bộ tại lưu vực 2 con sông này.
Ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, kết quả kiểm tra ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy sẽ được công bố cuối tháng 12-2008. Những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại khu vực này sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất.
Đối tượng kiểm tra là các làng nghề có đặc điểm về sản xuất mùa vụ, đa ngành, sản lượng lớn... Cụ thể, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các địa phương chọn ra 7 loại hình làng nghề có đặc thù ô nhiễm nghiêm trọng nhất (như luyện kim, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy...) để tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện đến từng hộ, từng cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm của làng nghề và xác định mức độ vi để qua đó, các ngành chức năng có biện pháp xử phạt nghiêm cũng như có chính sách hỗ trợ hợp lý.
Sơ đồ sông Nhuệ và sông Đáy - Ảnh: Bộ Tài nguyên Môi trường. |
Ông Hà cho biết, mức xử lý mạnh nhất là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất của cơ sở gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với những cơ sở tiếp tục gây ô nhiễm trong đợt kiểm tra lần thứ hai này.
Theo thống kê gần đây, trong phạm vi sông Nhuệ, sông Đáy có tới 700 nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện và sinh hoạt. Đây là nguồn gây ô nhiễm chính cho hệ thống sông này. Mỗi ngày hệ thống sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 800.000 m3 nước thải sinh hoạt. Riêng Hà Nội thải ra khoảng 400.000 m3 vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.
Điều đáng báo động trong thời gian gần đây là một số hộ dân sống ven sông tại Hà Nam đã vớt cá chết trên sông mang ra chợ bán cho người tiêu dùng làm thực phẩm. Không ít người đã mua phải loại cá này về chế biến thức ăn cho gia đình. Sau khi phát hiện việc này, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Nam đã có những thông tin cảnh báo về việc cá chết là những thực phẩm bị ô nhiễm, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Nam đã khuyến cáo người dân không vớt cá và các loại thuỷ sản chết tại sông Nhuệ, sông Đáy để bán hoặc sử dụng làm thực phẩm và đưa ra những hình thức hướng dẫn người dân cách lựa chọn cá tươi. Chính quyền một số địa phương ven sông Đáy, sông Nhuệ cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân tiêu hủy cá chết và không sử dụng các loại thủy sản trên sông làm thực phẩm trong giai đoạn nước sông bị ô nhiễm nặng.
TBKTSG Online tổng hợp