Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sống nơi tuyến đầu chống dịch

Nhóm PV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những ngày mà nhóm phóng viên Kinh tế Sài Gòn thực hiện phim phóng sự phản ánh cuộc sống của các lực lượng, đơn vị nơi tuyến đầu chống dịch cũng là khoảng thời gian TPHCM quyết liệt và gian nan trong thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn cơn bùng phát của dịch bệnh. Trên các diễn đàn, các kênh giao tiếp trực tuyến, nhiều lời động viên, khích lệ nhau cùng vượt qua khó khăn xen lẫn cùng những lời chia sẻ, bộc bạch về nỗi nhớ nhung khung cảnh mua bán nhộn nhịp, sôi động của trung tâm kinh tế lớn nhất nước này.

Trong không khí vắng lặng và ảm đạm của đường phố, nhịp sống trôi qua trong những ngày giãn cách xã hội đầy gian nan và khó khăn, nhiều người đã không thể bình tâm ở lại, giọt nước mắt đã rơi khi bất lực rời thành phố sau nhiều năm gắn bó, nương tựa và trưởng thành. Dịch bệnh đã làm cho nhiều phận đời khó khăn hơn, nhiều nỗi đau và sự mất mát, nhưng cũng là thời điểm để tình người và sự tử tế lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch

Ngày 14-8, sau gần một tháng 19 tỉnh thành phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, TPHCM đã quyết định kéo dài giãn cách thêm một tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca mắc Covid-19 về mức thấp nhất. Mục tiêu ưu tiên là phòng chống dịch và đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, bên cạnh trọng tâm ứng dụng hiệu quả các giải pháp điều trị và giảm nhanh số ca tử vong, tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine.

Mọi sự cố gắng đã được đẩy lên cao nhất, nhiều biện pháp và sự tiếp sức, hỗ trợ của cả nước đã đến nhưng chúng ta không thể cứu được tất cả, có những người đã không thể vượt qua, mãi mãi.

Mặc dù thành phố đang hình thành nhiều hơn những vùng xanh an toàn nhưng cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc, đồng nghĩa với việc tuyến đầu càng phải tiếp tục kiên cường.

Đội ngũ y bác sĩ, y tế như những tấm khiên chắn, chấp nhận rủi ro để mang lại giấc ngủ bình yên cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Ảnh: Lê Vũ

Trong cuộc chiến này, mỗi gia đình trở thành một pháo đài, mỗi cá nhân trở thành một chiến sĩ và trên “mặt trận không tiếng súng này”, có rất nhiều tấm lòng, sự quả cảm, những cánh tay chìa ra, những tấm lòng lan tỏa. Tất cả, dường như cố dốc hết sức mình để cùng góp phần cho một thành phố sớm trở lại bình an.

“Nếu bố không về thì cũng như mọi khi. Hai chị em tự chăm nhau ăn ngủ. Mẹ thương các con lại sinh ra trong gia đình quân ngũ. Bố bộ đội xa nhà, mẹ lại trực đêm thâu…”, đó là những lời thơ vô cùng cảm động của chị Nguyễn Thị Thắm (44 tuổi), Điều dưỡng trưởng, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Thống Nhất viết gửi đến hai người con nhỏ của mình trước khi lên đường nhận nhiệm vụ chống dịch.

Cũng như chị Thắm, những người đồng nghiệp của chị cũng không thể đếm được ngày họ đã rời xa gia đình nhỏ, nơi có cha, mẹ già và những đứa con.

Trước những khó khăn, vất vả trong quá trình săn sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Mã Thanh Tùng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7 chia sẻ, bản thân mỗi nhân viên y tế đều thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống Covid-19. Mặc dù cuộc chiến này không có tiếng súng, chỉ là một cuộc chiến thầm lặng,  nhưng anh và các đồng nghiệp của mình vẫn đang ngày đêm nỗ lực, chiến đấu trên nhiều mặt trận, vừa chống dịch, vừa tiêm phòng vaccine, vừa lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ngoài cộng đồng….Và sau tất cả, ánh mắt hạnh phúc của mỗi bệnh nhân trong ngày được xuất viện chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất, tiếp thêm sức mạnh để lực lượng y tế tiếp tục cùng với cộng đồng đương đầu và chiến thắng cuộc chiến này.

Ba điều ước mà các y, bác sĩ tại TPHCM chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông đến kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 175 ngày 27-7-2021 khiến chúng tôi càng thêm trân quý tấm lòng của những vị lương y trong cơn khó khăn của thành phố.

Thứ nhất, các y, bác sĩ mong muốn có đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân. Thứ hai, địa phương đảm bảo chăm lo tốt nhất cho F0 không triệu chứng. Và  cuối cùng, là làm sao kéo giảm số lượng ca nhiễm và bệnh nhân phải điều trị.

Chẳng có mong muốn nào cho riêng mình, dù đã có nhiều đêm thức trắng chăm lo cho người bệnh, đối mặt trực tiếp với hiểm nguy, đội ngũ y bác sĩ như những tấm khiên chắn, chấp nhận rủi ro để mang lại giấc ngủ bình yên cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh.

Canh giữ bình yên cho cộng đồng

Giữ gìn sức khỏe người dân và bảo đảm cho sự an toàn của thành phố còn là nhiệm vụ của lực lượng trực chốt tại các trạm kiểm soát ở các cửa ngõ ra, vào thành phố, khu vực ra vào giữa các quận, huyện trên địa bàn.

Trên các trang mạng xã hội, không thiếu những câu chuyện người dân vì một lý do nào đó, gây náo loạn tại các trạm kiểm soát, chống đối lực lượng chức năng, tuy nhiên họ vẫn ở đó, hoàn thành nhiệm vụ trong những đêm trắng, những trưa nắng gắt và những ngày mưa như trút nước.

Câu chuyện người cảnh sát giao thông lái xe chuyên dụng dẫn đường cho vợ chồng sản phụ đến bệnh viện Từ Dũ trong lúc trực chốt làm ấm lòng biết bao trái tim bất an trong mùa giãn cách.

Giữ gìn sức khỏe người dân và bảo đảm cho sự an toàn của thành phố còn là nhiệm vụ của lực lượng trực chốt tại các trạm kiểm soát ở các cửa ngõ ra, vào thành phố, khu vực ra vào giữa các quận, huyện trên địa bàn. Ảnh: Lê Vũ

Chia sẻ với chúng tôi ngay tại chốt kiểm soát trên đường Hoàng Minh Giám sau khi cùng với các đồng đội làm nhiệm vụ dưới trời mưa lớn, anh Nguyễn Thành Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự quận Phú Nhuận bộc bạch, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ lượng người và phương tiện giao thông ra vào khu vực này, các chiến sĩ trực chốt sẽ trực tiếp kiểm soát 100% lượng người và phương tiện lưu thông trên đường, chính vì vậy mặc dù anh và các đồng nghiệp của mình đều tuân thủ quy tắc 5K, tuy nhiên việc tiếp xúc gần khi giải quyết những vướng mắc phát sinh dành cho người dân cũng là nỗi lo lắng thường trực của lực lượng trực chốt trong những ngày thành phố trải qua đợt bùng phát dịch đầy căng thẳng.

Thế nhưng, nỗi lo lắng cũng sớm đi qua, với tinh thần của những chiến sĩ hoạt động trong lực lượng vũ trang, các anh sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức trong mọi tình huống, điều cuối cùng các anh mong mỏi chính là để góp sức mình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Trong những vất vả của nhiệm vụ bảo an cho thành phố, những chiến sĩ này vẫn cố gắng lắng nghe, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của người dân, sẵn sàng tương trợ khi có người cần sự giúp đỡ.

Cùng góp sức, chung tay chống dịch

Những cuộc trò chuyện ngắt quãng cùng các doanh nhân, mạnh thường quân đang không ngại vất vả, nỗ lực ngày đêm với việc vận động các nguồn lực vật chất và kinh phí để cung ứng hàng hóa, thực phẩm, trang thiết bị đến các “mặt trận” phòng chống Covid-19 cũng như các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chúng tôi xem họ như những tia nắng ấm, đang góp phần thắp sáng hy vọng cho những chiến sĩ và cộng đồng trong cuộc chiến ngăn chặn sự tàn phá khốc liệt của Covid-19.

Ai cũng có một tấm lòng, các doanh nhân gác việc riêng để suốt hàng tháng trời tham gia góp một tay, cứu trợ cho các vùng khó khăn của thành phố. Ảnh: Lê Vũ

Khi thành phố bước vào những ngày khó khăn, các doanh nhân, mạnh thường quân sắp xếp lại công việc kinh doanh để cùng bạn bè, người thân tham gia giải cứu nông sản ùn ứ cho bà con nông dân và trao tặng cho người dân gặp khó khăn trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh. Là một thành viên hoạt động thường xuyên trong chương trình thiện nguyện “CLB Doanh nhân 2030 – Thực phẩm cho Sài Gòn giãn cách”, chị Trần Thị Thanh Hằng, CEO Viện Đào tạo Doanh Chủ – Chủ nhiệm CLB Doanh nhân 2030 nhiệm kỳ 9 chia sẻ, nhận thấy điều nhỏ lẻ sẽ không thể lan tỏa, nên bà đã cùng với các doanh nhân khác trong câu lạc bộ quyết định thành lập một nhóm lớn để có thể hợp sức lại với nhau cả về nhân lực, vật lực và tài lực để có thể đóng góp nhiều hơn cho thành phố, đưa sự hỗ trợ đến gần nhất với bà con nông dân và người dân gặp khó khăn trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2020, nhóm Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) xác định tham gia tích cực vào công cuộc đồng hành, tương trợ cho người dân cả nước, cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch cùng vượt khó khăn, đồng lòng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Các chương trình được phát động, bạn đọc khắp nơi tích cực tham gia và những doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã chung tay đóng góp sức mình. Từng chuyến đi tương trợ, từng món quà được gửi trao đều chứa đựng tấm lòng, hy vọng và gửi vào đó một niềm tin chiến thắng.

Ở góc độ là một cơ quan báo chí có vai trò truyền thông và kết nối, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn gửi lời tri ân đến đông đảo bạn đọc và các đối tác, doanh nghiệp thân hữu đã tích cực tham gia, góp sức cùng Kinh tế Sài Gòn trong chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” hơn một năm vừa qua. Đặc biệt, từ tháng 6-2021, khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, chương trình đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ các nhà hảo tâm và đã thực hiện rất nhiều chuyến đi trao vật phẩm y tế, lương thực thực phẩm cho lực lượng tuyến đầu cùng những người khó khăn tại các vùng dịch ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Vượt qua khó khăn, vun đắp niềm tin chiến thắng dịch bệnh

Chiếc khẩu trang cùng bộ đồ bảo hộ đã trở thành nét đặc trưng của những người làm việc trong các khu vực xét nghiệm, chăm sóc và điều trị liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Và trong những tháng ngày bùng phát dịch bệnh vừa qua, đây cũng là hành trang bất ly thân của các tình nguyện viên. Họ là những người đang làm việc, học tập trong những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, với tuổi tác cùng kinh nghiệm khác nhau nhưng có cùng một quyết tâm cùng lòng can đảm vượt qua khó khăn, nguy hiểm để tham gia hỗ trợ lực lượng y tế trên mặt trận chống dịch.

Điều phối hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu, hỗ trợ dọn dẹp ký túc xá thành khu cách ly, hỗ trợ y bác sĩ trong công tác tiêm ngừa tại những khu vực được phân công hay cùng với lực lượng chức năng kiểm soát lượng người ra vào tại các cửa ngõ là công việc thường ngày của các tình nguyện viên này.

Trong những ngày cuối tháng 8-2021, lực lượng quân đội đã được tăng cường trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch, đảm bảo an sinh cho thành phố. Quân đội cùng các lực lượng cơ sở đã phần nào “gồng gánh” để cùng người dân vượt qua những khó khăn dời thường. Ảnh: Lê Vũ

Thực hiện tác nghiệp không đúng chuyên môn, làm việc trong mọi hoàn cảnh thời tiết và điều kiện đôi khi khắc nghiệt, có lúc mệt đến ngã quỵ, nhưng các tình nguyện viên vẫn động viên nhau, mỉm cười vượt qua khó khăn, tiếp thêm tinh thần để cùng nhau góp một phần công sức giúp đầy lùi dịch bệnh

Tạm gác công việc thường ngày, anh Nguyễn Xuân Khoa, tình nguyện viên giao cơm miễn phí cho lực lượng y tế tại bệnh viện dã chiến thành phố Thủ Đức, đã dùng chính chiếc xe bán tải của mình để hỗ trợ giao cơm từ các bếp ăn đến trao tặng cho đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch bệnh.

Cùng đi với anh trên chuyến xe giao cơm nghĩa tình trong ngày thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi mới thấy được tinh thần lạc quan và những cống hiến thầm lặng mà những tình nguyện viên này đã và đang đóng góp cho xã hội, để trả lời cho câu hỏi anh có lo lắng về mối nguy hiểm khi tham gia công việc thiện nguyện này, anh cười vì cho rằng sự đóng góp của mình chẳng đáng là bao so với những đóng góp của lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch, “mùa dịch thì mình không có suy nghĩ gì nhiều hết, với lại mình có sẵn xe bán tải thì mình chở hàng hóa đa dụng cho nên là mình quyết định góp một phần sức lực nho nhỏ của mình để mình giúp đỡ cho cộng đồng thôi.”

Để có thể bảo đảm an toàn cho gia đình, đồng thời bản thân có thể góp một phần công sức trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh, anh Khoa đã quyết định dọn ra ở riêng để có thể hoàn thành nhiệm vụ cống hiến cho xã hội.

Sự lạc quan trong đôi mắt của những tình nguyện viên này khiến chúng ta có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, khi trong cuộc chiến chống dịch này, chúng ta còn có lực lượng Tổ Covid-19 cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các mạnh thường quân, các hội nhóm cộng đồng tương trợ, tất cả cùng một niềm tin chiến thắng dịch bệnh, mang bình yên trở lại thành phố.

Thành phố rồi sẽ khỏe lại. Sớm thôi… Ảnh: Lê Vũ

Tình người lúc nào cũng ấm áp và tình người trên tuyến đầu chống dịch lại càng rực rỡ và đáng quý hơn biết bao. Tại các bệnh viện, khu điều trị, lực lượng y bác sĩ vẫn ngày đêm miệt mài để giữ cho được sức khỏe của người bệnh. Và ngoài cộng đồng, vẫn còn đó hàng trăm hội nhóm thiện nguyện, hàng trăm con người ngày đêm bỏ công, bỏ sức, đóng góp vật chất để cùng giúp chính quyền một tay tương trợ đồng bào.

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được gắn với cụm từ “Hiện đại – Văn minh  – Nghĩa tình”, đó không chỉ là một khẩu hiệu mà là sự hiển hiện trong nhịp sống nơi đây, và càng trở nên đậm nét hơn trong những ngày gian khó. Thành phố này, ngôi nhà chung của hơn 10 triệu trái tim, đang đập cùng một ước vọng: Dịch bệnh bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ quay trở lại những ngày bình thường, những góc phố sẽ lại sáng đèn và nhộn nhịp, những khu phố sẽ thêm ấm áp tình làng nghĩa xóm. Chúng ta, rồi sẽ tốt hơn. Thành phố rồi sẽ khỏe lại. Sớm thôi…

Thực hiện: Nam Hưng – Thanh Diệu
Lâm Vũ – Trịnh Hoàng – Phùng My

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới