Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sống với thế giới giả lập

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bằng hệ thống dữ liệu, AI làm tái diễn sự sống của một con người. Người đó có thể đi lại, nói năng, làm việc, thực hiện mơ ước và nối kết, chuyện trò với thân nhân ngay cả khi không còn hiện hữu.

Người đó vẫn tồn tại sống động, trên màn hình

Rất có thể, đó là tương lai của loài người. Trong bộ phim Wonderland, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Hàn Quốc Kim Tae-yong đã tạo ra những tình thế lạ lùng nhưng người xem có thể tin rằng nó không hề “giả tưởng” một khi AI đã can dự rất nhiều vào đời sống của chúng ta trong kỷ nguyên này.

Thang Duy vào vai Bạch Lý, một người mẹ trẻ, một doanh nhân bận rộn nhưng đã chấm dứt cuộc sống trong một tai nạn. Nhưng trên màn hình, cô vẫn đang sống, thực sự đang tiến sâu vào sa mạc để thực hiện một dự án khảo cổ học, theo dữ liệu ước mơ mà cô không thực hiện được trong đời thực.

Các nhân viên dịch vụ Công ty Wonderland tạo ra con người giả lập có tên Bạch Lý đang hạnh phúc khi sống đúng theo khát khao trở thành một nhà khảo cổ dấn thân. Nhưng quan trọng hơn, cô có thể tường thuật trực tiếp công việc và đời sống của mình với đứa con gái nhỏ và người mẹ già thông qua điện thoại. Cô vẫn có thể đọc truyện cho con hàng đêm và trả lời mọi câu hỏi đến từ đứa bé. Cô có thể an ủi người mẹ già đang đau khổ vì không chấp nhận được sự thực về cái chết của cô.

Wonderland - rất có thể đó là tương lai của loài người.

Trong một tuyến truyện khác của bộ phim “khoa học giả tưởng” nhưng hoàn toàn có thể xảy ra ở thì tương lai này, Jung In (Suzy thủ vai) - cô tiếp viên hàng không phải đăng ký dịch vụ AI của Wonderland để hàng ngày được trò chuyện với bạn trai Tae Ju (Park Bo Gum đóng) khi anh này đang bay trong một phi thuyền khám phá vũ trụ.

Bạn trai của cô có thể gọi điện báo giờ bay, nhắc chuyện đánh răng, rửa mặt, ăn sáng hay báo trước khí hậu về những nơi mà lịch trình bay của cô sẽ đến. Một người tình ngọt ngào, lãng mạn, biết quan tâm... tóm lại là quá đỗi lý tưởng, chỉ trừ một điều, anh ta sống trên màn hình với những cuộc gọi đến lúc cô cần.

Trong khi đó, Tae Ju ngoài đời thật lại bất tỉnh trong một vụ tai nạn và cần thời gian rất dài để phục hồi, có thể trở lại đời sống bình thường. Điều gì xảy ra khi Tae Ju tỉnh dậy và sống cuộc đời thực chậm chạp, lừ đừ, mang lại rất nhiều phiền toái và thậm chí là đầy thất vọng so với một Tae Ju giả lập quá mức lý tưởng?

Trong phim, một người đàn ông sắp chết nhưng lại vui vẻ nói với nhân viên dịch vụ AI ở Wonderland: “Hãy cho tôi đến dự đám tang của mình”. Và nhân viên ở đây đáp, đại ý, chỉ có thể thực hiện được dữ liệu này khi ông ta qua đời. Câu chuyện có vẻ hài hước, nhưng sẽ không hài hước cho bằng, vị khách hàng vui vẻ, tin tưởng và ưa thích trải nghiệm “sự sống trong không gian AI” rồi đây sẽ là một “tài khoản” hạnh phúc. Ông ta tiếp tục đi du ngoạn, hưởng thụ đủ thứ thú vui nơi này nơi kia. Dĩ nhiên là trên màn hình.

Sống dưới dạng một tài khoản

Khi con người sống dưới dạng một tài khoản, các liên đới với thế giới thực sẽ không được cập nhật. Câu chuyện một cậu bé đua đòi sẽ dấn sâu vào đua đòi, theo đúng tính cách của cậu khi còn tại thế, mặc cho người bà thắt lưng buộc bụng nuông chiều. Nhưng điều phi lý là chính người bà đau khổ đó đã muốn đứa cháu của mình tiếp tục tồn tại, đòi hỏi và vô tâm hàng ngày hàng giờ ở trên màn hình. Miễn nó vẫn trò chuyện được với bà. Bà không muốn đối diện với thực tế về sự ra đi của nó. Bà cần đến AI của Wonderland (Wonderland bây giờ như một biểu trưng của thứ dịch vụ cung ứng những cuộc đời dưới dạng tài khoản).

Rồi đến một ngày, nhân viên dịch vụ ở đây mới báo cho người cháu một tin quan trọng khi nó đang say sưa mua sắm: đời sống của nó ngay cả trên màn hình cũng đã chấm dứt bởi bà của nó đã chết. Nó biến mất trên màn hình trong bộ dạng cuối cùng: không hề mảy may xúc động.

Rồi như một đường dẫn có tính hài hước, chính cô nhân viên của Wonderland, người xử lý các yêu cầu mở và đóng tài khoản cho khách hàng cũng đang sử dụng AI để tái tạo đời sống của cha mẹ cô, khi họ không còn trên cuộc đời này. Cô phải rủ rê nhập vai bạn trai về nhà cuối tuần để giới thiệu với cha mẹ và có bữa cơm gia đình ấm cúng. Họ nâng ly, đọc thơ, trò chuyện qua vách ngăn là một màn hình lớn. Thật là một bữa cơm gia đình ở cái kỷ nguyên mà cuộc đời, lịch sử của những con người đã khuất có thể được nối dài theo mong muốn của thân nhân, tha nhân, chứ không chắc là của chính họ.

Đứa con gái của Bạch Lý đi tìm mẹ. Nó mong muốn được thấy mẹ bằng xương bằng thịt, cuối cùng, đã không thể. Và bà ngoại của nó đến lúc cũng sẽ phải nói ra sự thật về sự ra đi của mẹ nó. Một tài khoản đã không còn tồn tại. Hoặc nó sẽ lại được mở lại, tồn tại dưới một tính cách khác, dù vẫn con người đó - con người đã bước qua thế giới này đúng một lần, duy nhất. Những nỗ lực kéo dài lịch sử của một con người, lúc bấy giờ, liệu có ý nghĩa gì?

Câu chuyện của bộ phim Wonderland gợi nhớ một bộ phim tài liệu trước đó về đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain, đó là Roadrunner của đạo diễn Morgan Neville. Phim được thực hiện sau khi Anthony Dourdain mất, trong quá trình làm phim, đạo diễn đã sử dụng công nghệ AI để tái tạo giọng nói, hình ảnh trong một số cảnh huống. Rõ ràng, AI đã làm “thật như thật”, nhưng khi biết có AI can thiệp, thì một cuộc tranh luận nhỏ xảy ra trong khán giả và giới phê bình phim: liệu ta có thể giả lập về cuộc đời một con người?

Nhưng bước qua các suy tư về bản chất, triết lý và thậm chí là đạo đức, AI vẫn đang tham gia vào thế giới theo cách con người muốn. Nhẹ thì như một trò chơi, nặng hơn là như những công việc thay thế con người, và sâu xa hơn, thiết lập một lịch sử khác cho một cá nhân.

Đáng sợ không? Rõ ràng không có gì đáng sợ, nếu nó là một cách để xoa dịu tâm hồn con người trước các khổ đau mất mát, nhưng mặt khác, cũng thật đáng sợ nếu nó giúp cho thế giới gia tăng các huyễn tưởng và dấn sâu hơn vào cõi giả lập, không còn chấp nhận tính hữu hạn của thực tế.

Có lẽ điều thú vị làm nên cuộc sống đó là con người chỉ sống một lần trong vô cùng những tốt đẹp lẫn sự khiếm khuyết. Với một lịch sử, hiện tại và tương lai riêng không thể đoán trước.

Wonderland (tạm dịch: Xứ sở thần tiên) của Kim Tae-yong là một dự án điện ảnh lớn; được xem là phim bom tấn của điện ảnh Hàn Quốc năm 2024. Bộ phim vừa được chiếu trên nền tảng Netflix.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới