Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup công nghệ đang khát nguồn nhân lực từ Ukraine

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Theo tạp chí Fortune, khoảng 125 startup công nghệ đang hoạt động tại Ukraine. Sự xuất hiện của các kỹ sư của Ukraine trong các doanh nghiệp Israel bắt đầu từ thập niên 1990. Giờ đây, họ hiện diện hầu hết ở các startup công nghệ của “quốc gia khởi nghiệp”. Cuộc chiến tại Ukraine đang cắt nguồn cung nhân lực kỹ năng cao cho các startup Israel và cả các hãng công nghệ toàn cầu.

Các hãng công nghệ có kỹ sư đang làm việc tại Ukraine đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt là quá trình phát triển sản phẩm sẽ bị đình hoãn vô hạn nếu cuộc chiến Nga – Ukraine không chấm dứt sớm. Ảnh: Getty Images

Israel sử dụng 25% kỹ sư công nghệ của Ukraine

Công ty khởi nghiệp EverC có trụ sở tại Israel có sản phẩm phần mềm phát hiện hàng hóa bất hợp pháp được bán trên các trang thương mại điện tử. Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt để tìm kiếm nhân tài ở quê nhà, EverC đã áp dụng kinh nghiệm ngày càng phổ biển của các startup đang phát triển nhanh trên thế giới: xây dựng đội ngũ lập trình riêng ở Ukraine.

Hiện 8/27 nhà phát triển và nhà phân tích của EverC tại Ukraine đã di tản sang nước láng giềng Ba Lan. Trong số những người ở lại, một số phải ở nơi trú ẩn suốt ngày hoặc đã dời từ Kyiv – nơi EverC mở trụ sở - về miền Tây của Ukraine. Hen Kletter, một giám đốc điều hành của EverC, nói: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu mở văn phòng ở Ukraine và thực sự hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa. Nhưng chiến tranh đã nổ ra. Mọi người ai đều sốc”.

Kletter cho biết tác động đến kinh doanh cho đến nay là rất nhỏ và hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng khi cuộc xâm lược của Nga bước sang tuần thứ ba, các công ty công nghệ có kỹ sư ở Ukraine đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt. Đó là sự chậm trễ hay đình hoãn trong quá trình phát triển sản phẩm nếu chiến tranh không sớm kết thúc.

Mối quan hệ của Israel với Ukraine bắt đầu từ những năm 1990, khi ước tính có khoảng 1 triệu người từ Ukraine và Nga di cư đến Israel sau khi Liên Xô sụp đổ. Đội ngũ 200.000 kỹ sư công nghệ thông tin (IT) của Ukraine, những người có thể làm việc ở các múi giờ tương tự châu Âu và thường có thể nói tiếng Nga hoặc tiếng Anh, đã tự nhiên trở nên phổ biến trong các công ty công nghệ của Israel. Sự có mặt của họ đã ngày càng nhiều hơn khi dịch bệnh thúc đẩy sự bùng nổ chưa từng có trong việc tài trợ vốn mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp.

IT đã trở thành một trong những dịch vụ xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Ukraine, tăng gần gấp đôi từ 2,8 tỉ đô la năm 2017 lên 5,2 tỉ đô la vào năm 2020 - theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các ước tính khác nhau nhưng các nhà điều hành ngành cho biết có khoảng 50.000 người Ukraine làm việc cho các công ty của Israel, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ.

Ảnh hưởng lớn đến giới công nghệ toàn cầu

“Một hàm lượng lớn công nghệ là nền tảng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta được xây dựng bởi các kỹ sư và nhà phát triển phần mềm ở Ukraine” – đài CNBC của Mỹ bình luận.

Các ứng dụng WhatsApp, trang hỗ trợ học tiếng Anh Grammarly, hệ thống mã nguồn mở Gitlab, nền tảng blockchain được sử dụng phổ biến trong tiền ảo Solana do các nhân tài gốc Ukraine sáng lập hay đồng sáng lập. Trong khi đó, Samsung và Amazon đều có các trung tâm R&D ở Kyiv.

Các công ty khởi nghiệp đã theo chân các hãng công nghệ trưởng thành hơn vào Ukraine. Wix, một công ty phần mềm phát triển web niêm yết của Mỹ có trụ sở tại Israel, được cho là có 1.000 nhân viên ở Ukraine. GlobalLogic, một công ty phát triển phần mềm có trụ sở chính tại Mỹ, sử dụng 7.200 kỹ sư ở Ukraine. Và hãng Hitachi của Nhật Bản đã mua lại công ty này với giá 9,6 tỉ đô la vào năm ngoái.

Eynat Guez, CEO kiêm người sáng lập của Papaya Global – startup của Israel chuyên cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp quản lý chi trả lương, nói rằng: “Tác động là rất lớn. Tất cả chúng tôi vẫn coi đây là tạm thời. Trên thực tế, sự gián đoạn không phải là một tuần, không phải hai tuần. Bởi ngay cả khi họ trở về nhà vào ngày mai, nhà cửa đổ nát, cơ sở hạ tầng đổ nát. Vì vậy, tôi không chắc họ có thể làm việc được bao nhiêu. Họ cần phải xây dựng lại mọi thứ xung quanh mình”.

Bà Guez cũng cho rằng cuộc chiến sẽ ảnh hưởng mạnh đến lộ trình, đường hướng phát triển của các startup hay công ty lớn có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Ukraine. “Hiện tại, chúng tôi có thể cung cấp có thể hỗ trợ hay choàng giúp việc. Nhưng không thể thay thế một nhóm lớn những người làm R&D một cách nhanh chóng như vậy”, bà nói.

Năm 2020, doanh nhân Eitan Adler có văn phòng tại thủ đô Tel Aviv của Israel bắt đầu thuê các nhà phát triển ở Ukraine khoảng một tháng sau khi ra mắt hãng Anecdotes chuyên phát triển phần mềm cho các quá trình tự động hóa. Đội ngũ chín kỹ sư của ông ở Ukraine là những nhà phát triển front–end liên quan đến việc cải thiện thiết kế và cảm nhận về phần mềm. Trong khi đó, các kỹ sư ở Israel đảm trách khâu back–end nhằm tạo ra các chức năng cho phần mềm.

Chỉ một ngày sau khi Anecdotes công bố vòng gọi vốn trị giá 25 triệu đô la, Nga đưa quân vào Ukraine. Adler cho biết ông liên lạc với nhân viên ở Ukraine ít nhất hai lần một ngày và trả lương trước thời hạn cho họ ngay cả khi họ không thể làm việc. “Rõ ràng là cuộc chiến đã ảnh hưởng đến chúng tôi. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là để bảo đảm an toàn cho nhân viên”.

AppsFlyer, hãng phát triển phần mềm phân tích tiếp thị ứng dụng có trụ sở tại San Francisco, đã có được chỗ đứng ở Ukraine với việc mua lại startup Zone trong giai đoạn mới hình thành. Họ đã có kế hoạch chuyển đến một không gian văn phòng lớn hơn ở Kyiv và tăng gấp ba lần nhóm R&D đang có 26 thành viên ở Ukraine trong năm nay. Người phát ngôn Danielle Blumenstyk Peterman cho biết: “Tất cả các kế hoạch hiện đang bị đình trệ vì chiến tranh”.

Hãng sản xuất trò chơi điện tử Playtika của Israel đã lưu ý trong một hồ sơ nộp Sở Chứng khoán hôm 2-3 rằng hãng có trung tâm R&D quan trọng ở Ukraine và Belarus. Playtika nhấn mạnh rằng “nếu các hoạt động quân sự mở rộng, tình trạng bất ổn kéo dài hoặc các lệnh trừng phạt được thi hành thì có thể gây ảnh hưởng bất lợi về mặt vật chất đối với hoạt động của chúng tôi”.

Hệ lụy của cuộc chiến kéo dài…

Guez của Papaya Global chỉ ra rằng nhiều kỹ sư của Ukraine làm nghề tự do, được gọi là doanh nhân tư nhân tại địa phương tức là những nhà thầu phụ (sub contractor) và được hưởng mức thuế thấp hơn nếu họ nhận thầu công việc từ một hãng nước ngoài. “Phần lớn các công ty vẫn đang trả lương theo thỏa thuận cho nhà thầu phụ, nhưng không chắc rằng kỹ sư Ukraine sẽ được bảo vệ lâu dài. Theo thời gian, các công ty sẽ khó tiếp tục trả lương cho nhân viên nếu họ không đóng góp vào công việc”.

Hệ lụy của một cuộc chiến tranh lâu dài có thể sẽ lan rộng. Các công ty khởi nghiệp của Israel đã huy động được mức kỷ lục 26,6 tỉ đô la trong năm 2021, tạo thêm 33 kỳ lân mới tức các startup có giá trị từ 1 tỉ đô la trở lên - theo Start-up Nation Central. Trong số các nhà đầu tư lớn nhất có Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và Tiger Global Management của Mỹ. Sự sụt giảm kéo dài trong năng suất của các công ty khởi nghiệp có thể làm giảm ham muốn đầu tư hơn nữa, buộc nhà đầu tư giảm mức định giá.

Yanai Oron, đối tác của quỹ Vertex Ventures Israel, cho biết: “Điểm mấu chốt là bạn buộc phải lập lại thứ tự ưu tiên trong lộ trình phát triển của startup và nhà đầu tư cũng buộc phải đưa ra quyết định khó khăn. Các công ty khởi nghiệp được hình thành từ những áp lực như vậy”.

Còn bà Kletter của EverC nói rằng bà ấn tượng với cách đội ngũ nhân viên Ukraine gắn kết với nhau. Một số thành viên đã thuê nhà trên Airbnb ở một nơi yên tĩnh, hẻo lánh và đang làm việc từ đó. “Tôi cảm thấy như trong khoảng thời gian thực sự căng thẳng này, cả đội đã gắn kết rất chặt chẽ và đang cố gắng ở bên nhau nhiều nhất có thể. Tôi thật xúc động vì điều đó”, bà Kletter nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới