Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Startup được đầu tư 100 triệu đô la để phục hồi rừng Amazon và bán tín chỉ carbon

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mombak, có trụ sở tại São Paulo (Brazil), là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) đang tìm cách mua hoặc thuê đất ở Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới để trồng cây. Mục đích của công ty là kiếm thu nhập bằng cách bán tín chỉ carbon cho những doanh nghiệp phát thải nhiều khí nhà kính, qua đó, góp phần khôi phục rừng Amazon và bảo vệ khí hậu. Năm ngoái, Mombak đã thu hút 100 triệu đô la từ Công ty đầu tư vốn cổ phần vốn tư vấn Bain Capital (Mỹ) để mở rộng quy mô hoạt động.

Mombak sẽ mở rộng dự án trồng rừng lên 50.000 hecta với mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm vào năm 2030. Ảnh: carboncredits

Diện tích Amazon mất tương đương 3.000 sân bóng đá mỗi ngày

Đứng trước một dải đồng cỏ rộng lớn ở Amazon, Renato Crouzeilles và nhóm của ông thu hút ánh nhìn tò mò từ những người dân địa phương, vốn ít khi thấy người lạ xuất hiện ở một góc xa xôi như vậy của Brazil.

Với tư cách là giám đốc khoa học tại Mombak, một startup trồng rừng thành lập cách đây hai năm, Crouzeilles đang giám sát dự án trồng 3 triệu cây xanh trên một khu vực rộng gần 3.000 hecta ở bang Pará của Brazil. Đây là trong những dự án lớn nhất nhằm phục hồi rừng ở các quần xã sinh vật của Amazon. Mombak kiếm doanh thu bằng cách bán tín chỉ carbon từ những mảnh rừng mà công ty này trồng.

“Thách thức lớn nhất trong khu vực là thay đổi văn hóa. Người dân địa phương không quan tâm đến việc trồng rừng. Những gì họ làm trước đây là phá rừng rồi thả bò vào đây để nuôi”, Crouzeilles nói.

Rừng nhiệt đới Amazon hấp thụ một lượng lớn carbon, tạo ra vùng đệm quan trọng chống biến đổi khí hậu. Nhưng nạn phá rừng, liên quan đến chăn thả gia súc, khai thác vàng và xuất khẩu gỗ trái phép, diễn ra thường xuyên. Năm ngoái, nạn khai hoang lấy đất khiến rừng Amazon mất diện tích tương đương với 3.000 sân bóng đá mỗi ngày, theo Imazon, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung các nỗ lực bảo vệ rừng Amazon.

Chính phủ Brazil lúc đó dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jair Bolsonaro bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ vấn đề này. Nhưng giờ đây, bảo vệ môi trường trở thành ưu tiên hàng đầu dưới thời tân Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp trong cuộc tranh vận động tranh cử.

Tuy nhiên, nỗ lực của chính phủ mới cho đến nay tập trung vào việc tăng cường thực thi pháp luật để ngăn chặn phá rừng. Trong khi đó, một loạt các công ty tư nhân bao gồm Mombak đang chạy đua trồng lại rừng. Họ mua hoặc thuê đất, trồng cây và tạo doanh thu bằng cách bán tín chỉ carbon mà khách hàng doanh nghiệp sử dụng để bù đắp cho lượng khí nhà kính thải ra trong hoạt động kinh doanh và sản xuất của họ. Mỗi tín chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon được loại bỏ khỏi bầu khí quyển.

Cơ hội tái tạo rừng lớn nhất thế giới

Với diện tích khoảng 400 triệu hecta, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil mang lại cho cơ hội tái tạo rừng lớn nhất thế giới. Hơn 54 triệu hecta quần xã sinh vật ở khu rừng này là đồng cỏ, thích hợp để trồng cây.

“Trồng lại rừng nhiệt đới có thể đóng góp quan trọng cho nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Trong khi đó, Amazon của Brazil là khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh”, José Scheinkman, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia (Mỹ) và là thành viên của dự án Amazon 2030, một sáng kiến ​​của Brazil nhằm phát triển rừng nhiệt đới bền vững, nhận định.

Theo các nhà khoa học tại Dự án Drawdown, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, chuyên tư vấn giảm khí thải nhà kính, việc tái trồng rừng ở các khu rừng nhiệt đới và ôn đới có thể giúp loại bỏ tới 113 tỉ tấn carbon khỏi khí quyển từ nay đến năm 2050.

Pedro Brancalion, chuyên gia trồng rừng của Đại học São Paulo (Brazil), cho rằng việc tái tạo và bảo vệ rừng có thể mang lại nhiều lợi ích cho toàn cầu, các khu vực và địa phương. Chẳng hạn, điều này sẽ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ các luồng không khí chứa hơi nước được gọi là “sông bay” mang nước từ Amazon qua khắp các nước khu vực Mỹ Latin, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tại các địa phương, hoạt động trồng và bảo vệ rừng giúp tạo việc làm và tạo thu nhập từ tín chỉ carbon và các sản phẩm lâm nghiệp.

Brancalion ghi nhận các sáng kiến ​​trồng lại rừng ở Brazil gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là sự phức tạp của quyền sở hữu đất đai.

Peter Fernández, Giám đốc điều hành của Mombak, nói: “Đất đai là vấn đề số một và chúng tôi ưu tiên tìm kiếm những mảnh đất có đầy đủ quyền sở hữu hợp pháp”.

Ông cho biết có nhiều đất đồng cỏ có sẵn ở Amazon để trồng rừng nhưng quy trình đánh giá tính hợp pháp của chúng mất rất nhiều thời gian.

Mombak không mua đất của những chủ đất nhỏ và đất gần các khu vực sinh sống của người thổ dân để tránh rủi ro tranh chấp.

Thị trường tín chỉ carbon rừng còn thiếu minh bạch

Mombak đang lên kế hoạch mở rộng dự án trồng rừng ở Amazon lên 50.000 hecta với mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm vào năm 2030. Fernández  nói: “Chúng ta cần tạo ra một ngành trồng rừng có quy mô ngang với ngành công nghiệp giấy và bột giấy. Những người dân nhỏ lẻ và  các tổ chức phi chính phủ không đảm nhận nổi nhiệm vụ này”.

Một điểm nghẽn cho nỗ lực trồng rừng của Mombak là thiếu hạt giống cây trồng. Nhưng mối quan tâm lớn hơn là độ tin cậy của thị trường tín chỉ carbon, vốn là nền tảng cho mô hình kinh doanh tái trồng rừng. Mombak ban đầu nhận được vốn đầu tư mạo hiểm trước khi nhận được khoản đầu tư 100 triệu đô la từ Bain Capital. Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon rừng từ lâu gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến chỉ trích các dự án như vậy không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích môi trường như cam kết. Họ nói rằng một tín chỉ carbon rừng đôi khi có giá dưới 5 đô la, không đủ khuyến khích trồng rừng để giảm ô nhiễm khí thải. Một vấn đề quan trọng nữa là rất khó thể phân biệt giữa tín chỉ carbon chất lượng cao và thấp trong một thị trường không được giám sát và thiếu minh bạch

Tuy nhiên, Fernández cho biết thị trường tín chỉ carbon rừng là cần thiết. Nếu những công ty như Mombak không mở rộng quy mô, nỗ lực loại bỏ carbon sẽ không tăng lên. “Điều này có nghĩa là thế giới sẽ nóng lên, đơn giản vậy thôi”, Fernández nói.

Những nỗ lực cải cách đang được tiến hành. Hội đồng Liêm chính về thị trường carbon tự nguyện (ICVCM) dự kiến ​​công bố một bộ quy tắc về thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao trong năm nay.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới