Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup Nhật Bản ngày càng chuộng lên sàn ở New York hơn Tokyo

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cho dù chỉ số chứng khoán Nikkei đạt mức kỷ lục cao trong nhiều thập niên, các công ty khởi nghiệp (startup) Nhật Bản vẫn thích thực hiện các đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) ở New York, Mỹ.

Startup Syla Technologies quyết định IPO trên sàn Nasdaq thay vì thị trường chứng khoán Tokyo sau khi gặp nhiều khó khăn trong gọi vốn ở Nhật Bản. Ảnh: Syla Technologies

“Các nhà đầu tư Mỹ hiểu rõ hơn, cởi mở hơn trong việc chấp nhập công nghệ mới và dịch vụ mới. Chúng tôi không nhận được phản hồi tốt từ các nhà đầu tư ở Nhật Bản, vì chúng tôi cung cấp một loại hình dịch vụ tương đối mới. Chúng tôi vẫn có rủi ro không thể huy động vốn ở Nhật Bản. Nhưng ở Mỹ, các quỹ đầu tư tập trung vào startup rất háo hức muốn nghe những gì chúng tôi trình bày”, CEO kiêm đồng chủ tịch Hiroyuki Sugimoto của Syla Technologies cho biết lý do sau khi niêm yết tại Mỹ.

Syla là một startup công nghệ bất động sản (proptech) đã huy động được 15 triệu đô la Mỹ thông qua đợt IPO trên sàn Nasdaq. Giá trị vốn hóa thị trường của Syla hiện đạt khoảng 175 triệu đô la, xếp thứ 80 trong số khoảng 530 công ty được niêm yết trên thị trường tăng trưởng dành cho các công ty mới thành lập của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE).

Syla là một trong sáu công ty Nhật niêm yết trên Nasdaq. Khoảng ba đến bốn công ty Nhật nữa dự kiến sẽ lên sàn Nasdaq trong năm nay – theo văn phòng của Nasdaq tại Tokyo.

"Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật muốn niêm yết tại Mỹ”, theo Mikio Sugihara, người đứng đầu văn phòng Nasdaq tại Tokyo.

Trước đây, thị trường chứng khoán Mỹ thường đóng vai trò “trang trí” bên cạnh TSE để các tập đoàn blue chip xứ Phù Tang nâng cao vị thế quốc tế của họ. Cụ thể như tập đoàn Sony niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào những năm 1970, tiếp theo là tập đoàn Toyota Motor….

Nhưng giờ đây, ít công ty theo đuổi niêm yết đôi hơn khi các nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Tokyo. Thay vào đó, Mỹ đang thu hút sự quan tâm của các startup đang tìm kiếm nguồn vốn cho sự phát triển trong tương lai.

Yutaka Yuguchi thuộc hãng kiểm toán KPMG Japan cho biết, họ nhận được nhiều câu hỏi hơn về việc niêm yết tại Mỹ từ các công ty đang tìm cách mở rộng dịch vụ dựa trên các công nghệ mới, như blockchain.

Nhiều startup Nhật Bản đang bỏ qua thị trường quê nhà vì họ kỳ vọng cổ phiếu của họ sẽ tăng hơn nữa ở Mỹ, nơi có nhiều nhà đầu định chế và các nhà đầu tư khác. Theo Viện nghiên cứu Nomura, các công ty niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017 đến năm 2020 đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng hơn 60% trong năm đầu tiên, trong khi giá cổ phiếu trên thị trường dành cho startup của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) tăng hơn 20%.

Theo Viện nghiên cứu Nomura, Nhật Bản, hơn 70% cổ phần các thương vụ IPO ở Mỹ do các tổ chức đầu tư nắm giữ, phần còn lại chia cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các quỹ hưu trí và những nhà đầu tư khác ở Mỹ cũng đã đưa các startup vào chiến lược đầu tư của họ. Trong khi đó, tình hình lại hoàn toàn trái ngược ở Nhật Bản. Các thương vụ IPO ở Nhật Bản thường nhỏ và ít thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư định chế.

Theo dữ liệu của Teikoku Databank, Nhật Bản, kể từ năm 2008 Nhật Bản thực hiện ít hơn 100 thương vụ IPO mỗi năm. Ngoại trừ năm 2021, con số này vượt trên 100 trong bối cảnh các chính sách tiền tệ được nới lỏng trên khắp thế giới và giá cổ phiếu cao hơn. Đến năm 2022, số thương vụ IPO giảm còn 91, chưa bằng một nửa so với năm 2000 trong thời kỳ bong bóng dotcom bùng nổ.

"Các công ty môi giới ở Nhật Bản có xu hướng cố gắng hạ giá IPO để thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn. Điều này đặt dấu hỏi là liệu giá có được thiết lập công bằng hay không. Đây là một điểm trừ đối với các công ty muốn niêm yết”, giám đốc một startup nói với Nikkei Asia. Đây có thể là một trong những nguyên nhân để những startup chọn niêm yết tại Mỹ hơn tại quê nhà trong thời gian qua.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới