Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup Nhật Bản thử nghiệm ‘xe bay’ thành công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Startup Nhật Bản thử nghiệm ‘xe bay’ thành công

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Giấc mơ trong nhiều thập kỷ qua về việc đi lại trên bầu trời cũng đơn giản như đi lại trên đường bộ đang trở nên gần với hiện thực hơn khi một loạt công ty khởi nghiệp (startup) trên thế giới tăng tốc đầu tư cho các dự phát triển xe bay. Gần đây nhất, startup SkyDrive (Nhật Bản) tuyên bố đã bay thử nghiệm thành công với xe bay chở một người.

Startup Nhật Bản thử nghiệm ‘xe bay’ thành công
Chiếc xe bay SD-03 của startup SkyDrive (Nhật Bản) bay nhấc lên khoảng hai mét so với mặt đất trong cuộc thử nghiệm gần đây. Ảnh: AP

Đưa vào vận hành thương mại vào năm 2023

Trong video ghi lại cuộc thử nghiệm được công bố với báo chí hôm 28-9, một chiếc xe bay của SkyDrive có tên gọi SD-03, bay nhấc lên khoảng hai mét so với mặt đất và lơ lửng trong không trung vòng bốn phút. Cuộc thử nghiệm được thực hiện trong một chiếc lồng lớn vì SkyDrive vẫn chưa được phép thử nghiệm ngoài trời.

SD-03, có thiết kế như một chiếc mô-tô, được trang bị tám cánh quạt, cao 1,5 mét, dài 4 mét và có bề ngang 3,5 mét. Nó là loại xe bay điện, cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL). Tomohiro Fukuzawa, Giám đốc điều hành SkyDrive, cho biết công ty anh đặt mục tiêu nâng sức chở lên hai người (một phi công và một hành khách) cho mẫu xe bay SD-03 và có thể đưa nó trở thành sản phẩm thương mại vào năm 2023.

Anh cho biết đến lúc đó, xe bay SD-03 có thể bay với tốc độ 100km/giờ với tầm hoạt động khoảng vài chục km.
SkyDrive sẽ ra mắt dịch vụ xe bay ở TP Osaka vào năm 2023 để chở du khách đi lại giữa các điểm du lịch.
SkyDrive cho biết kế hoạch phát triển xe bay của công ty này khác với các đối thủ khác vì SkyDrive dự định gắn bánh vào xe bay SD-03 để nó có thể lái nó vào gara.

SkyDrive cho rằng đến nay 2030, người dân ở các thành phố sẽ đi làm trên những chiếc xe được thiết kế giống như máy bay không người lái, có thể chạy trên đường phố trước khi cất cánh giống như một máy bay trực thăng.

Dự án xe bay của SkyDrive khởi đầu là một dự án tình nguyện có tên gọi Cartivator vào năm 2012 với sự hỗ trợ tài chính từ các công ty hàng đầu Nhật Bản gồm hãng xe Toyota, hãng điện tử Panasonic và công ty video game Bandai Namco.

Gần đây, startup này nhận được số vốn đầu tư 3,9 tỉ yen (37 triệu đô la Mỹ) từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC cùng các công ty khác. Không giống như trực thăng hay máy bay thương mại chở khách, xe bay eVTOL cung cấp dịch vụ di chuyển cá nhân từ điểm tới điểm một cách nhanh chóng.

Theo Fukuzawa, mẫu xe bay thử nghiệm của công ty ông có thể bay trong thời gian 5-10 phút và nếu có thể nâng thời lượng bay lên 30 phút, nó sẽ có tiềm năng lớn hơn bao gồm xuất khẩu sang những nước như Trung Quốc. Fukuzawa tin rằng đến năm 2050, người dân có thể đi lại giữa 23 quận của thủ đô Tokyo trong vòng 10 phút.

Trao đổi với hãng tin AP, ông nói: “Trong số hơn 100 dự án xe bay trên thế giới, chỉ có vài dự án thử nghiệm xe bay chở một người thành công”. Ông cho biết cách đây năm năm, có rất nhiều xe bay mô hình, thường sử dụng cánh cố định. SD-03 là một trong những mẫu xe bay nhỏ gọn nhất và nhẹ hơn so với các mẫu thiết kế xe bay khác.

Xe bay có thể né được thủ tục phức tạp ở các sân bay, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường phố cũng như chi phí thuê phi công vì nó có thể được phát triển để bay tự động.

Năm 2018, Nhật Bản thành lập một ủy ban hợp tác công tư gồm 21 doanh nghiệp và các tổ chức nhà nước bao gồm hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, hai hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và Ana Holdings, công ty khởi nghiệp phát triển xe bay Cartivator (tên gọi trước đây của SkyDrive) để vạch ra lộ trình giúp xe bay chính thức được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2023.

Mục đích của chính phủ Nhật là sử dụng bầu trời để vận chuyển người ở các thành phố lớn để tránh tắc nghẽn giao thông và cung cấp phương tiện đi lại mới ở các vùng núi và hải đảo xa xôi hoặc trong các tình hướng khẩn cấp chẳng hạn thảm họa thiên nhiên.

Mô hình mẫu taxi bay S-A1 thu nhỏ do Uber và Hyundai hợp tác phát triển, được công bố tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) năm 2020 ở Las Vegas (Mỹ) hồi đầu năm này. Ảnh: Getty

Vẫn còn nhiều thách thức

Các chuyên gia so sánh sự háo hức với xe bay hiện nay với thuở bình minh của ngành hàng không được khởi động bởi anh em nhà Wright, những người đầu tiên thử nghiệm thành công máy bay. Tuy nhiên, kích cỡ ắc quy, kiểm soát không lưu và các vấn đề hạ tầng khác là những thách thức lớn có thể cản trở nỗ lực thương mại hóa xe bay.

“Nhiều vấn đề sẽ xảy ra. Nếu xe bay có giá bán 10 triệu đô la Mỹ, sẽ không ai mua nó cả. Nếu xe bay chỉ bay được trong 5 phút , sẽ không ai mua nó cả. Nếu xe bay rơi nhiều lần, cũng sẽ không ai mua nó cả”, Sanjiv Singh, giáo sư ở Viện Robot học thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), nói.

Giáo sư kỹ thuật hàng không và cơ khí ở Đại học Minnesota (Mỹ) cho rằng vấn đề an toàn là một trong những thách thức cản trở xe bay được sử dụng rộng rãi. Theo bà, công nghệ an toàn tự động cho xe bay eVTOL vẫn cần phải phát triển và hoàn thiện.

Bà nói: “Những chiếc xe bay này cần phải nắm bắt các điều kiện môi trường, đánh giá tình huống để vận hành phù hợp. Chúng không thể chờ một phi công hay một người vận hành hướng dẫn rằng: Giờ phải làm cái này hay cái kia”,

Ella Atkins, giáo sư kỹ thuật hàng không ở Đại học Michigan (Mỹ) lo ngại về tính thực tiễn của xe bay eVTOL. Bà nói:  “Chúng sẽ tiết kiệm năng lượng hơn so với trực thăng nhưng sẽ kém hiệu quả năng lượng so với xe hơi. Xét về khía cạnh chi phí, sẽ không thực tiễn để sử dụng xe bay để đi đến một siêu thị”. Song bà cho rằng chúng sẽ phù hợp hơn đối với nhu cầu di chuyển đến các cộng đồng vệ tinh ở các thành phố hoặc với những nước có địa hình đi lại khó khăn.

Fukuzawa cho biết đến năm 2023, SkyDrive sẽ bán mẫu xe bay eVTOL hai chỗ ngồi với giá khoảng 300.000-500.000 đô la Mỹ. Anh dự báo giá bán sẽ giảm vào năm 2030. Giáo sư Atkins nhận định những người dân có mức thu nhập trung bình sẽ không đủ khả năng mua sắm xe bay trong 20 năm tới.

Nhiều công ty khởi nghiệp khác như Lilium (Đức), Joby Aviation (Mỹ) và Wisk, một liên doanh giữa Boeing và Kitty Hawk Corp, cũng đang triển khai các dự án xe bay eVTOL. Hồi tháng 1, Hãng xe Hyuadai và Uber thông báo đang hợp tác phát triển taxi bay điện.

Sebastian Thrun, Giám đốc điều hành Kitty Hawk, cho biết phải mất thời gian dài máy bay, điện thoại di động và xe tự lái mới được đông đảo mọi người chấp nhận. Nhưng ông tin rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ giúp xe bay được xã hội được đón nhận nhanh chóng hơn.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley dự báo dịch vụ taxi bay ở đô thị sẽ phổ biến vào năm 2040 với giá trị thị trường toàn cầu ước định đạt từ 1.400-2.900 tỉ đô la Mỹ vào thời điểm đó. Nhà phân tích Rajeev Lalwani của Morgan Stanley nhận định xe bay có thể khởi đầu tư là một phân khúc cực nhỏ bổ sung vào hạ tầng giao thông, tương tự như cách hoạt động của dịch vụ trực thăng hiện nay. Nhưng về dài hạn, xe bay có thể trở thành phương tiện di chuyển tiết kiệm chi phí và thời gian cho các chặng ngắn lẫn chặng dài và sẽ lấy dần thị phần của các hãng hàng không và hãng xe.

Theo AP, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới