Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup non trẻ của Pháp thách thức OpenAI và Google trong cuộc đua AI

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mistral, công ty khởi nghiệp (startup) phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của Pháp, là tâm điểm trong cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ. Startup này vừa huy động thành công 400 triệu euro từ các nhà đầu tư tên tuổi gồm hãng chip Nvidia.

Ba nhà sáng lập của Mistral, startup xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở để vận hành các công cụ AI. Ảnh: techstartups.com

Khi AI trở thành chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện giữa các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tại WEF trong tuần này, Mistral, một startup tương AI tương đối mới thu hút sự ngưỡng mộ của họ.

Các CEO của ba công ty công nghệ lớn nói với Financial Times rằng, mô hình AI mới nhất của Mistral là một trong những sản phẩm tốt nhất, xét theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng để đánh giá hiệu suất của những mô hình này. CEO của một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ của Mỹ, đánh giá,  dù mới thành lập cách đây chín tháng nhưng Mistral đã làm “rất tốt” khi cạnh tranh với các mô hình phức tạp của các đối thủ lớn hơn của Mỹ như OpenAI và Google.

Được thành lập bởi Arthur Mensch, Timothée Lacroix và Guillaume Lample, ba cựu nhà nghiên cứu của Meta và Google, Mistral đặt trụ sở ở tại Paris.

Sự quan tâm đến công nghệ AI của Mistral thách thức quan điểm phổ biến cho rằng, cuộc đua thống trị công cụ AI, có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và mã lập trình giống như khả năng của con người trong vài giây, chủ yếu là sự so kè giữa Google và liên minh AI trị giá hàng tỉ đô la của Microsoft và OpenAI. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với Mistral báo hiệu những đối thủ mới xuất hiện có thể giành thị phần đáng kể trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng, khi chi phí điện toán để phát triển AI giảm dần.

Mistral, công ty xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ cơ bản hỗ trợ các sản phẩm AI tạo sinh như chatbot, được định giá hai tỉ euro trong vòng gọi vốn 400 triệu euro hồi tháng trước. Nhưng công ty hiện đối mặt với những đối thủ thậm chí còn được tài trợ tốt hơn, chẳng hạn như OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, có mức định giá lên đến 86 tỉ đô la Mỹ. Startup của Pháp nhận được sự hỗ trợ tài chính của Nvidia và các nhà đầu tư tên tuổi ở Thung lũng Silicon gồm General Catalyst và Andreessen Horowitz. Tuần này, công ty đã mời Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, làm đối tác chiến lược. Theo Florian Bressand, giám đốc kinh doanh của Mistral, sự hợp tác này cho phép Mistral tiếp cận những cải tiến mới nhất về chip AI của Nvidia.

CEO của Microsoft, Satya Nadella gần đây ca ngợi Mistral là một trong những nhà đổi mới xây dựng AI trên nền tảng điếm toán đám Azure của tập đoàn công nghệ này. Ông vẫn tán dương Mistral dù Microsoft đã cam kết đầu tư 13 tỉ đô la vào OpenAI cho đến nay. Tháng 11 năm ngoái, CEO của OpenAI, Sam Altman, bị hội đồng quản trị sa thải trong thời gian ngắn. Đó là động thái gây sốc cho giới kinh doanh và buộc các công ty phải cân nhắc việc đa dạng hóa các nhà cung cấp AI.

“Các công ty không thể chỉ dựa vào một nhà cung cấp AI duy nhất”, Bressand của Mistral nói. Bressand tiết lộ, Mistral đang làm việc với các tập đoàn lớn trên toàn thế giới và một nửa khách hàng sử dụng nền tảng AI của Mistral đến từ Mỹ.

Hiện nay, có sự phân chia trong cộng đồng AI về các mô hình nguồn mở và nguồn đóng, hoặc giữa các hệ thống có chi tiết kỹ thuật minh bạch với bên thứ ba, so với các hệ thống vẫn thuộc quyền sở hữu của một công ty. Mistral đã giúp Meta, công ty mẹ của Facebook, xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn LLAMA nguồn mở. Mistral cho rằng, điều này sẽ mang lại lợi thế cho các công ty cần xây dựng các tính năng tùy chỉnh trong phần mềm của họ.

“Kể từ khi thành lập Mistral vào tháng 5-2023, chúng tôi đã theo đuổi hướng đi rõ ràng. Đó là tạo ra một nhà vô địch châu Âu với sứ mệnh toàn cầu về AI tạo sinh, dựa trên cách tiếp cận công nghệ cởi mở, có trách nhiệm và phi tập trung”,  Arthur Mensch, CEO của Mistral, nói.

Theo Bressand, các mô hình nguồn mở đặc biệt hấp dẫn đối với các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước hoặc được quản lý chặt chẽ, chẳng hạn như các công ty quốc phòng hoặc ngân hàng khi họ muốn thử nghiệm AI tạo sinh nhưng không thể làm điều đó với phần mềm độc quyền vì lý do tuân thủ các quy định quản lý.

Ông nói thêm, ngân hàng BNP Paribas (Pháp) và hãng phần mềm Salesforce (Mỹ), hai nhà đầu tư của Mistral, nằm trong số các công ty đang thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở của Mistral.

Các lãnh đạo của Mistral tham dự WEF với tư cách là thành viên của phái đoàn các công ty khởi nghiệp Pháp do Tổng thống Emmanuel Macron dẫn đầu. Những người sáng lập của Mistral đã từ chối lời mời làm việc từ các công ty AI của Mỹ và chọn quay trở lại Pháp để khởi nghiệp. Tuy nhiên, Bressand cho biết, Mistral đang “giữ khoảng cách với các cơ quan công quyền”, phản đối quan điểm cho rằng AI đang trở thành vấn đề lợi ích quốc gia.  Ông khẳng định, nhà nước Pháp không có tiếng nói trong hoạt động quản trị của Mistral.

Theo Financial Times, Bloomberg

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới