Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup sử dụng AI để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nuôi trồng thủy sản là một ngành kinh doanh đối mặt nhiều rủi ro gồm các thay đổi bất thường về nhiệt độ nước, dưỡng khí oxy trong nước hay độ mặn của nước, vốn rất khó theo dõi và ứng phó kịp thời. Vì vậy, công ty khởi nghiệp (startup) Umitron, có văn phòng đặt ở Nhật Bản và Singapore, phát triển các hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các cảm biến Internet vạn vật (IoT) để giúp giảm bớt những điều không chắc chắn mà những người nông dân nuôi trồng thủy sản đối mặt.

Nhân viên của Umitron lắp đặt máy cho cá ăn thông minh Umitron Cell ở một trang trại nuôi cá ở hồ Titicaca, Peru. Ảnh: Umitron

Hình ảnh nông dân làm việc ở các trang trại nuôi trồng thủy sản trên biển thường gợi lên bức tranh yên bình về cuộc sống. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người không biết là còn nhiều biến động bất ổn diễn ra ra bên dưới bề mặt biển khiến nông dân mất ăn mất ngủ. Một cơn bão có thể đến từ biển, tạo ra những thay đổi trong dòng hải lưu và phá vỡ hệ sinh thái biển. Những thay đổi nhỏ về nhiệt độ nước, một vấn đề phổ biến do biến đổi khí hậu, cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen kiếm ăn và tốc độ tăng trưởng của cá. Bất kỳ yếu tố bên ngoài nào cũng có thể ảnh hưởng đến những nông dân này và thu nhập của họ.

Umitron xây dựng các hệ thống giúp nông dân đo lường, dự đoán và giảm thiểu các yếu tố bên ngoài như thời tiết và phản ứng ăn của cá. Các hệ thống này được chia thành nhiều cấp độ khác nhau nhưng cơ bản nhất là Umitron Pulse. Đây là một ứng dụng di động miễn phí theo dõi dữ liệu đại dương địa phương dựa vào vệ tinh, với các thông số như chiều cao sóng, nhiệt độ nước, lượng dưỡng khí oxy hòa tan trong nước  và độ mặn... hiển thị trên biểu đồ thể hiện xu hướng hiện tại và quá khứ. Nhờ vậy, nông dân có thể dự đoán các tình huống bất ổn tiềm ẩn và phản ứng kịp thời.

“Chúng tôi đã chọn 7-8 thông số chính, có thể sẽ tốt cho những người nông dân nuôi trồng thủy sản. Chúng giúp nông dân bắt đầu quan tâm đến dữ liệu môi trường và tầm quan trọng của việc cho cá  ăn.” Joyce Leo, giám đốc hoạt động kinh doanh của Umitron nói.

Khi nông dân cảm thấy đã thành thạo với việc sử dụng dữ liệu môi trường và đưa ra các phản ứng phù hợp, bước tiếp theo là họ có thể tích hợp các cảm biến IoT và hệ thống  cao cấp hơn của Umitron, giúp hợp lý hóa các hoạt động hàng ngày ở trang trại nuôi trồng thủy sản.

Chẳng hạn, hệ thống Umitron Remora, một phần mềm AI, sử dụng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, có thể giúp tối ưu hóa việc cho cá ăn, phát hiện thức ăn dư thừa trong nước, ước tính tỷ lệ cá chết. Hệ thống Umitron Eagle, phần mềm AI phân tích dữ liệu theo thời gian thực, cung cấp các trang trại nuôi tôm.

Umitron cũng cấp sản phẩm Umitron Cell, một máy cho ăn thông minh dựa vào AI, cho phép nông dân theo dõi phản ứng ăn của cá để điều chỉnh thời gian và lượng thức ăn phù hợp. Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giảm tác động môi trường của việc cho quá nhiều thức ăn xuống nước.

Các hệ thống khác của Umitron bao gồm Umitron Lens, giúp theo dõi kích thước của cá và Umitron Fai, sử dụng máy học để phân tích hành vi của đàn cá. Các hệ thống này giúp nông dân thu hoạch cá đều đặn và đúng thời hạn hơn. Thậm chí, hệ thống có thể giúp nông dân thu hoạch cá trước thời hạn vài tháng để tận dụng mức giá tốt hơn trên thị trường.

Trong một cuộc trình diễn tối ưu hóa thức ăn cho cá bằng cách sử Umitron Cell và Umitron Fai, các nhà sản xuất cá tráp đỏ cho cá trong lồng ăn từ xa thông qua điện thoại thông minh, dựa trên phân tích mức độ thèm ăn của cá. Kết quả, người chăn nuôi giảm được 20% lượng thức ăn. Ngoài việc duy trì chất lượng cá, họ đạt mục tiêu thu hoạch chỉ trong mười tháng thay vì 1 năm.

Nuôi trồng thủy sản không phải là ngành mới. Những người nuôi cá thường sử dụng các phương pháp mà họ đúc rút từ kinh nghiệm trong nhiều năm. Vì vậy, câu hỏi đối với Umitron là liệu những ngày này có thực sự chấp nhận ý tưởng sử dụng AI và máy học trong công việc hay xem đó là sự phá vỡ lối kinh doanh truyền thống?

Tuy nhiên, về lâu dài, công nghệ này giúp nhà nông rất nhiều. Vì nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng mai một và nông dân thường không có cách nào để truyền lại kiến thức cho thế hệ tiếp theo. Umitron cung cấp cho nông dân một cách để bảo tồn di sản kiến thức bằng cách kết hợp nó vào thuật toán.

Lợi ích trước mắt của giải pháp này là giúp đào tạo công nhân cho cá ăn dễ dàng hơn nhiều, đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động và khả năng mở rộng các trang trại. Nó cũng dẫn đến tính bền vững cao hơn cho toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản.

Các thành viên của Umitron thường đến thăm các trang trại nuôi trồng hải sản trong nhiều tuần để hướng dẫn nông dân sử dụng công nghệ và cùng nhau phát triển giải pháp phù hợp. “Đó thực sự là một hành trình hợp tác”,  Joyce nói.

Umitron đã làm việc với các trang trại nuôi trồng thủy sản trên khắp thế giới, từ Mỹ đến châu Âu và châu Á. Một số dự án này có sự hỗ trợ của chính phủ, như dự án ở tỉnh Ehime của Nhật Bản.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ để hỗ trợ các trang trại nuôi trồng thủy sản đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực. Từ điểm xuất phát này, thành công có thể nhân rộng sang các khu vực khác, giúp tăng cường quy mô và tốc độ sản xuất cho toàn bộ ngành”, Joyce nói.

Các thế mạnh của Umitron gồm chuyên môn sâu rộng về AI, các cảm biến IoT và máy học một phần là nhờ nền tảng kiến thức của những người sáng lập, trước đây là các kỹ sư của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Mọi thành viên trong nhóm nghiên cứu của  Umitron  đều đam mê sứ mệnh chung. Bản thân Joyce là một nhà khoa học biển trước khi gia nhập Umitron.

Startup này kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn nữa sau khi thiết lập văn phòng ở Nhật Bản lẫn Nhật Bản. “Chúng tôi muốn đưa ra các giải pháp bền vững cho thị trường nuôi trồng thủy sản Đông Nam Á và thiết lập sự hiện diện toàn cầu lớn hơn”, Joyce nói.

Umitron hiện đang chuẩn bị vòng gọi vốn Series B và hy vọng sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong 5 năm tới.

Các kế hoạch khác của công ty bao gồm hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm ra thị trường bên ngoài địa phương bằng cách cung cấp dịch vụ hậu cần và mạng lưới liên hệ cần thiết.

“Ví dụ, các nhà sản xuất cá hồi ở Scotland có thể muốn bán sang Nhật Bản, nhưng họ không có các mối liên hệ  cần thiết. Vì chúng tôi giúp kết nối những nhà sản xuất này với những mối liên hệ đó”, Joyce giải thích.

Theo Kr-Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới