Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng AI và chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài như thế nào?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Trong khi đó, việc ứng dụng dữ liệu lớn, blockchain và chứng nhận số giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của quá trình chứng nhận thương hiệu, sản phẩm.

Tọa đàm chủ đề “Sử dụng AI và Tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài”. Ảnh: Lê Vũ

Trong khuôn khổ Giải thưởng Thương hiệu Vàng TPHCM lần thứ 5 - năm 2024 tổ chức ngày 3-1-2025, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi kép để phát triển bền vững".

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và định hướng các chiến lược phát triển thương hiệu trong thời kỳ mới – nơi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững trở thành yếu tố sống còn.

Tọa đàm chủ đề “Sử dụng AI và Tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài” với sự tham gia của hai chuyên gia gồm bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, cố vấn cao cấp của Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ AIPLA và bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành hoạt động chứng nhận, đào tạo, đánh giá tại SGS Việt Nam.

Hai diễn giả đã chia sẻ thông tin thiết thực liên quan đến các chiến lược thực tiễn để ứng dụng AI trong việc phân tích, xây dựng thương hiệu và chinh phục thị trường quốc tế.

Buổi tọa đàm cũng cung cấp kiến thức quan trọng về các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, giúp đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng các quy định tại các thị trường mục tiêu; đồng thời những thách thức mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Những hiểu nhầm về AI doanh nghiệp cần tránh

Theo bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, để ứng dụng đúng cách, cần bắt đầu từ việc làm rõ những hiểu lầm với AI mà doanh nghiệp thường mắc phải.

Bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ; Cố vấn cao cấp Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ (thuộc Hiệp hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ - AIPLA) trình bày tham luận "Sử dụng AI tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài". Ảnh: Lê Vũ

Nhiều người lo ngại rằng AI sẽ khiến cho hàng loạt công việc của nhân viên biến mất trong thời gian ngắn. Thực tế, AI thay đổi cách thức làm việc, yêu cầu các kỹ năng mới và thường xuyên cần sự can thiệp của con người để quản lý và điều chỉnh.

Một quan niệm sai lầm khác cho rằng chỉ cần áp dụng AI là có thể nhanh chóng tiếp cận và thành công ở thị trường mới. Thực tế, việc này đòi hỏi phải hiểu biết sâu sắc về thị trường đó và AI chỉ là công cụ hỗ trợ để phân tích dữ liệu và dự báo xu hướng, không thể thay thế hoàn toàn các quyết định chiến lược kinh doanh.

Việc triển khai AI nhanh chóng và dễ dàng là một hiểu nhầm cần tránh. Doanh nghiệp cần biết triển khai AI không chỉ là việc cài đặt một phần mềm mà nó bao gồm việc phân tích nhu cầu kinh doanh, chuẩn bị dữ liệu, và huấn luyện hệ thống. Quá trình này đòi hỏi thời gian và chuyên môn để đảm bảo AI phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp và hoàn toàn không dễ dàng.

Việc kỳ vọng AI sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh tức thì là không thực tế. Lợi ích từ AI được thể hiện qua việc sử dụng lâu dài và liên tục cải tiến trong quá trình tích hợp AI vào các hoạt động kinh doanh.

Mặc dù AI có khả năng xử lý và phân tích dữ liệu với tốc độ và độ chính xác cao, chúng vẫn có thể mắc phải lỗi do dữ liệu đầu vào hoặc “thiên vị” trong quá trình huấn luyện. Các doanh nghiệp cần thực hiện kiểm tra và điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo kết quả tốt nhất từ AI.

Vậy doanh nghiệp cần dùng AI ra sao để tiến ra thị trường nước ngoài? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Ngọc Trâm khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất phải xác định được mục tiêu cần đạt được khi ứng dụng AI. Chỉ khi xác định được mục tiêu cụ thể doanh nghiệp mới nên bắt đầu triển khai ứng dụng AI phù hợp để đáp ứng mục tiêu đặt ra.

“Công nghệ, đặc biệt là AI, đang cách mạng hóa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu”, bà Nguyễn Ngọc Trâm nói. Tại IPGEEKLAB, các chuyên gia trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số, bao gồm nâng cao nhận thức về thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công cụ hiện đại để phân tích thị trường.

Chứng nhận sản phẩm không phải để “đẹp hồ sơ”

Từ góc nhìn của bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành hoạt động chứng nhận, đào tạo, đánh giá - SGS Việt Nam, ngành chứng nhận sản phẩm cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng mạnh mẽ của chuyển đổi số. Điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là doanh nghiệp cần chủ động hoạch định chiến lược một cách toàn diện ngay từ ban đầu.

Bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành hoạt động chứng nhận, đào tạo, đánh giá SGS Việt Nam. Ảnh: Lê Vũ

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế thường gặp khó khăn từ ba cái thiếu. Đó là thiếu thông tin, không tiếp cận được thông tin có độ chính xác cao; thiếu kế hoạch bài bản và dài hơi của doanh nghiệp; thiếu phương pháp dự đoán trong tương lai khách hàng đòi hỏi gì, theo chia sẻ của bà Nguyễn Nam Trân.

Bà Trân đưa ra ví dụ hồi năm 2010 khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm, khách hàng chỉ yêu cầu chất lượng ngon và không có dư lượng kháng sinh. Thế nhưng, từ 2015 khi tiêu chuẩn ESG ra đời thì khách hàng bổ sung thêm một loạt yêu cầu mới như không sử dụng lao động trẻ em, không gây hại môi trường, không lạm dụng hóa chất…

Xu hướng các thị trường phát triển cho thấy, các tiêu chuẩn con người càng cao hơn. Không chỉ “ăn ngon mặc đẹp” mà đã tiến tới “ăn có trách nhiệm, ăn không hủy hoại môi trường”. Từ đó đòi hỏi các nước xuất khẩu, nhà cung cấp phải đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Từ xu thế này, các doanh nghiệp cần tiếp cận thông tin để dự báo các nhu cầu tương lai, đặc biệt là từ các nước phát triển.

Bà Nam Trân phân tích, việc tìm kiếm tư vấn và hỗ trợ từ chuyên gia ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình phát triển sản phẩm là rất quan trọng. Việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng ban đầu sẽ làm tăng chi phí chứng nhận sản phẩm sau này. Chẳng hạn như có doanh nghiệp đầu tư nhà máy rất tốn kém nhưng không đáp ứng được yêu cầu bố trí bảo đảm an toàn thực phẩm. Do khiếm khuyết này, nhà máy không được cấp chứng nhận phải sửa lại rẩt tốn kém.

Việc đạt các chứng nhận, theo bà là không phải chỉ để “đẹp hồ sơ” mà cốt lõi là để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo giá trị cho xã hội, tạo công ăn việc làm lâu dài cho nhân viên. Muốn tiết kiệm và mang lại giá trị bền vững thì cần làm bài bản từ đầu, không nên chắp vá.

Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trong thời đại hiện nay thông qua các chiến lược thực tiễn để ứng dụng AI trong việc phân tích, xây dựng thương hiệu và chinh phục thị trường quốc tế. Những chiến lược hiệu quả giúp các doanh nghiệp không chỉ nâng cao vị thế thương hiệu mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới