(KTSG Online) - Cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và làn sóng bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ tiếp sau đó đã phơi bày những rủi ro lâu dài của một chiến lược mà nhiều tổ chức tài chính sử dụng để tăng lợi nhuận khi lãi suất thấp. Đó là, lấy tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
- Startup ở thung lũng Silicon lo hết tiền sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank
- Cổ phiếu ngân hàng Mỹ bị bán tháo giữa cơn khủng hoảng tiềm ẩn
Lỗ trên giấy tờ 600 tỉ đô vì đầu tư trái phiếu
Trong ba năm qua, các ngân hàng ở Mỹ đã tăng cường đầu tư tiền gửi của khách hàng vào chứng khoán có thu nhập cố định nhờ kênh này có thu nhập cố định. SVB, ngân hàng vừa được các nhà quản lý của Mỹ tiếp quản vào hôm 10-3 là nhà băngđặc biệt yêu thích sử dụng chiến lược này. Hơn một nửa trong tổng tài sản hơn 200 tỉ đô la Mỹ của SVB được đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định.
Tuy nhiên, trong năm qua, lãi suất đã tăng vọt khiến các loại trái phiếu mà nhiều ngân hàng ở Mỹ mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị, tạo ra khoản lỗ trên giấy tờ lên tới 600 tỉ đô la. Giờ đây, giới nhà đầu tư nắm rõ hơn về những rủi ro mà một số ngân hàng có lượng tiền gửi dư thừa lớn đang đối mặt. T
rong những trường hợp cực đoan, chẳng hạn như SVB, những khoản lỗ trên giấy tờ đó có thể dẫn đến một vòng xoáy chết chóc khi khách hàng lo lắng vội vã rút tiền, buộc ngân hàng phải thanh lý danh mục đầu tư. Vì vậy, những khoản lỗ trên giấy tờ đó thành những khoản lỗ thực sự. Mức lỗ đó có thể quá lớn đối với một số ngân hàng nhỏ hoặc thậm chí cỡ vừa. Đây là điều khiến các nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng hoảng sợ trong những ngày gần đây.
“Tôi sẽ dẫn lại lời giáo viên kinh tế thời trung học của tôi, người đã nói rằng không có bữa trưa nào miễn phí cả”, Greg Hertrich, trưởng bộ phận chiến lược tiền gửi tại Mỹ của Ngân hàng Nomura nói.
Theo dữ liệu từ Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), bắt đầu từ tháng 4-2020 cho đến lúc đạt đỉnh vào hai năm sau đó, gần 4,2 nghìn tỉ đô la tiền gửi được rót vào các ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 10 % trong số đó cuối cùng sử dụng cho những vay mới.
Một số ngân hàng giữ những khoản tiền gửi mới này bằng tiền mặt nhưng phần lớn số tiền đó, khoảng 2 nghìn tỉ đô la đã được chuyển vào chứng khoán có thu nhập cố định, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ. Trước đại dịch Covid-19, các ngân hàng Mỹ chỉ có hơn 4 nghìn tỉ đô la đầu tư vào chứng khoán thu nhập cố định. Hai năm sau, danh mục đầu tư đó tăng 50%.
Điểm làm cho trái phiếu có lợi suất thấp như trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc trái phiếu được chính phủ bảo lãnh trở nên hấp dẫn hơn so với khoản cho vay mới là nhận thức về rủi ro tín dụng thấp. Có một thời kỳ, danh mục đầu tư loại trái phiếu đó giúp phình to lợi nhuận của các ngân hàng.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, có vẻ như các ngân hàng đã mua những trái phiếu giá cao nhất thị trường, đây điều đã gây ra vấn đề hiện tại. Năm ngoái, danh mục trái phiếu của các ngân hàng giảm giá trị, tạo ra khoản lỗ 600 tỉ đô la. Các ngân hàng không thường xuyên bán trái phiếu của họ nên phần lớn khoản lỗ đó vẫn chưa thành hiện thực.
“Các ngân hàng đã ngủ quên. Không ai dự báo tình trạng lạm phát kéo dài (khiến Fed liên tục tăng lãi suất). Các ngân hàng có danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ lớn gặp nhiều vấn đề nhất”, Christopher Whalen, nhà phân tích ngân hàng lâu năm và là Chủ tịch Công ty tư vấnWhalen Global Advisors nói.
Ngân hàng nhỏ chịu sức ép
Trong số các ngân hàng lớn, JPMorgan thận trọng hơn những ngân hàng khác. Trong thời kỳ lãi suất thấp, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói với nhà đầu tư rằng thật khó để giải thích cho tính hợp lý của giá trái phiếu chính phủ Mỹ và ông tránh mua tài sản này bằng mọi giá.
JPMorgan nhận được hơn 700 tỉ đô la tiền gửi mới kể từ sau khi đại dịch ập đến nhưng lượng chứng khoán thu nhập cố định mà ngân hàng này nắm giữ trong thời gian đó chỉ tăng 200 tỉ đô la.
Đến khi tiền gửi của Ngân hàng Bank of America (BofA) tăng thêm 500 tỉ đô la kể từ đầu năm 2020, lượng trái phiếu nắm giữ của ngân hàng này cũng tăng lên gần như nhanh chóng, thêm 480 tỉ đô la. Vì thế, trong năm qua, khoản lỗ của BofA ở danh mục đầu tư chứng khoán cố định tăng lên hơn 110 tỉ đô la, nhiều hơn gấp đôi so với khoản lỗ đầu tư trái phiếu khoảng 50 tỉ đô la được ghi nhận tại hai ngân hàng Wells Fargo và JPMorgan.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng hầu hết các ngân hàng có thể tránh thua lỗ bằng cách nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn. Điều đó đặc biệt đúng đối với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ vì những ngân hàng này có thể huy động nguồn vốn rẻ để trang trải cho các khoản tiền gửi bị rút ra.
Thế nhưng, vào thời điểm mà các ngân hàng phải áp dụng mức lãi suất cao hơn cho người gửi tiền thì việc phải nắm giữ trái phiếu có lợi suất thấp để tránh những khoản lỗ lớn nếu bán có thể sẽ làm giảm lợi nhuận.
“Chúng tôi nghĩ rằng các ngân hàng lớn sẽ ổn trong năm nay. Đó là một cơn gió ngược đối với họ”, Gerard Cassidy, nhà phân tích ngân hàng tại RBC Securities nói.
Tuy nhiên, cơn gió ngược với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cũng có thể là một cơn lốc xoáy với một số ngân hàng nhỏ vốn đặt cược rất nhiều vào danh mục đầu tư trái phiếu.
Đó chính là những gì đã xảy ra tại ngân hàng SVB, với mức lỗ trên giấy tờ khoảng 15 tỉ đô la ở danh mục đầu tư trái phiếu, gần bằng vốn hóa của ngân hàng này trong tháng 2. Gần đây, SVB ghi nhận lỗ 1,8 tỉ đô la sau khi bán tháo 21 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ trước áp lực rút tiền của khách hàng.
Ngân hàng PacWest, có trụ sở tại Beverly Hills, California đã lỗ 1 tỉ đô la ở danh mục đầu tư trái phiếu, đủ để xóa sạch hơn 1/4 trong số 4 tỉ đô la vốn chủ sở hữu của công ty. Cổ phiếu của PacWest đã giảm giá 50% trong tuần qua.
“Hầu hết các ngân hàng không mất khả năng thanh toán nhưng tất cả họ đều đang ôm một đống trái phiếu đang lỗ”, Whalen nói.
Theo Financial Times