Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự hình thành tinh thần khoa học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự hình thành tinh thần khoa học

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – Khởi đi từ việc phân tích những chướng ngại gặp phải trong tư duy tiền khoa học từ thế kỷ 18 trở về thời cổ đại, triết gia, nhà khoa học luận Pháp Gaston Bachelard (1884-1962) đã góp phần phân tâm luận về sự hình thành những hiểu biết khách quan, điều mà chúng ta vẫn gọi là tư duy khoa học!

Bởi “đặt ra vấn đề nhận thức khoa học tức là nói đến những chướng ngại”, nên ghi nhận sự vượt thoát những chướng ngại để đạt đến sự sáng tỏ trong hiểu biết cũng là cách trả lời cho hai câu hỏi: điều kiện nào hình thành khoa học và khoa học là gì? Điều đó giúp người đọc hiểu vì sao Bachelard chọn phương pháp quy nạp (chứ không phải diễn dịch chủ quan) để xử lý vấn đề trong cuốn sách.

Những chướng ngại nhận thức được ông nhắc đến, vốn được xem là “vùng tối của khoa học” tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử loài người, là gì? Gaston Bachelard chỉ ra:

1. Chướng ngại kinh nghiệm trực quan (dựa vào kinh nghiệm cảm xúc thiếu phê phán);

2. Chướng ngại hiểu biết tổng quát (sự phổ quát hóa vội vã và dễ dãi những triết lý dẫn đến sự thỏa mãn trí tuệ và khóa chặt tư tưởng, tê liệt tư duy khoa học);

3. Chướng ngại ngôn ngữ (sự khuếch đại quá đà những hình ảnh quen thuộc bằng ngôn từ);

4. Chướng ngại hiểu biết thống nhất và thực dụng (phổ quát hóa, quy định sự hiểu biết và hướng đến ý nghĩa hiện hữu, ứng dụng – cho rằng khoa học phải phục vụ mục tiêu nhân sinh);

5. Chướng ngại duy thể chất (bỏ qua thứ bậc và vai trò thường nghiệm, để tin rằng còn những ẩn mật bất khả tri nằm bên trong sự vật);

6. Chướng ngại vật linh (những huyền thoại rơi rớt từ tư duy nguyên thủy, phát sinh nhằm lý giải cho các hiện tượng vật lý, sinh học…);

7. Chướng ngại hiểu biết định lượng (dựa trên những hiểu biết tức thời, chủ quan nên đi đến những xác tín định lượng thay vì định tính, bỏ qua dữ kiện thực nghiệm)…

Những chướng ngại trên dẫn đến một thái độ do dự, khiến cho tư duy khoa học hãy còn là những vùng trực giác mờ tối chưa được khai mở để đạt đến sự tự do phán đoán.

Nhưng từ thực tế cuộc cách mạng trong nhận thức khoa học nửa cuối thế kỷ 18 về sau đã giúp ông nhìn ra: “Tâm lý khách quan là một lịch sử những sai lầm riêng của mỗi chúng ta”. Và điều quan trọng trong luân lý, tinh thần khoa học chính là nhìn nhận “sai lầm không có gì xấu” để vượt lên nó, thúc đẩy quá trình phê phán, thay đổi nhận thức không ngừng diễn ra. Ông gọi đó là một thú đau thương trí tuệ đối với người làm khoa học. Về điều này, triết gia Thomas Kuhn, trong cuốn Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học (Chu Lan Đình dịch, NXB Tri thức) luận giải rất kỹ.

Khoa học thực sự là phải hướng đến sự biến đổi trong tinh thần, tâm lý để nhận diện khách quan hơn là cải tạo đời sống. “Cái phục vụ cho đời sống làm cho đời sống thành bất động. Cái phục vụ cho tinh thần thúc đẩy tinh thần chuyển động. Chủ thuyết về cái hứng tâm do đó về cốt lõi là khác nhau giữa địa hạt sinh học và địa hạt tâm lý học của tư duy khoa học” (tr. 452).

Nếu xây dựng được một văn hóa khoa học như thế thì quyền lợi xã hội sẽ được đảo ngược vĩnh viễn: xã hội sẽ vì trường học chứ trường học không vì xã hội. Ở đó sẽ sản sinh ra những “dòng người mảnh mai” luôn đầy hứng thú tinh thần truy cầu tri thức, thấu đạt chân lý khách quan. Và, “chính cái dòng người mảnh mai này làm nên số phận thực sự của nhân loại. Họ dần dần nhô cao trên dòng nhân sinh. Khi theo chân họ người ta thấy cái hứng thú tinh thần thay thế cái hứng thú sống!”.

Một cuốn sách về khoa học luận quan trọng, thuộc diện dễ đọc trong cùng chủng loại sách; có khả năng thay đổi nhãn quan chúng ta về khoa học, và giới khoa học!

_________________________________________________________

(Đọc Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, Hà Dương Tuấn dịch, Nguyễn Văn Khoa hiệu đính, NXB Tri Thức, 2009, 115.000 đồng).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới