(KTSG) - Việc bán mạnh cổ phiếu vốn hóa lớn để đạp thị trường cũng là chiêu mà các nhà đầu tư tay to thường sử dụng để gây ra sự hoảng loạn cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và thúc đẩy nhóm này có hành động bán tháo theo các mã cổ phiếu khác, đẩy chỉ số chung tiếp tục lao dốc.
- Giới đầu tư tránh xa cổ phiếu năng lượng tái tạo
- Chỉ số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục
“Con tin” VN-Index
Thứ Năm tuần trước (ngày 26-10-2023), chỉ số VN-Index lao dốc hơn 46 điểm, tương đương giảm 4,2%, đánh dấu ngày giảm điểm mạnh thứ 2 trong năm nay, chỉ sau phiên giảm hơn 55 điểm ngày 18-8. Theo đó, vốn hóa sàn HOSE bốc hơi 186.000 tỉ đồng chỉ trong một phiên, tương đương gần 7,8 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý đà bán tháo diễn ra ngay từ đầu phiên sáng khi VN-Index mở cửa với khoảng trống lớn cách phiên đóng cửa ngày hôm trước đến 21 điểm. Việc nhóm cổ phiếu Vingroup dư bán sàn tới hàng chục triệu đơn vị ngay từ đầu phiên đã tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư và kéo thị trường chung chìm sâu.
Lý giải về hiện tượng này, giới phân tích cho rằng thông tin Vingroup đã phát hành lô trái phiếu có thể hoán đổi trị giá 300 triệu đô la Mỹ, đáo hạn vào năm 2028, lãi coupon dao động từ 9,5-10%, đã kích hoạt lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu Vingroup.
Theo đó, ngoài lãi suất phát hành khá cao so với những trái phiếu quốc tế đã phát hành trước đây, việc các trái phiếu mới phát hành này có thể hoán đổi thành cổ phiếu VHM ở mức giá 51.000-53.0000 đồng/cổ phiếu, đã thúc đẩy các nhà đầu tư vào trái phiếu hoán đổi vay mượn một lượng cổ phiếu được hoán đổi để bán ra thị trường, như một công cụ phòng vệ trước các rủi ro.
Để đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững cho thị trường, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, những hành động thao túng chỉ số hay giá cổ phiếu cần phải được kiểm soát và hạn chế. Không thể chỉ bằng cách tác động lên một vài cổ phiếu với lượng hàng không đáng kể nhưng lại có thể dẫn dắt chỉ số biến động theo ý muốn.
Đáng lưu ý, nếu như phiên ngày 26-10, sự hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư được kích hoạt từ diễn biến bán tháo ở nhóm cổ phiếu lớn ngay từ đầu phiên, thì những phiên giảm điểm trước đó thị trường lại chịu áp lực đè giá vào những phút cuối phiên, đặc biệt là trong 15 phút cuối - phiên ATC, để xác định giá đóng cửa. Diễn biến này lặp lại liên tục trong những phiên vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư chán nản và nghi ngại.
Hay như gần đây nhất là phiên giao dịch đầu tuần này (30-10), sau khi chìm trong sắc đỏ vào buổi sáng, chỉ số VN-Index bước sang phiên chiều có dấu hiệu bật lại về gần tham chiếu, tuy nhiên trong 10 phút trước khi bước vào phiên xác định giá đóng cửa, thị trường lại bị bán mạnh đẩy VN-Index rớt về mức thấp nhất kể từ đầu phiên và sau đó đà giảm được nới rộng thêm lên hơn 18 điểm trong 15 phút phiên ATC.
Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích các hành động thao túng có chủ đích trong thời gian xác định giá đóng cửa, vấn đề cốt lõi hơn nằm ở chính việc chỉ số chung dễ dàng bị ảnh hưởng bởi một vài cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên sàn. Cụ thể, do lượng cổ phiếu trôi nổi thấp, còn lại phần lớn nằm trong tay các nhà đầu tư tổ chức, hành động tung ra một lượng hàng vừa phải vào giai đoạn cuối phiên ở các mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong VN-Index đủ sức đạp thị trường rớt mạnh.
Thống kê cho thấy từ ngày 16-10 đến 30-10, trong tổng mức giảm lên đến 113 điểm của VN-Index, tốp 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index đã góp đến 44 điểm, tức chiếm tỷ trọng 33%.
Hệ lụy lâu dài
Việc bán mạnh cổ phiếu vốn hóa lớn để đạp thị trường cũng là chiêu mà các nhà đầu tư tay to thường sử dụng để gây ra sự hoảng loạn cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và thúc đẩy nhóm này có hành động bán tháo theo các mã cổ phiếu khác, đẩy chỉ số chung tiếp tục lao dốc. Trong hầu hết các trường hợp, sau khi đã đạp được thị trường như ý muốn, các nhà đầu tư này sẽ tận dụng để gom hàng lại ở vùng giá thấp, cơ cấu lại danh mục và chuyển sang những cổ phiếu có tiềm năng hơn, mà thông thường các nhà đầu tư lớn có lẽ đã biết trước thông tin về kết quả lợi nhuận tại mỗi kỳ công bố báo cáo tài chính.
Ngoài ra, việc đạp hoặc kéo nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để tác động đến chỉ số chung VN-Index trên thị trường cơ sở cũng nhằm mục đích tác động đến giá hợp đồng tương lai chỉ số VN 30 trên thị trường phái sinh, đặc biệt là tại các thời điểm đáo hạn, giúp các nhà đầu tư này kiếm lợi nhuận lớn. Điều này thực tế đã từng xảy ra trước đây, khi đến những ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN 30, thị trường đang xanh đột ngột giảm mạnh trong phiên ATC hoặc ngược lại, với lực bán tương đối nhưng lại chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chung.
Tình hình này nếu cứ tiếp tục và không có giải pháp khắc phục, sẽ mang đến nhiều hệ lụy lâu dài, không chỉ khiến tính ổn định của thị trường bị hạn chế, làm nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thị trường về dài hạn, một trong số đó là lộ trình nâng hạng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters mới đây, Việt Nam sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ mua cổ phiếu, động thái được FTSE xem là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở việc nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong nhiều năm. Đang có những kỳ vọng thị trường được nâng hạng trong năm 2025, hoặc thậm chí ngay từ năm sau. Còn theo báo cáo của hãng tư vấn Tisco Advisory thuộc ngân hàng Tisco (Thái Lan), TTCK Việt Nam hiện đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài trước triển vọng nâng hạng từ cận biên lên mới nổi và dự kiến sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài trị giá 4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024.
Tuy nhiên, như đã nói, để đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững cho thị trường, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, những hành động thao túng chỉ số hay giá cổ phiếu cần phải được kiểm soát và hạn chế. Không thể chỉ bằng cách tác động lên một vài cổ phiếu với lượng hàng không đáng kể nhưng lại có thể dẫn dắt chỉ số biến động theo ý muốn.
Những hành động của cơ quan quản lý gần đây đối với các vi phạm thao túng giá cổ phiếu đã quyết liệt hơn, mới đây nhất là việc Bộ Công an yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có giải pháp nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội, nhóm; cũng như cho rằng mức phạt đối với loại vi phạm này còn thấp, không đảm bảo răn đe, phòng ngừa. Dù vậy, với cơ chế ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lên chỉ số chung, vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả.
Một số kiến nghị được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng chưa được xem xét thực thi, như thay đổi cách tính chỉ số VN-Index bằng cách tiếp tục giảm giới hạn tỷ trọng vốn hóa áp dụng cho các cổ phiếu thành phần; tăng quy mô thị trường để tránh phụ thuộc vào chỉ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn; tăng tỷ lệ free float ở các cổ phiếu vốn hóa lớn… Hay gần đây hơn là những kiến nghị xem xét hủy bỏ các phiên xác định giá mở cửa, đóng cửa trên sàn HOSE, thường bị các “đội lái” tận dụng để thao túng, làm giá.
Cảm ơn bài viết của A. Đúng theo những gì thực tế TTCK đang hoạt động. Đề nghị bỏ 2 lệnh dở khóc dở cười ATO và ATC. Tạo minh bạch trong thị trường