Thứ Sáu, 5/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sự học của doanh nhân thời nay

Nguyễn Hữu Long (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mấy chục năm trước, nhiều người bỏ học giữa chừng vì không thích học, hoặc vì nhà không đủ điều kiện để theo học đến nơi, đến chốn. Họ đi làm thuê, làm mướn, làm đủ thứ việc để kiếm tiền mưu sinh. Và không nhiều trong số họ, có thể do bản thân tự muốn, hoặc có thể do gia đình có sẵn nghề kinh doanh truyền thống, đã bắt tay vào công việc kinh doanh.

Khởi nghiệp thời ấy đơn giản hơn bây giờ vì thời ấy, số người đi theo con đường sản xuất kinh doanh không nhiều, sức cạnh tranh không quá cao, nên chỉ cần ít vốn là có thể khởi nghiệp bằng một công việc kinh doanh đơn giản được.

Trong số những người khởi nghiệp theo cách “tự phát” ấy, có người nhờ năng khiếu bẩm sinh, có người nhờ khả năng quan sát, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, và cũng có người nhờ gặp thời vận may mắn nên thành công.

Họ trở thành những ông bà chủ sở hữu cơ ngơi kinh doanh kha khá. Một số người trở nên giàu có và trở thành những doanh nhân thành đạt. Một số người giữ được cơ nghiệp và làm cho nó phát triển mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Nhưng cũng nhiều người khác, khi quy mô doanh nghiệp lớn lên, họ không đủ sức quản lý nên bắt đầu rối loạn, thua lỗ, phá sản…

Suy cho cùng, thành bại của mỗi doanh nhân, mỗi người chủ doanh nghiệp là do sự học và áp dụng kiến thức đã học vào công việc kinh doanh của mình. Người có năng lực học tập và có mong muốn học tập sẽ có khả năng lèo lái doanh nghiệp tốt hơn, nhất là khi môi trường kinh doanh thay đổi quá nhanh như thời đại ngày nay.

Học thì có thể học ở trường lớp chính thống, vừa đi học, vừa làm, học trong lúc đang kinh doanh; hoặc cũng có thể học các khóa học ngắn hạn, học ở công việc, học ở trường đời… Có vô vàn cách học để thành công, miễn là chịu học. Và có thể nói một cách không quá lời, những doanh nhân thành công phần lớn là những doanh nhân chịu học, học suốt đời, bằng cách này hay cách khác. Tất nhiên, doanh nhân thành công nhờ may mắn, nhờ quan hệ, nhờ làm ăn mánh khóe, mưu mô cũng có, nhưng không bền, và sớm muộn cũng sẽ đến lúc họ đưa doanh nghiệp của họ đến bờ vực phá sản.

Vì sao doanh nhân thời nay cần học?

Thời nay, đa phần doanh nhân có nền tảng học vấn cao hơn ngày xưa. Phần lớn doanh nhân, nhất là giới doanh nhân trẻ, có bằng đại học. Không ít người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người từng du học ở nước ngoài về. Nền tảng học vấn cao là tiền đề rất thuận lợi cho việc quản lý vận hành doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, đặc biệt trong môi trường kinh doanh đòi hỏi hàm lượng chất xám ngày càng cao trong sản phẩm, dịch vụ như ngày nay. Thiếu kiến thức nền tảng, thiếu năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, sáng tạo…, doanh nhân sẽ rất khó để thành công trong thời đại cạnh tranh khốc liệt hiện tại.

Tuy vậy, những kiến thức nền tảng ở trường, kể cả trường đại học và các chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ…) chuyên ngành quản trị kinh doanh dường như vẫn là chưa đủ để vận hành doanh nghiệp thành công, nhất là các công ty, tập đoàn có quy mô lớn và siêu lớn. Nhiều doanh nhân tốt nghiệp đại học ở những ngành không liên quan đến quản lý kinh doanh thì càng gặp khó hơn khi quản lý, điều hành doanh nghiệp nếu họ không tự học thêm kiến thức quản lý kinh doanh bên ngoài (hầu hết doanh nhân Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp của mình thay vì thuê giám đốc điều hành).

Do vậy, dù có tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng nào, và dù có thành tích học tập xuất sắc đến đâu thì khi ra đời khởi nghiệp kinh doanh, doanh nhân cũng vẫn cần phải học, học mãi, học suốt đời. Doanh nhân Mai Hữu Tín, người đang sở hữu mấy chục công ty con và công ty liên kết với tổng lao động trên 20.000 người, từng nói rằng, năng lực chính tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa doanh nhân này với doanh nhân khác, chính là năng lực học tập suốt đời. Năng lực học tập suốt đời là rất quan trọng. Khi dùng cụm từ “năng lực”, người ta muốn nói đến không chỉ khả năng học tập mà còn cả thái độ học tập.

Thái độ học tập của doanh nhân phải thực sự nghiêm túc, thực sự cầu tiến, thực sự chăm chú và thể hiện quyết tâm cao. Đơn giản là vì những gì doanh nhân tiếp thu và vận dụng hôm nay, ngày mai có thể lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Môi trường kinh doanh thay đổi chóng mặt, xu hướng và hành vi tiêu dùng liên tục thay đổi, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nhân buộc phải học không ngừng nghỉ để cập nhật kiến thức mới, phương pháp mới, công cụ mới…

Doanh nhân mới khởi nghiệp cần học để hiểu về kinh doanh và môi trường kinh doanh trước khi khởi nghiệp. Doanh nhân có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đã lâu cũng cần phải học. Hầu hết các doanh nghiệp thất bại từ lúc khởi nghiệp, hoặc lớn lên một thời gian rồi lụn bại, đều do doanh nhân thiếu kiến thức nên lèo lái sai đường, sai cách.

Doanh nhân cần học gì thời nay?

Có vô số thứ mà doanh nhân cần phải học dù đang lãnh đạo tập đoàn lớn hay dẫn dắt một doanh nghiệp  nhỏ hay vừa. Những thứ rất quan trọng mà hầu hết doanh nhân Việt Nam không mấy người được học và không có nhiều kiến thức là tư duy chiến lược (strategic thinking), cách thức hoạch định chiến lược kinh doanh (business strategy), thiết kế mô hình kinh doanh (business model).

Ở quy mô các tập đoàn lớn, các vị chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành, quản lý cấp cao… càng cần phải học về tư duy chiến lược, cách thức hoạch định và triển khai chiến lược tập đoàn đa ngành, mô hình tập đoàn đa ngành. Nhiều tập đoàn phát triển hùng mạnh rồi bỗng chốc lụn bại chính là vì phát triển không theo chiến lược được hoạch định cẩn trọng hoặc do chiến lược sai.

Ở quy mô một doanh nghiệp khởi nghiệp, có hiểu biết về chiến lược, hoạch định chiến lược và lựa chọn mô hình kinh doanh sẽ giúp các bạn trẻ khởi nghiệp lựa chọn được con đường đúng để đi (chiến lược), mô hình đúng để thực hiện ý đồ chiến lược (mô hình kinh doanh), tránh được những lựa chọn theo cảm tính hoặc theo lời khuyên chung chung (cho mọi người) của không ít những người dạy khởi nghiệp vô trách nhiệm.

Kiến thức cơ bản về chiến lược và mô hình kinh doanh là những kiến thức ban đầu cực kỳ quan trọng cho bất kỳ doanh nhân nào, quản lý doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào. Nó không khác gì người đi rừng hay ra biển nhất thiết phải có tối thiểu cái la bàn hoặc công cụ xác định phương hướng để không bị lạc lối.

Sau chiến lược là những kiến thức cơ bản và dần nâng cao về tiếp thị, bán hàng, làm thương hiệu, quản lý nhân sự, quản lý chung (general management) và lãnh đạo (leadership). Những kiến thức cơ bản về tài chính, kế toán, đầu tư, quản lý sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng, quản lý rủi ro, quản lý khủng hoảng…, doanh nhân cũng cần từng bước trang bị cho mình để hiểu ít nhất ở mức tổng quát các hoạt động chức năng trong quản lý doanh nghiệp.

Triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi là những câu tuyên ngôn (company statements) mà nhiều doanh nghiệp, bao gồm các tập đoàn lớn, các công ty niêm yết, thường xuyên truyền thông trên trang web, catalogue, profile công ty, trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội… Rất tiếc là không mấy chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành thực sự hiểu đúng bản chất, nội hàm, và ý nghĩa của từng câu tuyên ngôn mà chính doanh nghiệp của họ đang công bố và truyền thông rộng rãi khắp nơi. Những thứ này, doanh nhân cũng cần phải học để hiểu rõ và nắm vững, để không bị nhầm lẫn, ngộ nhận khi tuyên bố cho bên trong lẫn bên ngoài.

Văn hóa doanh nghiệp và cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng là mối quan tâm của nhiều doanh nhân, nhưng không mấy doanh nhân hiểu được bản chất, nội hàm, ý nghĩa và công dụng của văn hóa doanh nghiệp. Họ cũng nên đi học để hiểu cho đúng và xây dựng cho đúng.

Còn vô số thứ mà doanh nhân ngày nay cần học, cần mài giũa kiến thức để phục vụ cho công việc quản lý kinh doanh của mình, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững trên một nền móng vững chắc. Năng lực (bao gồm ý thức và thái độ) học tập suốt đời là một trong những năng lực quan trọng nhất của người làm kinh doanh. Chính năng lực này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa doanh nhân chịu học với doanh nhân không chịu học và giữa doanh nghiệp có văn hóa học tập với doanh nghiệp không có văn hóa học tập.

Bản thân người viết bài này đã thành lập và vận hành một nhóm trên Facebook có tên Group Phát triển doanh nghiệp Việt để giúp các doanh nhân nâng tầm và phát triển doanh nghiệp của mình. Họ đã và đang theo học tất cả những thứ nêu trên và đạt được những kết quả rất tốt sau khi áp dụng.

(*) Người sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới