(KTSG) - Nhiều năm nay, công nghệ cao được ưu tiên phát triển với nhiều chính sách, cơ sở pháp lý. Nhưng nếu chưa có một định nghĩa đúng đắn về công nghệ cao cùng các vấn đề liên quan thì e rằng sẽ không thể có sự thành công trong lĩnh vực này.
Luật đã bỏ qua “khoa học liên ngành”
Theo định nghĩa chính thức của Luật Công nghệ cao, công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
Luật này cũng ghi rõ việc tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong bốn lĩnh vực là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện; danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hoàn toàn không tìm thấy trong văn bản luật này thuật ngữ “khoa học liên ngành” và có lẽ thiếu hẳn một chương về nó. Hẳn là có thể mường tượng sự hội tụ của khoa học liên ngành chính là công nghệ cao. Song theo GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, khoa học liên ngành là vấn đề của nhận thức, và một khi nhận thức chưa thay đổi thì có lẽ không thể ép nhau bất cứ điều gì.
Những thực tế của khoa học liên ngành và công nghệ cao
Ít nhất, Luật Công nghệ cao đã xác định công nghệ sinh học là một trong bốn lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, có thể khẳng định công nghệ sinh học hiện đại có được như ngày nay là do ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin. Bằng chứng là những hình ảnh về thành tựu giải mã gene người của các nhà khoa học Mỹ hồi những năm 2000 cho thấy toàn sự hiện diện của máy tính chứ không phải là các dụng cụ thí nghiệm thông dụng. Bình luận về chuyện này, GS.TS. Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, cho rằng công nghệ thông tin có thể phát triển mà không cần đến công nghệ sinh học, nhưng công nghệ sinh học hiện đại muốn phát triển thì không thể thiếu công nghệ thông tin.
Và một câu chuyện đáng phải quan tâm cho khoa học liên ngành là các nhà khảo cổ học đã không tìm ra lời giải cho công nghệ xây dựng tháp Chăm. Cụ thể là giữa các viên gạch không có mạch vữa và không lẽ người Chăm đã nung cả ngôi tháp sau khi xếp gạch? Một câu hỏi nảy sinh ở đây là tại sao giới khảo cổ học không “đặt hàng” chuyện này cho các chuyên gia về công nghệ vật liệu? Biết đâu câu trả lời lại được biếu không là tháp Chăm thực chất được xây dựng bằng vật liệu không nung. Loại gạch này khi còn ướt có thể xếp chồng lên nhau và theo thời gian sẽ cứng chắc và gắn chặt lại với nhau.
Cũng xin nói đến lĩnh vực xử lý ngôn ngữ khi máy vi tính mới thâm nhập vào Việt Nam những năm 1980. Công việc đầu tiên lúc đó là làm sao đưa được tiếng Việt vào máy vi tính. Để làm được công việc đó, chính các chuyên gia tin học đã phải tìm đến các nhà ngôn ngữ để học hỏi và nghiên cứu các chuẩn, quy luật của tiếng Việt cho sản phẩm của mình. Từ đó đến nay, công nghệ xử lý tiếng Việt đã có nhiều bước tiến với các sản phẩm không chỉ dừng ở soạn thảo mà cả về nhận dạng văn bản, nhận dạng tiếng nói, công nghệ dịch thuật, hỏi đáp tự động…
Chỉ có điều đáng tiếc là trong quá trình này, về cơ bản thì ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam dường như đứng ngoài cuộc(!). Và nói một cách hình tượng như TS. Quách Tuấn Ngọc, tác giả hệ soạn thảo BKED, thì công nghệ thông tin phải đi tiên phong, nhưng sau một hành trình ngoảnh nhìn lại thì không thấy ai đi cùng, nên đành phải chủ động làm nốt phần việc của những người còn lại đó.
Đến đây, xin nói thêm về thể thao. Khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22 vào năm 2003 thì điều khác biệt với các sự kiện thể thao khác ở trong nước là phải ứng dụng công nghệ thông tin để đo kiểm tự động về thành tích thi đấu, vì đã là sự kiện thể thao quốc tế thì phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo TS. Trần Xuân Thuận, một chuyên gia từng tư vấn công việc này, thì khi bắt tay vào việc, sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai ngành lên tới 90%! Rất may là nhờ có quyết tâm chính trị của Chính phủ cùng sự vào cuộc rất tích cực của cả hai ngành nên dự án Hệ thống điện tử xử lý thông tin cho SEA Games 22 đã thành công và không để xảy ra lỗi trong quá trình vận hành chính thức.
Không thể chậm trễ
Qua các ví dụ trên đây, có thể tiếp tục khẳng định sự hội tụ của khoa học liên ngành chính là công nghệ cao. Luật Công nghệ cao đã thiếu sót rất lớn khi không hề đề cập đến khoa học liên ngành. Rõ ràng, đây chính là vấn đề nhận thức của chính những người tham gia xây dựng luật và đã đến lúc không thể chậm trễ hơn để nhận thức lại về công nghệ cao trên nền tảng của khoa học liên ngành.
Và cũng cần phải nói đến yếu tố nguồn nhân lực cho công nghệ cao. Đó phải là một quá trình được tất cả các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam nhận thức lại và đưa vào chương trình hành động của mình. Theo một cựu quan chức cao cấp của Bộ Khoa học và Công nghệ từng là lãnh đạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngay cả trường này cũng chỉ là “poly” của những cái “mono”. Tức là về cơ bản, các lĩnh vực ở đây cũng chỉ giỏi cái của chính mình chứ ít có khả năng chủ động tích hợp với những thứ khác.
Liệu rằng khoa học liên ngành đã và sẽ đem lại giá trị gì cho ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở Việt Nam? Mong rằng các cơ quan nhà nước mà đại diện là Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có câu trả lời và chắc hẳn cần sửa đổi, bổ sung vấn đề này cho Luật Công nghệ cao để mở ra một tương lai mới cho công nghệ cao và khoa học liên ngành.
Bản chất của khoa học nói chung, công nghệ cao nói riêng, luôn là sự kế thừa và phát triển liên tục. Sẽ không có sự chia cắt và phân định nào là đúng và đủ. Nếu cố tình chia cắt một cách chủ quan thì sẽ không bao giờ thấu hiểu về khoa học. Nhiều người rất ngạc nhiên khi NASA làm một câu chuyện “vô duyên” khi bỏ ra hơn 300 triệu USD chỉ để chế tạo một vệ tinh rồi cho đâm đầu vào tiểu hành tinh nào đó giữa trời để nghiên cứu sự va chạm ? Thực ra đây chính là chủ đề khoa học vĩ đại mà có lẽ chỉ nước Mỹ mới đủ tầm và đủ sức để tiến hành. Và chắc chắn đó cũng không phải là câu chuyện riêng của thiên văn học ?
Tui nghĩ VUSTA là môt bên có thể giải quyết vấn để này