Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sự ‘kỳ thị’ đáng giá!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cách đây chừng 20 năm, nhiều cô gái còn mua thuốc lá xịn tặng người yêu như một món quà giúp chàng trai thể hiện bản lĩnh nam nhi. Giờ đây xu hướng đang ngược lại hoàn toàn, những chàng trai nghiện thuốc lá thường bị các cô... chê hôi và thường bị loại ngay từ đầu vòng ứng tuyển...

Năm 1998, trong phòng học máy lạnh của lớp tu nghiệp báo chí tại Hiệp hội Báo chí Nhật Bản mà người viết bài tham dự, cả giảng viên lẫn học viên đều có thể hút thuốc thoải mái. Họ ngồi tách ra thành hai cụm ở hai góc phòng cho người hút và người không hút. Cảnh các thiếu nữ Nhật Bản mơ màng bên khói thuốc cũng không hiếm thấy.

Tại hai sân bay lớn là Narita ở Tokyo và Kansai ở Osaka, phòng hút thuốc khá dễ tìm. Có thể nói tại một số nước trước khi bước qua thiên niên kỷ mới, thái độ với người hút thuốc có phần khá dễ dãi.

Tuy nhiên, mọi việc thay đổi rất nhanh. Năm 2003 khi đến sân bay Changi của Singapore, ấn tượng đầu tiên của nhóm chúng tôi là sự “kỳ thị” với người hút thuốc lá. Khu vực hút thuốc lá được bố trí rất ít, có bạn đi cùng chúng tôi đi tìm một đoạn đã nản chí bỏ cuộc, chấp nhận nhịn hút vì đi quá xa để được rít một hơi.

Xu hướng “kỳ thị nhưng lành mạnh” với người hút thuốc lá tại Việt Nam cũng phát triển khá nhanh. Trước đây khi vào quán cà phê, người ta hút thuốc thoải mái trong phòng máy lạnh, phun khói mù mịt mà chẳng ai dám có ý kiến hoặc có ý kiến cũng bị bỏ ngoài tai.

Dần dần, các quán cà phê phải bố trí khu vực dành riêng cho người không hút thuốc. Lúc đầu khu không hút thuốc thường nhỏ hơn khu hút thuốc. Hiện giờ thì ngược lại hoàn toàn, có những quán cà phê hoàn toàn không còn khu vực dành cho người hút thuốc, có quán cà phê thì khu hút thuốc rất nhỏ.

Tương tự, nếu như trước đây thuốc lá được xem là mặt hàng không thể thiếu trong quán cà phê thì giờ đây chỉ còn quán cà phê bình dân, cà phê cóc lề đường là còn bán thuốc lá. Các quán cà phê lớn dù có khu vực hút thuốc cũng hiếm khi có bán thuốc lá cho khách dù lợi nhuận mặt hàng này rất tốt, chẳng hạn giá một gói thuốc lá 15.000-25.000 đồng khi mua ở tiệm tạp hóa sẽ có giá 25.000-40.000 đồng trong quán cà phê.

Người dân cũng mạnh dạn tỏ thái độ với người hút thuốc hơn, đặc biệt là phụ nữ. Ngay tại quán cà phê bình dân, không hiếm lần người viết bài chứng kiến cánh đàn ông phải lật đật dụi tắt thuốc khi thấy cô gái bàn kế bên mới vô ngồi sau nhăn mặt, lấy tay phẩy phẩy xua khói. Việc các bà các cô yêu cầu người hút đi ra nơi khác cũng không hiếm thấy ở các đám tiệc ngoài trời, không như trước đây là họ chỉ nhìn người hút và tỏ vẻ khó chịu.

Trên mạng xã hội có câu chuyện vui về một anh chàng bị mất người yêu vì hút thuốc như sau: Trong lần hẹn hò đầu tiên khi vừa ngồi vào quán cà phê thì một cô gái khác bước đến nói “anh, em có thai ba tháng”. Cô gái đang hẹn hò sửng sốt và bỏ cuộc hẹn ngay lập tức vì tưởng cô gái kia có quan hệ với anh chàng đang tán tỉnh mình, không kịp nghe tiếp câu sau đó là “anh vui lòng tắt thuốc lá, em cảm ơn”.

Điều 23 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định bắt buộc nơi bán phải treo bảng thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá. Tuy nhiên, hiện giờ tình trạng thiếu niên mua, hút và đứng bán thuốc lá vẫn xuất hiện. Bảng thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng hiếm thấy.

Theo Báo cáo ngành thuốc lá Việt Nam năm 2020, mỗi năm có hơn 134.300 người chết vì các căn bệnh gây nên bởi thuốc lá. Ung thư phổi được xét là căn bệnh thường gặp nhất trong 10 loại ung thư, và trên 90% số bệnh nhân mắc ung thư phổi do hút thuốc lá.

Người Việt Nam chi trung bình khoảng 31.000 tỉ đồng mỗi năm cho các sản phẩm thuốc lá, và tổng chi phí tổn thất vì hút thuốc lá mà toàn xã hội gánh chịu là 54.000 tỉ đồng một năm(*).

Với những con số như trên thì xu hướng “kỳ thị” người hút thuốc lá ngày càng tăng lại là điều tốt cho toàn xã hội. Một tín hiệu khác cũng đáng mừng là những chàng trai thế hệ 8x trở về sau này mà người viết bài quen biết có tỷ lệ hút thuốc ít hơn lứa 7x trở về trước, có lẽ xu hướng “kỳ thị” đã có tác động mạnh đến họ.

(*) https://vietnamcredit.com.vn/products/vietnam-industries/bao-cao-nganh-thuoc-la-viet-nam-2020-45

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thì thấy khu vực quận 5, quận 10, quận 11 TPHCM vẫn nhan nhản:
    + đàn ông hút thuốc khi chở phụ nữ ngồi sau xe,
    + đàn ông lái xe hơi sau khi đưa con vào học ở trường quốc tế thì vừa rít thuốc vừa lái xe
    + xe ôm hoặc đàn ông đứng hút thuốc trước cổng Bệnh viện Nhi đồng quận 10, BV Từ Dũ,…
    + vừa đứng chờ đèn đỏ vừa hút thuốc
    + vừa chở con đi học, vừa hút thuốc
    Vậy khi con cái họ bị bệnh, bảo hiểm chi trả cho phần cho con cái cái họ. Đúng ra là nên bắt họ phải tự trả tiền.

  2. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Chỉ bỏ thuốc lá khi phát sinh bệnh tật nặng. Đây là tâm lý cố hữu của loài người.

  3. Lý do bắt đầu hút thuốc thì vài ba, chẳng hạn như đua đòi, tìm thứ giải toả căng thẳng…
    Nhưng không bỏ thì chỉ có hai: độc ác và không bản lĩnh.

    Còn lợi/ hại của nó thế nào thì chắc không cần phải đề cập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới