Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sự lựa chọn nghiệt ngã!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tại phiên tòa xử vụ “chuyến bay giải cứu”, như để bào chữa cho hành vi đưa hối lộ của mình, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc kể rằng đã bảy lần nộp hồ sơ xin tham gia tổ chức thực hiện chuyến bay giải cứu nhưng đều không được duyệt, và quan trọng hơn là chưa bao giờ doanh nghiệp của bà được các cơ quan chức năng trả lời vì sao hồ sơ không đạt, cần phải bổ sung tài liệu gì.

Không rõ thực hư câu chuyện của bà Hồng kể đến mức nào, nhưng với người dân và doanh nghiệp đã từng phải đi xin giấy phép ở các cơ quan công quyền thì đây là trải nghiệm quen thuộc. Đồng thời, đó cũng là “tín hiệu” khá rõ ràng mà một số cán bộ biến chất buộc những người đi “xin” phải hiểu.

Với những người dân và doanh nghiệp bình thường, trong tình huống này, họ chỉ có một trong hai con đường để chọn lựa đó là từ bỏ hoặc chấp nhận chi tiền bôi trơn để được cấp phép. Nhưng dù là con đường nào thì đó cũng là sự lựa chọn nghiệt ngã.

Với những nhà doanh nghiệp bị truy tố trong vụ án này, tổ chức “chuyến bay giải cứu” chỉ đơn giản là một trong những thương vụ làm ăn của họ nên việc từ bỏ không phải là quyết định quá khó khăn. Nhưng với rất nhiều trường hợp khác, có những tờ giấy phép - thường là liên quan đến điều kiện kinh doanh - có giá trị quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, nên việc từ bỏ là con đường mà rất ít chủ doanh nghiệp lựa chọn.

Với người dân bình thường cũng vậy, có những loại giấy tờ mà họ hầu như không thể bỏ qua, nhất là tục xin cấp phép liên quan đến nhà đất - lĩnh vực thường bị nhũng nhiễu nhiều nhất.

Nhưng chấp nhận chi tiền “bôi trơn” để được giải quyết công việc cũng là chọn con đường phạm pháp và có thể phải trả giá đắt cho sự chọn lựa đó, giống như một số doanh nghiệp trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Việc một số cán bộ “ăn” cả trên nỗi thống khổ của người dân vì đại dịch phần nào cho thấy những người như vậy sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để kiếm chác cho bản thân. Họ không màng đến tính răn đe của luật pháp hay giá trị đạo đức. Vì vậy, không có nhiều hy vọng những bản án được tuyên trong vụ án “chuyến bay giải cứu” này, hay những vụ trọng án tham nhũng khác, sẽ giảm được nạn sách nhiễu ở một số cơ quan công quyền, nhất là khi cuộc chiến chống tham nhũng lâu nay mới để mắt đến những vụ nổi cộm, trong khi còn bỏ lọt lưới vô số những vụ tham nhũng vặt - loại tham nhũng thậm chí còn làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào đường lối, chính sách của Nhà nước nghiêm trọng hơn những vụ tham nhũng lớn.

Vì vậy, để công cuộc chống tham nhũng đạt được kết quả thực chất, cần xem xét lại chính sách chống tham nhũng theo hướng triệt tiêu những mầm mống nảy sinh tham nhũng.

Cụ thể, cần chuyển đổi từ cơ chế quản lý xin - cho sang quản lý theo quy chuẩn và hậu kiểm. Trong đó, vai trò của Nhà nước là xây dựng quy chuẩn và hậu kiểm, còn việc thẩm định và đánh giá yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp hay của người dân có đáp ứng quy chuẩn hay không nên để cho các tổ chức chuyên môn thực hiện và chịu trách nhiệm về đánh giá của mình. Đây cũng là đề xuất được nhiều tổ chức và chuyên gia nêu ra từ hàng chục năm nay, chỉ là nhiều cơ quan quản lý nhà nước sợ mất quyền nên chưa muốn “buông bỏ” mà thôi.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần nhìn nhận đúng và khách quan. Lỗi lầm từ cả hai phía. Công chức lạm quyền từ tận dụng cơ chế chính sách xin – cho. Doanh nghiệp lạm dụng bằng mối quan hệ và cám dỗ lợi ích. Đến khi nào mới dứt bỏ được tình trạng này vẫn là câu hỏi vô cùng lớn. Trừ khi, công chức/ doanh nghiệp, hai lực lượng chủ công của đất nước, có đầy đủ lòng tự trọng, tự hào, tự tôn, cho chính bản thân mình và cho tất cả mọi người.

  2. Nhiều đơn vị cơ quan than phiền công việc nhiều quá, nhân viên cán bộ thiếu nên phải làm việc quá giờ, đòi gia tăng biên chế. Nhưng thực chất của chuyện này là nhiều vụ việc giấy tờ hồ sơ của người dân đầy đủ chỉ cần giải quyết một lần là xong, thì cán bộ hẹn nhiều lần mới giải quyết. Điều này khiến một cán bộ có thể giải quyết hàng trăm hồ sơ một tháng thì chỉ có thể giải quyết vài chục hồ sơ một tháng. Cần phải có chỉ tiêu giải quyết hồ sơ trong một tháng là bao nhiêu, và biện pháp xử lý các cán bộ kéo dài việc xử lý hồ sơ hợp pháp của người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới