Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sự thay đổi và thích ứng – chúng ta sẵn sàng tới đâu?

Trương Trọng Hiểu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thế giới này luôn thay đổi như dòng sông luôn chảy và quả địa cầu dưới chân mỗi chúng ta vẫn luôn quay. Thay vì đóng cứng cuộc đời vào một bản kế hoạch được... ép plastic thì nên hiểu rằng một tình huống bất thường có thể xảy ra ngoài dự liệu để có thể bình tâm xử lý, vượt qua và dễ dàng chấp nhận trả giá bằng những tiêu tốn, mất mát, đổ vỡ và thậm chí là phá sản kế hoạch ban đầu...

Nếu có đủ sự thấu hiểu và kỹ năng, sẽ có nhiều người hơn quyết định “trụ lại Sài Gòn”cho dù nơi này “bão nổi”. Trong ảnh: Người dân test Covid khi rời TPHCM qua địa phận Long An. Ảnh: N.K

Nói về dịch Covid-19 nhìn từ thuyết tiến hóa, TS.BS. Nguyễn Ngọc Anh trong cuốn tạp văn - ghi chép viết chung với nhà văn Trần Nhã Thụy đã ghi nhận rằng, “Tiến hóa bằng cách đột biến tổ hợp gen giữa con người và động vật là một phần của thiên nhiên và điều đó có khả năng tạo ra những đại dịch trong tương lai. Con người phải chuẩn bị điều này để sống chung với nó”(1).

Nếu cho rằng đại dịch Covid-19 là phép thử của Thượng đế và tạo hóa như các tác giả của quyển sách thì làn sóng bùng dịch thứ tư chính là một bước ngoặt lớn trong lựa chọn thay đổi của Việt Nam. Rõ ràng, sau MERS-CoV và SARS-CoV, giải pháp cuối cùng với SARS-CoV-2 không phải là... trốn chạy thành viên thứ bảy trong gia đình coronavirus này.

Đối diện với biến cố thực tại: câu chuyện Nhật Bản

Năm 2012, tôi sang Nhật Bản và đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất nước đã được biết nhiều từ trước về mặt lịch sử, văn hóa và kinh tế.

Trong số những vấn đề được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo của đơn vị thực hiện chương trình học bổng, thoạt đầu tôi có lấy làm phiền về lịch trình định hướng quá nhiều, và chi tiết. Nhưng về sau, khi đã gọi là sống đủ và trải nghiệm đủ, tôi thấm thía về điều đó, đặc biệt là những trang bị về kỹ năng ứng phó với thiên tai và sự cố.

Lịch trình dành hẳn một ngày để “trui rèn” đội ngũ du học sinh còn lạ nước lạ cái chúng tôi về nội dung này. Sáng sớm, xe đón và đưa chúng tôi từ Osaka để đến Trung tâm Trải nghiệm thiên tai ở Kyoto. Thời gian còn lại của buổi sáng ở điểm đến, chúng tôi được các chuyên gia giảng giải về lý thuyết và kỹ năng. Chiều, trước khi về, chúng tôi có thời gian biến mình thành... nạn nhân để thực hành kỹ năng trước các trận động đất, hỏa hoạn và bão gió.

Mọi thứ diễn ra... y như thật. Để ứng phó với động đất, chúng tôi theo nhóm bước vào một căn phòng “thực” để ngồi học và làm việc. Chuông báo động, mọi vật bắt đầu rung lắc. Khóa công tắt bếp lò, sập công tắt điện... rồi chui vào gầm bàn. Căn phòng lắc mạnh hơn, mạnh hơn... và dừng.

Chúng tôi bước ra ngoài để đón nhận... tin báo cháy của tòa nhà: Lửa và khói ngùn ngụt, nhưng kèm theo đó là ánh sáng phản quang làm tín hiệu dẫn đến lối thoát hiểm dưới sàn nhà. Sau cùng, chúng tôi được đưa ra ngoài lan can, có rào chắn. Vừa vịn tay xong, gió nổi, cường độ tăng dần, tăng dần.... Chúng tôi cố gắng bám thành lan can và... bão tan.

Trong điều kiện bình thường mới, hãy để Internet và công nghệ trợ lực, giúp chúng ta hình thành thói quen và nét văn hóa mới.

Tôi không thể kể hết mọi chi tiết và cảm giác lúc đó. Nhưng tôi tin, chỉ vài nét mô tả như vậy đủ để mọi người hiểu rằng, người Nhật đã trang bị kỹ năng đối diện với các thiên tai cho mỗi cá nhân như thế nào.

Đương nhiên, các trung tâm trải nghiệm thiên tai thực tế như vậy không phải được xây dựng chỉ để dành cho chúng tôi. Đây càng không phải là điểm tham quan, du lịch. Các trung tâm này mỗi ngày đón từng đoàn học sinh đến từ các nơi trong vùng, khu vực. Họ đến trải nghiệm làm... nạn nhân như chúng tôi đã từng.

Không phủ nhận là Nhật Bản có điều kiện kinh tế cho những việc này. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Điều quan trọng là họ ý thức được rằng, thiên tai đã là... bạn đồng hành, và không thể chối bỏ. Vì vậy, cách tốt nhất là cần phải có kỹ năng để có thể sống chung đến mãn hạn kỳ trong cuộc đời của mỗi cá nhân.

Điều đó khác với cách chúng ta ứng phó với bão lũ triền miên ở dải đất miền Trung bao nhiêu năm qua. Bão đến, lũ về, chúng ta chống. Nhưng trước đó, người dân ngay từ khi còn nhỏ đã được trang bị những kỹ năng cụ thể gì? Chương trình phòng, chống bão lũ có lên kịch bản, phương án và tổ chức giảng dạy, huấn luyện? Tiêu chuẩn công trình xây dựng ở vùng đất còng lưng đón muôn trùng sóng gió nghèo khổ có thể khó nhưng trang bị kỹ năng ứng phó thì không thể chỉ đơn thuần ngồi nóc nhà hay đu ngọn cây chờ đoàn cứu hộ và đài báo đưa tin như mỗi lần thiên tai ập đến.

Có lẽ, vì đã quen chấp nhận sự thật về những biến cố xung quanh mình và cứ thế mạnh dạn sống, và vượt qua biến cố bằng những kỹ năng có được, người dân Nhật xem ra có phần bình thản hơn khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xâm lấn đất nước của họ.

Đương nhiên, các chương trình lockdown vẫn được triển khai thực hiện, nhưng hầu hết các hoạt động cần thiết cho cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, dưới sự kiểm soát, một phần từ chính kỹ năng tự phòng ngừa và ý thức về cách ứng phó biến cố của mỗi người, từ già đến trẻ.

Mở cửa, bước ra ngoài và... thay đổi

Với đại dịch Covid-19, cho dù bắt đầu ở góc độ nào cũng sẽ có phần căng thẳng và tàn khốc. Nhưng đó là sự thật buộc chúng ta phải chấp nhận thay vì mải miết trốn chạy và lẩn tránh. Rõ ràng, so với thắng lợi vang dội nhờ các biện pháp “khóa chặt” trong năm 2020, biến chủng Delta cùng những vần đổi kèm theo đã cho thấy giải pháp đóng cửa, ngồi im trong nhà chẳng phải là lựa chọn tốt.

Đại dịch! Từ cuối năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu chấp nhận thực tế đó và (buộc) phải sống chung với nó. Những kế hoạch mở cửa biên giới và đón chào du khách quốc tế đã rục rịch và ngành du lịch được dự báo sẽ có phần sôi động trở lại trong năm mới 2022 này. Mọi hoạt động giáo dục và kinh tế khác hy vọng sẽ được tái lập, dù theo cách... không bình thường như vốn có.

Năm 2020, khi cả thế giới oằn mình chống chọi với số lượng ca nhiễm liên tục gia tăng thì Việt Nam trở thành địa chỉ với kết quả phòng, chống dịch khác biệt: ngăn chặn thành công mức độ lan rộng, thậm chí là thu hẹp phạm vi lây nhiễm. Hầu như các nước đều lần lượt áp dụng biện pháp “khóa cửa biên giới,” và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nhưng chỉ duy có Việt Nam là số ca nhiễm vẫn... nhỏ giọt theo điệu sì-lô (slow).

Thực tế, Việt Nam không chỉ đóng cửa biên giới mà còn khóa chặt mọi cách để đảm bảo mục tiêu “zero Covid”.

Không thể phủ nhận hiệu quả của phương án tầm soát, cách ly và phân vùng kiểm soát chặt F0, F1. Tuy nhiên, khi điều kiện triển khai không còn và các mục tiêu phòng, chống dịch không được đảm bảo thì có nghĩa giải pháp đã... hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Những gãy đổ về chuỗi cung ứng hay sự đứt đoạn trong các mối liên kết kinh doanh và cả giao tiếp xã hội không thể tiếp tục kéo dài quá quãng thời gian được dự báo là... tạm thời. Mọi kết nối vì vậy cần được khôi phục trở lại. Thay vì bó gối ngồi nhà để lánh nạn, hãy mở cửa, bước ra ngoài; và điều quan trọng là cần phải trang bị và đảm bảo đầy đủ điều kiện sống chung với Covid.

Vaccine quả thật là một trong những giải pháp quan trọng. Việt Nam may mắn đã tiếp cận được số lượng khá lớn vaccine cần thiết. Chương trình tiêm mũi thứ ba đã bắt đầu triển khai và theo kế hoạch có thể được phủ kín ngay trong quí 1-2022.

Ý nghĩa hơn là, đa phần người dân đã bình tâm hơn và tâm lý có phần “ổn” hơn trước đại dịch. Cũng xót và đau và trả giá không ít! Thậm chí, đội ngũ chiến sĩ áo trắng đến giờ vẫn còn miệt mài trong nhiều cơ sở thu dung, điều trị còn lại và có thể sẽ không có điều kiện để đón mừng năm mới khi Tết đến. Không có gì đảm bảo tất cả mọi điều trong tương lai. Nhưng rõ ràng, nếu hiểu được rằng, thế giới vần xoay và cuộc sống luôn có nhiều biến chuyển thì con người ta sẽ sẵn sàng và dễ dàng đón nhận những đổi thay.

Nếu được dạy trước kỹ năng, con người ta ít có tâm lý trốn chạy mà thay vào đó là bình tĩnh đối diện với những tình huống lẫn biến cố của cuộc đời. Trong một thế giới nhiều biến động, đó là cách mà mỗi nhà nước cần phải làm, ngay từ khi mọi thứ vẫn còn đang rất bình thường.

Những trang cuối cùng trong cuốn sách của mình, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh khẳng định ý nghĩa của kịch bản chống dịch mới. Anh nói rằng, “Pháo đài chống dịch là pháo đài trong mỗi con người... Pháo đài đó được xây dựng bằng sự hiểu biết về cách thức virus lây truyền để mọi người tự mình phòng tránh, trong khi các hoạt động thường nhật khác như mua bán, học hành, giao tiếp vẫn liên tục chảy để bảo đảm sự sống bình thường của cá nhân, của xã hội”(2). Có lẽ, nếu có đủ sự thấu hiểu và kỹ năng, sẽ có nhiều người hơn quyết định “trụ lại Sài Gòn”cho dù nơi này “bão nổi”.

Đại dịch! Từ cuối năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu chấp nhận thực tế đó và (buộc) phải sống chung với nó.Những kế hoạch mở cửa biên giới và đón chào du khách quốc tế đã rục rịch và ngành du lịch được dự báo sẽ có phần sôi động trở lại trong năm mới 2022 này.

Mọi hoạt động giáo dục và kinh tế khác hy vọng sẽ được tái lập, dù theo cách... không bình thường như vốn có. Thay vì bắt tay hay ôm hôn... hãy vẫy tay nhau ở khoảng cách cần thiết. Thay vì cầm tiền và giao dịch bằng tay, hãy nhận diện và giao dịch bằng mã QR để đi qua ngày gian khó. Trong điều kiện bình thường mới, hãy để Internet và công nghệ trợ lực, giúp chúng ta hình thành thói quen và nét văn hóa mới.

--------

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Ngọc Anh, Viết từ thành phố lockdown, NXB. Hội Nhà văn, 2021, tr. 134.
(2) Sđd, tr. 215.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới