Thứ năm, 29/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sự trở lại của tư tưởng bao cấp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự trở lại của tư tưởng bao cấp?

(TBKTSG) - Trong khi việc thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chưa được tổng kết và một số tập đoàn kinh tế nhà nước mới vẫn tiếp tục được cho ra đời thì sự thất bại vừa qua của tập đoàn Điện lực Việt Nam, với tư cách là doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí then chốt trong ngành năng lượng, nhằm đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế cũng như tình trạng đứng trên bờ vực phá sản, dù nhận được rất nhiều ưu đãi, của một tập đoàn khác được kỳ vọng là mũi nhọn của công nghiệp hóa, là những tiếng chuông cảnh báo về sự sai lầm của chiến lược công nghiệp hóa dựa vào những “quả đấm” này.

“Tư tưởng bao cấp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong một số chính sách đã bắt đầu quay trở lại với mức độ và phạm vi rộng”. Một công trình nghiên cứu mới được công bố gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đi đến kết luận, đồng thời là một sự báo động, như trích dẫn ở trên.

Công trình nghiên cứu mang tên “Đổi mới hệ thống thể chế nhà nước về kinh tế” nhận định rằng, sự trở lại của tư tưởng bao cấp thể hiện rõ nét trong một loạt các chính sách quan trọng như:

- Trong chính sách đất đai: các ưu đãi của Chính phủ đối với DNNN thể hiện qua việc các doanh nghiệp này được cấp diện tích đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh mà không phải trả tiền hoặc chỉ phải trả với mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá hiện hành trên thị trường.

- Trong chính sách tài khóa: Chính phủ đã dành sự đầu tư quá nhiều cho các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, thậm chí đã đầu tư vào một số chương trình phát triển kinh tế tốn kém và không có hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư công còn nhiêu điểm yếu, tỷ lệ đầu tư công còn quá lớn và hiệu quả rất thấp.

- Trong chính sách tiền tệ: chính sách tiền tệ vẫn chưa quán triệt đầy đủ các nguyên tắc thị trường. Chính phủ đã thực hiện cấp tín dụng ưu đãi cho nhiều DNNN, đặc biệt là cho các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Các tác giả của công trình nghiên cứu trên cũng khẳng định: hậu quả của tình trạng bao cấp này là tệ nạn tham nhũng gia tăng trong khu vực nhà nước, hiệu quả đầu tư trong khu vực kinh tế nhà nước thấp. Ngoài ra, việc đầu tư tràn lan vào khu vực đất đai, bất động sản còn dẫn đến hình thành “bong bóng” trên thị trường này.

Cần nói thêm: sự bao cấp ở đây chỉ là đối với doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân trong thực tế vẫn còn chịu sự phân biệt đối xử, chịu nhiều thiệt thòi.

Những nhận định và báo động đưa ra trong công trình nghiên cứu trên thật ra không hoàn toàn mới. Các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước từ lâu đã phân tích, chứng minh, cảnh báo về hậu quả của việc dồn nguồn lực quốc gia cho khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả.

Vấn đề đặt ra hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế vừa phải chịu đựng những thiệt hại to lớn do đặt quá nhiều kỳ vọng vào các tập đoàn kinh tế nhà nước là một sự lựa chọn mang tính chiến lược: công nghiệp hóa dựa vào đâu, dựa vào sự kích thích cạnh tranh bình đẳng hay sự bao cấp cho một số doanh nghiệp “con cưng”?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới