Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Đại diện Chính phủ đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch và được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành cho rằng cần ban hành Luật này, theo thông tin ghi nhận tại phiên họp Quốc hội diễn ra vào sáng 23-10.
Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch
![]() |
Ảnh minh họa: các đại biểu dự kỳ họp thứ 6 quốc hội khoá XIV |
Tại phiên họp này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Ông Dũng cho biết, việc ban hành dự án Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch bao gồm 32 điều, trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và một điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cấp, loại quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch, nội dung quy hoạch và các nội dung kỹ thuật đơn giản khác.
Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực y tế, công thương, lao động, thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp.
Đánh giá tác động của việc ban hành Luật này, ông Dũng nói: ”Việc sửa đổi các luật này để bảo đảm đồng bộ với Luật quy hoạch, do đó không đề xuất chính sách mới so với các chính sách đã được đánh giá và thông qua tại Luật Quy hoạch. Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch (ví dụ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển, quy hoạch về an toàn thông tin mạng….).”
Sau khi nghe ông Dũng, đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Ông Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1-1-2019.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi, bổ sung.
Về tên gọi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước.
Ông Thanh cho biết Ủy ban này nhất trí với việc sửa đổi tên các quy hoạch để bảo đảm phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; sửa đổi các quy định về các loại quy hoạch không phù hợp với khái niệm quy hoạch; sửa đổi các quy định liên quan đến các quy hoạch bị cấm lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh và bãi bỏ quy định sử dụng quy hoạch làm điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã có một số nội dung góp ý về một số lĩnh vực cụ thể.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó tờ trình số 424/TTr-CP giải trình về nội dung của các quy hoạch có tính chất, kỹ thuật chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, các nội dung này lại không được thể hiện trong dự thảo Luật. Do vậy, để tuân thủ nguyên tắc không có sự trùng lặp giữa các quy hoạch, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban này đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể phạm vi, nội dung của các quy hoạch có tính chất, kỹ thuật chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và mối quan hệ của các quy hoạch này với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia tại Luật Quy hoạch.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ông Thanh cho hay nhiều ý kiến cho rằng nội dung và thẩm quyền về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh đã được quy định tại Luật Quy hoạch và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại quy định thêm các nội dung khác phải có trong quy hoạch này. Việc quy định như trên là không phù hợp, vì cùng một nội dung quản lý nhà nước nhưng lại được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, gây phức tạp trong áp dụng pháp luật. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo Luật Quy hoạch.
Về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh, theo ông Thanh, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung quản lý, phân bổ tài nguyên đất đai đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh và được thể hiện bằng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện . Nội dung này đã được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch. Do đó, đề nghị bỏ quy định về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh tại dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh không phải là một loại quy hoạch, do vậy không thể quy định phương án này trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất như dự thảo Luật.
Uỷ ban Kinh tế đồng tình với các ý kiến trên và cho rằng việc lập thêm phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh là không cần thiết khi Luật Quy hoạch đã quy định việc lập quy hoạch tỉnh có tính chất đa ngành nhằm sắp xếp, phân bố không gian gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để khai thác nguồn lực hiệu quả nhất. Ngoài ra, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh cũng đã được cụ thể hóa bằng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại Phụ lục II Luật Quy hoạch.