Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa đổi luật để có thể đấu giá băng tần thu về hàng ngàn tỉ đồng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện nay băng tần 2.600 MHz đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để có thể đấu giá và thu về cho ngân sách nhà nước vài ngàn tỉ đồng. Song hoạt động đấu giá băng tần lần đầu tiên tại Việt Nam chưa được triển khai do còn vướng về thủ tục pháp lý. Đây là lý do mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Chính phủ trình Quốc hội xem xét để sớm thông qua.

Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Phiên họp thường vụ Quốc hội ngày 18-4-2022. Ảnh: Quốc hội

Lượng tần số mang ra kinh doanh chỉ 15%

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan. Nội dung của dựa án Luật tập trung vào các vấn đề, nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan…

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, thường trực Uỷ ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật như tờ trình của Chính phủ.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện ban hành từ năm 2009. Sau hơn 10 năm thực hiện, hệ thống pháp luật có nhiều thay đổi, yêu cầu phát triển đã đặt ra nhiều vấn đề mới nên Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật và đề nghị sửa đổi một số điều. Ông Hải đề nghị thường vụ quốc hội thảo luận nhiều nội dung của Luật sửa đổi.

Trong đó đối với phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhiều, ông Hải cho hay ý kiến đề nghị cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển ngay trong Luật trước khi giao Thủ tướng Chính phủ qui định. Đồng thời cần quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị chưa tiến hành đấu giá băng tần trong giai đoạn hiện nay vì dễ dẫn đến nhà mạng nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ trúng đấu giá, có thể ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, ông Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị thực hiện theo qui định của Luật Đấu giá. Nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị qui định thêm các qui định về đấu giá trong Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.

Về phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có báo cáo cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ; quyết định băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng được thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về đấu giá tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động. Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của Luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản cũng như các quy định về pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Cũng nói về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, luật hiện hành đang quy định ba phương thức là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

Việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính công khai minh bạch, xem có vướng mắc gì về các quy định pháp luật, hình thức đấu giá và thi tuyển cần phù hợp thực tế nên đề nghị các cơ quan cần có sự thảo luận thêm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh  bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.

Đưa ra nhận xét là các quy định về đấu giá chưa rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ.

Tuy hiên, hiện nay, có ý kiến chưa rõ tiêu chí băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ là thế nào nên đây sẽ chỉ là quyết định hành chính chứ chưa minh bạch, chưa biết Thủ tướng sẽ quyết định trên cơ sở nào... Do đó, ông Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn về nội dung này.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, băng tần đấu giá xong là tài sản của doanh nghiệp mà sau đó chuyển nhượng thì cần phân biệt là chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh hay do không sử dụng để tránh trục lợi, đầu cơ, cứ ôm về sau đó không sử dụng rồi đem bán lại. Do đó, trong dự án Luật cần quy định rõ chính sách tài chính nếu doanh nghiệp đầu cơ thì xử lý thế nào, đấu giá rồi không sử dụng thì cơ chế xử lý ra sao.

Làm rõ thêm ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay lượng tần số mang ra kinh doanh chỉ 15% và sắp tới cũng không tăng được nữa. Có 85% dùng cho chuyên dùng và thực tế 81% hiện nay chưa dùng, dành cho quốc phòng và an ninh mới dùng 4%.

Tuy nhiên, trong khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số đều quay về phục vụ quốc phòng an ninh vô điều kiện. Trong bất cứ tình huống nào thì tần số cũng ưu tiên cho quốc phòng an ninh cao nhất. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới.

Vì sao phải đấu giá băng tần?

Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục tần số Vô Tuyến điện cho biết, việc cấp phép tần số tại Việt Nam được chia làm hai giai đoạn. Trước khi có Luật Tần số vô tuyến điện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010) thì căn cứ vào năng lực, yêu cầu của nhà mạng để cấp phép.

Sau khi có luật thì việc cấp phép tần số được thực hiện theo luật. Luật Tần số vô tuyến điện quy định các băng tần có giá trị kinh tế cao và khả năng đáp ứng thấp hơn nhu cầu thì thi tuyển hoặc là đấu giá. Việc băng tần nào thực hiện đấu giá do Thủ tướng quy định.

“Tuy nhiên, từ sau khi luật này có hiệu lực, Việt Nam chưa cấp phép băng tần mới nào. Các băng tần đang được các nhà mạng sử dụng đều được cấp từ trước đó. Băng tần 2.100 Mhz các nhà mang dùng cung cấp dịch vụ 3G đã cấp thông qua hình thức thi tuyển từ năm 2008. Băng tần 2.600 Mhz thì đang chuẩn bị đưa ra cấp phép thông qua hình thức đấu giá”, ông Hoan nói.

Với băng tần chuẩn bị đấu giá trên, nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ 4G hoặc 5G. Trước đây, các nhà mạng đã kiến nghị Chính phủ sớm cho đấu giá băng tần 2.600 MHz này. Bởi họ cho biết đã không còn đủ băng tần để phát triển thêm thuê bao 4G. Các nhà mạng đang sử dụng những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G (1.800 MHz và 2.100 MHz) để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn.

Nhất là trong bối cảnh dịch vụ 5G đang được các nhà mạng triển khai thử nghiệm, thì khi cung cấp dịch vụ chính thức càng cần có bằng tần 2.600 Mhz để cung cấp dịch vụ.

Được biết, việc triển khai đấu giá băng tần 2.600 MHz gặp nhiều khó khăn do vướng về vấn đề pháp lý, chính sách. Trong quá trình triển khai đấu giá băng tần phải áp dụng Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công, nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định của các luật này.

Tại nhiều nước trên thế giới, việc đấu giá băng tần đã được triển khai. Theo ý kiến của các chuyên gia, khi tiến hành đấu giá băng tần 2.600 Mhz Việt Nam sẽ thu về 6.000-8.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà mạng sẽ đẩy mạnh đầu tư, kích cầu cho xã hội, tạo ra các dịch vụ mới để tăng doanh thu.

Như vậy, việc sớm đấu giá băng tần cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và việc đấu giá băng tần giúp ngân sách có thêm nguồn thu trong bối cảnh lo ngại ảnh hưởng vì dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của các nhà mạng và nâng cao chất lượng dịch vụ internet di động 4G, 5G tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới