Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống

TS. Vũ Kim Hạnh Dung - LS. Trần Quốc Đạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với sự thay đổi đáng kể của đời sống kinh tế - xã hội, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện đã trở nên lạc hậu và gây ra nhiều bức xúc cho các đối tượng phải đóng thuế, đặc biệt là người lao động làm công ăn lương. Do vậy, việc sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân bây giờ cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

Thuế nắm người… ít tóc

Thuế TNCN là sắc thuế đánh trên thu nhập phát sinh của cá nhân, bao gồm thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế, nhận quà tặng là tải sản phải đăng ký.

Trong số đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động theo hợp đồng lao động và của cán bộ, viên chức theo hợp đồng làm việc là khoản thu được kê khai và đóng thuế minh bạch và đầy đủ vì công việc này được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp với quy định chặt chẽ về kê khai, kiểm toán, xử phạt vi phạm… cũng như để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, các nguồn thu khác do các cá nhân tự kê khai trên cơ sở các minh chứng do họ cung cấp, nên khả năng thất thoát do gian lận về thuế có thể cao hơn. Hay nói cách khác, đứng dưới góc độ lý thuyết, có thể dự đoán được rằng thu nhập từ tiền lương của người lao động sẽ là khoản “dễ thu” và ít thất thoát thuế.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nguồn thu của các cá nhân từ những ngành nghề phi truyền thống ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, chẳng hạn nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, bán hàng online, quảng cáo từ các nền tảng chia sẻ, livestream… lại được hưởng một mức thuế suất thấp hơn nhiều - dao động trong khoảng 0,5-5% thu nhập, thấp hơn nhiều so với thuế suất của tiền lương, tiền công, nên đã gây ra nhiều tranh cãi.(1)

Như vậy có thể thấy, người lao động làm công ăn lương hiện tại đang chịu nhiều gánh nặng hơn các chủ thể phát sinh thu nhập khác trong mối quan hệ về thuế, trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất trong xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của họ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nói chung của xã hội.

Luật thuế hiện hành: nhiều điều vướng

Hiện nay, Luật Thuế TNCN duy trì cách tính thuế lũy tiến theo bảy mức với thuế suất từ 5% đến 35%, mười loại thu nhập chịu thuế và bốn hình thức giảm trừ. Cách quy định như hiện tại có nhiều điểm bất cập.

Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh - giảm trừ cho bản thân người đóng thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng - là thấp, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh đại dịch hiện tại, giá cả hàng hóa tăng cao và người lao động phải trang trải thêm nhiều chi phí. Đây là điểm chắc chắn cần phải thay đổi theo hướng nâng cao mức giảm trừ để giúp người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính.

Nhiều đề xuất về mức độ giảm trừ mới đã được đưa ra thảo luận, trong đó nhiều quan điểm cho rằng mức giảm trừ cần phải tăng lên theo tỷ lệ gia tăng của thu nhập bình quân, hoặc tỷ lệ tăng của tổng thu nhập quốc dân. Đồng thời, mức giảm trừ người phụ thuộc cũng cần nâng lên gần tương đương với người đóng thuế. Việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh là cơ sở quan trọng để người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ hai, số lượng các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế quá ít. Người lao động chỉ có bốn khoản giảm trừ là giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, giảm trừ đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng góp quỹ hưu trí. Điều này thực tế gây ra rất nhiều gánh nặng cho người lao động.

Không khó để nhận thấy rằng, tình hình kinh tế xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế TNCN đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự gia tăng về mặt bằng lương của người lao động do yếu tố trượt giá cũng như sự gia tăng quy mô của nền kinh tế, và từ đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của người dân thuộc tầng lớp trung lưu - thuộc nhóm dân số (hộ gia đình) chi tiêu ở mức 10-100 đô la/người/ngày theo OECD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 Việt Nam có 19,5 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm tỷ trọng 20,2% dân số và tiếp tục tăng theo thời gian(2). Nhóm đối tượng này có xu hướng lựa chọn giáo dục và y tế tư nhân (hoặc y tế dịch vụ nằm ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế), tham gia bảo hiểm tự nguyện... với chi phí lớn.

Đây vốn là xu hướng tất yếu của người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu này hiện nay không được tính khấu trừ.

Dưới góc độ so sánh với khoản chi tương tự của người lao động nước ngoài tại Việt Nam, có thể thấy sự không tương đồng trong việc khấu trừ thuế. Theo đó, “khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp” (3), trong khi đó, các khoản chi tương tự của người lao động Việt Nam không được khấu trừ.

Khi so sánh với pháp luật các nước, có thể nhận thấy các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore đều áp dụng quy định khấu trừ thu nhập tính thuế TNCN đối với chi tiêu cho giáo dục, y tế và bảo hiểm tự nguyện. Do đó, cần cân nhắc việc bổ sung các hạng mục khấu trừ trong thu nhập tính thuế để tránh triệt tiêu sức lao động của người nộp thuế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời khuyến khích chia sẻ chi phí với ngân sách nhà nước cho y tế, giáo dục, bảo hiểm của người lao động.

Thứ ba, Luật Thuế TNCN hiện nay tính thuế theo phương pháp lũy tiến theo cá nhân mà không cho lựa chọn tính theo phương pháp hộ gia đình. Cách quy định đánh đồng này có thể dẫn đến sự bất công trong tính thuế, từ đó gia tăng gánh nặng cho người nộp thuế.

Ví dụ cụ thể một người lao động trong hộ gia đình 01 người có thu nhập 100.000.000 sẽ đóng mức thuế là 20.000.000/tháng, trong khi hộ gia đình 02 người mỗi người thu nhập 50.000.000 (tổng thu nhập theo hộ vẫn là 100.000.000) sẽ chỉ đóng mức thuế 11.334.500 đồng. Như vậy dù thu nhập như nhau nhưng mức thuế đóng là khác nhau.

Mặt khác, trong trường hợp hộ gia đình chỉ có nguồn thu nhập từ một người đi làm, việc đánh thuế theo cá nhân thay vì hộ gia đình sẽ đặt thêm nhiều gánh nặng cho người nộp thuế. Điều này đang tạo nên nhiều bất công xã hội về y tế, giáo dục.

Trong khi ở các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản hiện nay áp dụng phương pháp cho phép người lao động được lựa chọn cách thức đóng thuế theo từng cá nhân hoặc hộ gia đình để bảo đảm tính công bằng trong tính thuế.

Cần sửa như thế nào?

Luật thuế TNCN cần sửa đổi theo hướng khoan thư sức dân, đồng thời công bằng hơn trong cách tính thuế để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, từ đó nâng cao sự thịnh vượng chung của xã hội.

Thứ nhất, đề xuất bổ sung chi tiêu dành cho y tế, giáo dục và bảo hiểm tự nguyện cho bản thân người đóng thuế và người phụ thuộc là khoản giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Thứ hai, cho phép người lao động lựa chọn cách tính thu nhập theo cá nhân hoặc theo hộ gia đình.

Thứ ba, thay đổi tỷ suất tính thuế theo hướng giảm mức thuế suất về mức tương đương thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực trạng hiện tại của nền kinh tế.

Đề xuất mức giảm trừ gia cảnh của bản thân người nộp thuế sẽ bằng ba lần mức chi phí tối thiểu của cá nhân theo số liệu thống kê hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ bằng hai phần ba mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế.

Đồng thời, đã đến lúc quy định về thuế cần thay đổi toàn diện để một mặt tạo động lực cho người lao động tiếp tục làm việc nâng cao thu nhập, tránh thất thu thuế ở những lĩnh vực kinh doanh mới trên những nền tảng công nghệ; mặt khác nghiên cứu xây dựng sắc thuế mới đối với các tài sản đặc thù như thuế bất động sản - vấn đề sẽ được tiếp tục bàn luận.

-----------

(*) -TS. Vũ Kim Hạnh Dung - Khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TPHCM.

- LS. Trần Quốc Đạt - Phó chủ tịch Ban Pháp chế và Thư ký, Ngân hàng United Overseas Bank Việt Nam.

(1)https://thanhnien.vn/lam-cong-an-luong-dong-thue-cao-nhat-post1066065.html

(2)https://zingnews.vn/tang-lop-trung-luu-va-tuong-lai-thinh-vuong-cua-viet-nam-post1272409.html

(3)Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành có liên quan đến chất lượng cuộc sống người dân, ví dụ như mức lương tối thiểu/ tiêu chí thu nhập hộ nghèo/ ngưỡng chịu thuế thu nhập… thì hầu như rất thấp, cho thấy tư duy định hướng mục tiêu nâng cao mức sống và chất lượng sống là rất xa vời. Khi đặt ra mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh thì không chỉ đòi hỏi phải viết lại gần như toàn bộ chính sách mà cần có quan điểm cởi mở, mức độ tương đồng, khuyến khích động lực phát triển, tương quan với các giá trị văn minh và tiêu chí thông lệ quốc tế phổ biến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới