Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sữa lạc đà, “vàng trắng” từ sa mạc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sữa lạc đà, “vàng trắng” từ sa mạc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Sữa lạc đà, dù khá đắt đỏ, nhưng đang có mức tăng trưởng doanh thu trên toàn cầu nhanh so với các loại sữa động vật khác và được dự báo đạt mức hơn 15 tỉ đô la vào năm 2022.

Sữa lạc đà có thể là tương lai của các trang trại sản xuất sữa ở châu Phi trong bối cảnh các vụ hạn hán xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Sữa lạc đà, “vàng trắng” từ sa mạc
Công nhân vắt sữa lạc đà ở một trang trại lạc đà sữa của  Camelicious ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: AP

Lạc đà được thuần hóa để lấy sữa lần đầu tiên vào năm 3000 trước Công nguyên và là mặt hàng thực phẩm chủ lực ở nhiều vùng ở Trung Đông và Bắc Phi. Giờ đây, sữa lạc đà được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Anh, sữa lạc đà đã xuất hiện trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị Asda. Trong khi đó, ở Hà lan một công ty cung cấp sữa lạc đà sẵn sàng giao sữa đến nhà của khách hàng. Kem sữa lạc đà cũng đã có mặt trên thực đơn ở những nhà hàng và quán bar sang trọng.

Một đầu bếp của một quán bar ở Washington DC (Mỹ) nói rằng mùi vị sữa lạc đà rất khác với sữa bò, giống như là sự kết hợp của mùi mật ong, hoa hồng và hạt dẻ cười.

Sữa lạc đà không có chứa lactose (đường sữa) vì vậy, những người mắc hội chứng không dung nạp lactose có thể sử dụng nó.

Ngay tại Trung Đông, “vào 20 năm trước, bạn không thể tìm thấy sữa lạc đà trên thị trường. Những người nuôi lạc đà sẽ uống sữa lạc đà hoặc đem cho chứ không bán vì nó được xem là món quà của thượng đế. Giờ đây, định kiến về việc bán sữa lạc đà đã thay đổi”, Bernard Faye, người tự nhận là “nhà lạc đà học” ở Pháp và có 40 năm nghiên cứu lạc đà, nói.

Sữa lạc đà đang đóng góp 3% của thị trường sữa toàn cầu trị giá 360 tỉ đô la mỗi năm. Công ty nghiên cứu thị trường Technavio dự báo doanh thu sữa lạc đà sẽ tăng trưởng 6,8% mỗi năm cho đến năm 2022, nhanh gần gấp đôi so với các sữa động vật khác. Theo Technavio, doanh thu sữa lạc đà trên thị trường toàn cầu sẽ đạt 15,05 tỉ đô la.

Tuy nhiên, quá trình sinh sản của lạc đà phức tạp hơn nhiều so với bò. Thời gian mang thai của lạc đà kéo dài đến 390 ngày. Việc thành lập một công ty sản xuất sữa lạc đà đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư. Quy trình nhân giống bò sữa đã được hoàn thiện trong hàng trăm năm qua, trong khi đó, lạc đà sữa là một khái niệm thương mại còn tương đối mới và giá mỗi con lạc đà sữa có thể lên đến hơn 5.000 euro.

“Sữa lạc đà là vàng trắng của sa mạc”, Tiến sĩ Ulrich Wernery, một chuyên gia thú y người Thụy Sĩ, nói. Ông Wernery đã hỗ trợ thành lập một trang trại nuôi lạc đà lấy sữa có tên gọi Camelicious ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Camelicious đang nuôi 6.000 con lạc đà và sản xuất sữa lạc đà dạng lỏng và bột. Trang trại này xuất khẩu sữa lạc đà đi khắp thế giới.

Ông Wernery cho biết lạc đà cái thường được nuôi ở Trung Đông để phục vụ các cuộc chạy đua lạc đà, chứ không phải để lấy sữa. Camelicious bán hầu hết các lạc đà đực nếu chúng chẳng may sinh ra, để lấy thịt hoặc phục vụ du lịch. Khi được bốn tuổi, lạc đà cái có thể bắt đầu cho sữa với thời gian sản xuất sữa lên đến hai năm sau khi sinh nở.

Ở Trung Đông và châu Âu, sữa lạc đà của Camelicious đang được bán với giá 13 đô la/lít. Tại Mỹ, thị trường sữa lạc đà tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhà phân phối Desert Farms đang bán lẻ sữa lạc đà với giá lên đến 35 đô la/ lít.

Desert Farms cho biết doanh thu của công ty tăng trưởng nhanh chóng nhờ ngày càng có nhiều người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe chọn mua các sản phẩm sữa thay thế cho sữa bò.

Walid Abdul-Wahab, người sáng lập Desert Farms, nói: “Rất nhiều người mua sản phẩm của chúng tôi là những bố mẹ trẻ”. Ông cho biết hoạt động bán hàng của Desert Farms chủ yếu tập trung ở các vùng bờ Đông và bờ Tây giàu có của nước Mỹ.

Tuy nhiên, công ty ông đang bị các cơ quan quản lý để mắt tới. Hồi tháng 9-2016, Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo Desert Farms về việc tung ra các thông điệp tiếp thị sai lệch cho rằng sữa lạc đà có tác dụng trong điều trị bệnh tự kỷ, đái tháo đường và lao phổi. FDA yêu cầu Desert Farms phải gỡ các thông tin đó khỏi trang web của công ty.

Trang trại nuôi lạc đà sữa của Camelicious ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ảnh: AP

Sữa lạc đà từ lâu được ca ngợi là có khả năng ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, cải thiện hệ miễn dịch, tăng tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch... Nhưng “Nhà lạc đà học” Bernard Faye lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu khoa học về lợi ích sức khỏe của sữa lạc đà mới chỉ thực hiện ở chuột.

Một số chuyên gia tin rằng sữa lạc đà có thể là hướng đi tương lai của các trang trại sản xuất sữa ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi khi các vụ hạn hán diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn khiến việc nuôi bò sữa không khả thi. Mặc dù chi phí mua một con lạc đà gấp bốn lần so với một con bò ở Kenya nhưng chúng vẫn được nhiều trang trại chọn nuôi thêm như là một biện pháp phòng ngừa rủi ro biến đổi khí hậu.

Bò sữa cần uống nước mỗi ngày và chỉ ăn cỏ. Trái lại, lạc đà có thể sống mà không cần uống nước trong bảy tháng và có thể tích trữ lượng mỡ lên đến 36kg trong bướu để vượt qua những thời kỳ không đủ thức ăn. Chúng vẫn có thể sản xuất sữa dù không được ăn cỏ khô trong ba tuần.

“Một số nông dân Kenya mất một lượng lớn bò sữa trong vụ hạn hán năm ngoái. Lạc đà có khẩu phần ăn đa dạng hơn và có thể sản xuất sữa dưới các điều kiện hạn chế về nguồn lực”, Patrick Freeman, nhà nghiên cứu ở Đại học Brown (Mỹ), nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới