Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa nghị định xuất khẩu gạo: minh bạch để điều hành đúng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc minh bạch lượng hàng tồn kho cũng như hợp đồng xuất khẩu được ký kết sẽ giúp nhà quản lý có quyết định chuẩn xác hơn trong điều hành xuất khẩu gạo ở từng thời điểm. Việc này cũng sẽ giúp doanh nghiệp không lỡ mất cơ hội làm ăn và đảm bảo an ninh lương thực.

Trong dự thảo nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo, đang được Bộ Công thương thực hiện để trình Chính, các yêu cầu về minh bạch thông tin được quy định rất chặt chẽ.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh.

Ưu tiên nắm thông tin “tồn kho - bán hàng”

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Nghị định 107) phiên bản mới nhất, đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc báo cáo, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo cũng như tồn kho, đơn hàng được ký kết...

Trong đó, khoản 2 điều 20 của Nghị định 107 sẽ được sửa đổi, bổ sung thành: “Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương trước ngày 5 hàng tháng theo định kỳ báo cáo: tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu gạo theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại lúa gạo, thị trường, khách hàng nhập khẩu, thương nhân xuất khẩu, cửa xuất khẩu, nhập khẩu, ngày thông quan hàng hoá, ngày hàng hoá lên tàu; số liệu về xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng”.

Dự thảo quy định xác định rõ thời gian Tổng cục Hải quan phải gửi báo cáo và quy định, cơ quan này cũng là nơi có trách nhiệm báo cáo tình hình nhập khẩu gạo, điều mà Nghị định 107 không yêu cầu.

Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, được quy định trong điều 24, dự thảo mới quy định: “Định kỳ thứ 5 hàng tuần báo cáo Bộ Công Thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến lúa gạo về lượng lúa gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành”.

Điều này có nghĩa, doanh nghiệp phải báo cáo thông tin thêm cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến lúa gạo; chứ không chỉ là những cơ quan đã được quy định trong Nghị định 107.

Cùng với đó, cũng như quy định cũ, quy định mới yêu cầu các thương nhân phải báo cáo Bộ Công Thương tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo trong kỳ báo cáo, định kỳ vào ngày 20 hàng tháng (khoản 2 điều 24 Nghị định 107).

Đồng thời, thương nhân cũng phải thực hiện các báo cáo định kỳ, theo quý, năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương cấp tỉnh nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo hoặc xây dựng vùng nguyên liệu (khoản 4 điều 24).

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc “siết chặt” hơn các quy định về báo cáo tình hình xuất khẩu, tồn kho từ doanh nghiệp và Tổng cục Hải quan thì việc sử dụng số liệu từ hai phía để kiểm tra chéo sẽ giúp cơ quan quản lý có số liệu chính xác hơn về thị trường lúa gạo. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ điều hành đúng và kịp thời điểm hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc điều hành xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Tránh mất cơ hội xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực

Nhìn lại quá trình điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam, không ít người vẫn nhớ sự kiện tạm dừng xuất khẩu gạo kể từ 0 giờ ngày 24-3-2020. Quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo vào thời điểm đó là để đảm bao an ninh lương thực trước bối cảnh lo ngại tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, Chính phủ lại cho phép nối lại việc xuất khẩu, sau khi lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, nhiều bộ, ngành khác và các địa phương sản xuất lương thực trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lý giải về việc chỉ một thời gian ngắn đã có hai quyết định trái ngược được đưa ra, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương lúc bấy giờ, cho biết do có độ vênh về số liệu. Ở thời điểm đó, sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Nghị định 107 ban hành để thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo), cơ quan này không còn nắm thông tin về lượng gạo sản xuất cũng như hợp đồng xuất khẩu đã ký.

Vì không nắm chính xác số liệu nên đã dẫn đến việc, vừa mới yêu cầu tạm dừng xuất khẩu thì lại cho phép trở lại, vô tình đánh mất cơ hội bán gạo giá cao của không ít doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn khi hàng hóa đã đưa ra cảng nhưng buộc phải nằm lại.

Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, việc báo cáo tồn kho và xuất khẩu là việc thương nhân và cơ quan quản lý nhà nước phải làm chặt chẽ từ lâu. Lý do là vì gạo là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện cơ quan quản lý cần thông tin rõ ràng, toàn diện để đưa ra các quyết sách giúp bảo vệ lợi ích của người nông dân và an ninh lương thực quốc gia.

“Bộ Công Thương nắm chắc số liệu báo cáo sẽ giúp điều hành xuất khẩu gạo phù hợp hơn”, ông nói.

Theo ông Bình, cùng với Bộ Công Thương - cơ quan quản lý thương mại hàng thì việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nơi quản lý sản xuất cùng liên kết để điều hành sẽ tạo thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu gạo.

Về vấn đề có khó hay không khi doanh nghiệp phải báo cáo tình trạng tồn kho, xuất khẩu nhiều hơn theo dự thảo nghị định mới, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, đây không phải là vấn đề khó. Bản thân các doanh nghiệp vẫn thực hiện các báo cáo này hàng ngày. Việc thực hiện trên quy mô rộng ơn là rất cần thiết vì không chỉ tạo điều kiện tốt cho điều hành xuất khẩu gạo mà còn giúp đảm bảo an ninh lương thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới