Sữa “nhiễm độc” - Một cảnh báo khác ngoài melamine?
Sữa Trung Quốc nhiễm melamine đối với người dân Việt Nam nhất là đối với người có con nhỏ trong những ngày qua thật sự là một nỗi lo ngại, sợ hãi. Một loạt các mẫu sữa và sản phẩm có sữa đã được xét nghiệm để phát hiện melamine. Thế nhưng có một câu hỏi từ một góc nhìn khác được đặt ra: melamine được trộn vào sữa để tăng độ đạm của sữa, vậy thì có chất nào khác có tính năng tương tự có thể đang hoặc sẽ được sử dụng hay không?
Một câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này là tương đối khó vì cần phải có những tìm hiểu cẩn trọng cả về khía cạnh hóa học, độc học, sinh học lẫn khía cạnh thị truờng hóa chất. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này thì một số điểm liên quan đến câu hỏi trên có thể được đề cập là:
Để một chất có thể được sử dụng trộn vào sữa như melamine thì chúng nhất thiết phải có đủ các đặc điểm, tính chất sau :
- Về phương diện tính chất vật lý: chúng phải có màu trắng, hòa tan được trong nước (với melamine độ tan là 3,1 gam/lít ở 20oC), mùi vị tương thích với sữa;
- Về phương diện hóa học: chúng phải có chứa nitơ trong phân tử (để tăng độ đạm của sữa khi kiểm nghiệm);
- Về phương diện độc học: chúng không được có độc tính cao để có thể gây nguy hại cấp tính đến sức khỏe con người. Ví dụ như melamine: độc tính không cao, thậm chí không độc với liều lượng thấp. Theo các Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA: Food and Drug Administration) Hoa Kỳ, nồng độ melamine dung nạp hằng ngày có thể chấp nhận được (TDI: Tolerance Daily Intake) là 0,63 mg/kg cân nặng;
- Về phương diện kinh tế: chúng phải tương đối rẻ và dễ tiếp cận trên thị trường hóa chất.
Với các đặc điểm vừa nêu trên, ngoài melamine, phải chăng đã đến lúc nên đưa ra một lời cảnh báo: một (hoặc một vài) hóa chất khác cũng có thể đang hoặc sẽ được sử dụng với mục đích tương tự? Trong số này, một “đối tượng” có lẽ phải được chú ý đặc biệt là acid cyanuric.
Acid cyanuric (C3H6N6) là chất tổng hợp, dùng nhiều trong công nghiệp, có nhiều tên gọi khác nhau, có màu trắng, không mùi, được sử dụng trong một số ngành công nghiệp như làm dẫn chất trong ngành nhuộm. Đặc biệt, nó được sử dụng trong chăn nuôi với liều lượng nhất định như là một nguồn bổ sung nitơ không phải là đạm NPN (Non-Protein Nitrogen) cho gia súc (như melamine).
Độc tính của acid cyanuric so với melamine cũng thấp hơn nhiều (trên chuột: LD50 = 7.700 mg so với Melamine: LD50= 3248 mg/kg; LD50 là liều lượng gây chết 50% - Lethal Dose 50%).
Acid cyanuric rẻ hơn melamine nhiều, đó là lý do có thể có sự hiện diện cả hai trong thực phẩm dẫn tới gây độc.
Acid cyanuric khi đi đôi với melamine sẽ vô cùng độc hại, nó sẽ kết hợp với melamine làm thành một hợp chất phức không tan dạng tinh thể (do đó gây sạn thận: kidney stones) có độc tính cao hơn từng chất riêng lẻ rất nhiều lần.
FDA giải thích rằng khi melamine và acid cyanuric hấp thụ vào trong máu, chúng tập trung và tương tác với những vi cấu trúc ống thận, rồi kết tinh và hình thành những tinh thể tròn, vàng, và đến lượt mình chúng làm thương tổn tế bào thận và các đường dẫn, dẫn đến giảm chức năng thận.
Với hàng chục ngàn bệnh nhi đồng loạt có triệu chứng sạn thận hiện nay ở Trung Quốc, có chăng cả hai loại hóa chất trên đều đồng thời hiện diện (một cách không cố ý, như cơ sở A trộn melamine, cơ sở B trộn acid cyanuric rồi cơ sở C thu mua và đổ chung chúng vào với nhau) trong một số sữa và sản phẩm sữa Trung Quốc?
Có thể chính sự hiện diện đồng thời của cả hai chất này mới có khả năng gây ra sự cố sạn thận, suy thận hàng loạt và cấp tính trên một số lượng bệnh nhân nhi như vậy.
Với nghi vấn này thì việc kiểm nghiệm tiếp theo đối với sữa và các sản phẩm có sữa để phát hiện acid cyanuric có lẽ cũng đã đến lúc được đặt ra cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam?
Tài Liệu Tham Khảo
1. Merck Index, 12th Edition.
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Melamine.
3. http://h199.vnweblogs.com/gallery/2694/125315-%C4%90%E1%BB%99c%20t%C3%ADnh%20Melamine.doc
4. HPLC Determination of Melamine, Ammeline, Ammelide, and Cyanuric Acid Contamination in Wheat Gluten and Rice Protein Concentrate FDA (25 April 2007).
5. Lili He, Yang Liu, Mengshi Lin, et al., (2008). “A new approach to measure melamine, cyanuric acid, and melamine cyanurate using surface enhanced Raman spectroscopy coupled with gold nanosubstrates”. Sens. & Inst. Food Quali. 2.
NGUYỄN VĂN TRUNG (M. E.; M. Sc.), giảng viên SaigonTech