Chủ Nhật, 7/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sửa Thông tư 06/2023 theo hướng ngưng hiệu lực các quy định gây khó doanh nghiệp

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, rà soát sửa đổi các quy định tại Thông tư số 06/2023 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: H.P

TTXVN đưa tin, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9) theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thành trong ngày 25-8.

Đó là một trong những nội dung của văn bản số 756/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 23-8 về việc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét thu hồi lại thông tư này để tạo điểu kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bất động sản phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng các quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư 06 đã bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng; trong đó có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa sát thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, Thông tư 06/2023 khiến việc mua bán và sáp nhập (M&A) khó khăn hơn, trong khi đây là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cho cả thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn có thể bán bớt một phần tài sản để cứu phần tài sản còn lại để các dự án có cơ hội tái khởi động.

Trước các kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh ở một số điểm.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06/2023, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tín dụng, về nguyên tắc phải vận hành trong khuôn khổ hành lang pháp lý: Có mục đích/ Có hiệu quả/ Có khả năng thu hồi nợ. Còn vấn đề tác nghiệp cụ thể là do từng ngân hàng thương mại xử lý, phụ thuộc vào nguồn lực sẵn sàng/ tín hiệu thị trường/ nhu cầu của khách hàng. Sẽ tự làm khó mình, một khi lẫn lộn câu chuyện vĩ mô và vi mô, giữa hành lang pháp lý và tiểu tiết nghiệp vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới