Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức cạnh tranh là thách thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức cạnh tranh là thách thức

Đàm Bích Thủy (*)

(TBKTSG) – Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này không giống cuộc khủng hoảng cuối những năm 1990, khi đó Mỹ và châu Âu trên đà thịnh vượng. Lần này, các đối tác chính của châu Á trên đà suy thoái và đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng châu Á có thể thoát ra khỏi khủng hoảng và quay trở lại mức tăng trưởng như cũ.

Khủng hoảng không thể chấm dứt nếu châu Á chỉ tập trung giải quyết trong nội bộ và cứ để châu Âu và Mỹ tự tìm lời giải trong vòng 2-3 năm tới.

Tuy nhiên, châu Á có thuận lợi là nguồn tiết kiệm cơ bản lớn hơn so với châu Âu và Mỹ và chính vì vậy nguồn tiền còn tương đối dồi dào. Bên cạnh đó, một số nước châu Á còn có thị trường nội địa tương đối lớn như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Nếu thị trường nội địa vẫn phát triển thì sự tăng trưởng của các quốc gia đó sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Đúng là Việt Nam trong thời gian qua chưa bị ảnh hưởng nhiều từ suy thoái ở Mỹ vì chúng ta chưa có những hoạt động liên quan đến những “tài sản độc hại” bên Mỹ nhưng không có nghĩa khủng hoảng tài chính không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tôi nghĩ bây giờ không còn là thời buổi ai đó cố gắng ép một quốc gia phải đi theo hướng này hay hướng kia mà mỗi quốc gia phải có chính kiến. Song, nếu tình cờ mình bị bỏ rơi khỏi cuộc chơi chung thì cũng đáng buồn và nếu cố tình ra khỏi cuộc chơi thì còn buồn hơn. Chính phủ và các doanh nghiệp, tôi tin, đều không muốn bị bỏ rơi như vậy.

Đã đến thời điểm không thể có một quốc gia hoạt động theo kiểu “tôi không cần đến ai cả và chỉ đóng cửa một mình”. Chúng ta cần phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (supply chain). Tất cả các quốc gia cần tìm vị thế của mình trong đó. Ví dụ, về lĩnh vực công nghệ cao ta phải dựa vào châu Âu và Mỹ, về đào tạo cần những quốc gia có trình độ đào tạo xuất sắc như Ấn Độ. Trung Quốc giỏi về sản xuất hàng hóa cạnh tranh, về tài nguyên là các quốc gia như Indonesia, Úc và Việt Nam. Anh sẽ có vị thế khác nếu anh gia nhập chuỗi cung ứng thay vì chỉ một mình tác chiến.

Khủng hoảng là một thử thách lớn nhưng nếu quốc gia nào thoát ra được và trở nên mạnh hơn thì thường duy trì được sức mạnh trong thời gian rất dài. Các nước hiện đang tranh thủ củng cố lại các doanh nghiệp, nền kinh tế và đưa ra nhiều ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài. Họ làm như vậy để không những thoát khỏi khủng hoảng mà còn để tạo đà, tạo thế mạnh sau khủng hoảng. Nếu sau cuộc khủng hoảng ta có cơ chế để phục vụ cho sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn so với trước khủng hoảng thì ta thắng. Còn nếu không, ta sẽ có thể thua các quốc gia có khả năng tận dụng cơ hội tốt hơn.

Theo tôi, con đường vận hành nền kinh tế trong thời gian sắp tới phải hướng vào việc củng cố hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống pháp lý để gây dựng niềm tin trong cộng đồng kinh doanh.

Sau khủng hoảng, không chỉ có Việt Nam đứng ra thu hút các nguồn tiền từ châu Á, châu Âu và Mỹ. Ai có vị thế cạnh tranh lớn nhất sẽ thắng. Đối với Việt Nam, bây giờ, điều quan trọng là làm thế nào duy trì tăng trưởng dương nhưng không nhất thiết phải quá cao mà nên nhắm đến mục tiêu đạt vị thế cạnh tranh cao hơn nhiều so với trước khủng hoảng.

Đây cũng là thời điểm cơ hội để tăng tốc đầu tư vào hạ tầng, vì vốn và mọi thứ đều rẻ, kết quả sẽ thấy ngay. Về nhân lực, nếu chúng ta biết dùng giai đoạn này để đào tạo những kỹ năng mới cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sau khủng hoảng. Tương tự, nếu chúng ta muốn cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thì đây là thời điểm vàng vì bản thân các doanh nghiệp sẽ không phải chịu một sức ép nào.

Riêng với hệ thống tài chính, nhược điểm lâu nay vẫn là yếu và thiếu sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Vấn đề đó càng bộc lộ rõ hơn khi điều kiện chung không thuận lợi. Nên xây dựng ý thức và động lực để các doanh nghiệp thấy cần phải nâng cao việc quản trị và tính minh bạch, đặc biệt là sự minh bạch trong hệ thống tài chính. Sự thiếu minh bạch sẽ cản trở các luồng tiền vào Việt Nam và sự đi lên của nền kinh tế.

Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn làm thế, song nếu điều kiện chung khiến họ thấy minh bạch không những không có lợi mà còn bị thiệt thì tình hình chưa thể thay đổi. Với tư cách một doanh nghiệp, chúng tôi rất mong chờ những quy định của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp đi theo con đường như vậy.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tạo ra một môi trường tương đối giống như “biển lớn”, chứ không phải “ao nhà”, để doanh nhân Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực.

(HỒNG PHÚC ghi)

(*) Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới