Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sức cầu TPHCM 8 tháng đầu năm vẫn phục hồi chậm chạp

D. Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 8 của Cục Thống kê TPHCM, diễn biến kinh tế trong tháng 8 nói riêng và 8 tháng đầu năm 2024 nói chung cho thấy kinh tế thành phố vẫn đang phục hồi, tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm.

TPHCM tiếp tục phục hồi nhưng vẫn ở dưới mức tiềm năng. Ảnh: Ngọc Nguyễn

Tính chung 8 tháng 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,4% so với cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến chế tạo tăng 9,7%, chỉ số tồn kho giảm 10% và chỉ số lao động toàn ngành công nghiệp còn giảm 3,8%.

Lĩnh vực công nghiệp được đánh giá còn nhiều khó khăn khi còn 8/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm; chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp nhưng tăng thấp hơn toàn ngành; lao động vẫn còn giảm 3,8%. Mặc dù có nhiều đơn hàng hơn nhưng khi phí đầu vào tăng nhanh khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành bị co hẹp.

Trong khi đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn duy trì dưới mức tiềm năng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính bình quân từ năm 2019 đến nay chỉ tăng 5,2%/năm và doanh thu sau khi trừ chỉ số giá tăng không đáng kể.

Xuất khẩu tăng chậm, ngược lại nhập khẩu tăng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,8% so với cùng kỳ; còn nhập khẩu đạt 38,7 tỉ, tăng 8,3%.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Tính đến hết ngày 23-8, thành phố đã giải ngân 13.924 tỉ đồng, đạt 17,6% so với kế hoạch năm 2024 (cùng kỳ đạt 28,4%), tương ứng giảm 30,4% so với cùng kỳ. Để năm 2024 đạt mục tiêu giải ngân 93,8% thì bình quân 1 tháng giải ngân 19,1% (tương đương 8 tháng đầu năm cộng lại, mỗi tháng giải ngân 15.100 tỉ đồng).

Dư nợ tín dụng cuối tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Từ tháng 6 đến nay tình hình tín dụng có mức tăng trưởng chậm lại. 'Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ", báo cáo đánh giá.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy nhiều điểm sáng. Chẳng hạn như chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng 6,2%, là mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay và gần bằng mức tăng cùng kỳ trước đại dịch Covid-19.

Hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm, với bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,23%, thấp hơn CPI cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,45%). Dự báo CPI cả năm sẽ dưới mức 4%, qua đó giảm áp lực lên lạm phát, doanh nghiệp vay nợ và nhập khẩu.

Ngoài ra, Cục thống kê cũng đánh giá doanh thu bán buôn, phản ánh sự phục hồi của khu vực sản xuất vẫn duy trì mức tăng 6% so với cùng kỳ vẫn là khiêm tốn. Tuy nhiên, điểm tích cực là doanh thu bán lẻ trong tháng bảy âm lịch vẫn duy trì mức tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 6,8%), nhờ các chương trình kích cầu của thành phố đang triển khai, dù quy mô bán lẻ chỉ bằng 96% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong ấn phẩm Báo cáo thường niên Kinh tế TPHCM của Đại học UEH phát hành cuối tháng 7 vừa qua, nhóm nghiên cứu đánh giá tăng trưởng GRDP trong 2 quí đầu năm của TPHCM vẫn đang phục hồi tiệm tiến về mức xu hướng tiềm năng. Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM vẫn đang tiếp tục đà hồi phục ổn định nhưng vẫn ở dưới mức sản xuất tiềm năng.

Kinh tế thành phố trong nửa đầu năm phục hồi, với động lực chủ yếu đến từ tiêu dùng, tiếp đến là xuất khẩu. Trong đó tiêu dùng trên địa bàn TPHCM có xu hướng tăng trưởng nhỉnh hơn cả nước, còn xuất khẩu lại tăng trưởng tương đối thấp hơn cả nước. Ngược lại, nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, TPHCM cần quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu trong 6 tháng cuối năm 2024, đặc biệt là các chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công”, báo cáo của UEH đánh giá.

Trong báo cáo đánh giá chung, báo cáo Điểm lại tháng 8 của World Bank công bố gần đây, đã nâng dự báo tăng tưởng lên 6,1% trong năm 2024, với kịch bản giả định xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.

Còn rủi ro chính là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến. Các yếu tố rủi ro trong nước là niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, chất lượng tài sản ngân hàng tiếp tục yếu đi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới