(KTSG) - Mỹ vừa đạt được thỏa thuận quan trọng với Hà Lan và Nhật Bản trong việc hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận các loại thiết bị sản xuất bán dẫn tiên tiến.
- Bùng nổ IPO trong ngành bán dẫn Trung Quốc giữa sức nóng cuộc đua chip
- TPHCM xác định điểm nhấn trong phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn
Siết chặt hơn
Thỏa thuận đạt được sau các cuộc gặp cấp cao ba bên tại Washington D.C hồi tuần trước, sẽ giúp mở rộng phạm vi áp đặt các biện pháp hạn chế sâu rộng mà chính quyền Tổng thống Joe Biden từng đơn phương ban hành hồi tháng 10 năm ngoái liên quan đến các loại công nghệ bán dẫn có thể được chia sẻ với Trung Quốc.
Cả ba quốc gia tham gia thỏa thuận đều là nơi đặt trụ sở của các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 10-2022, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn và máy móc sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Washington lập luận rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng các công nghệ này cho mục đích quân sự, như phá các mật mã của Mỹ hoặc dẫn đường cho tên lửa siêu thanh.
Các quy định của Chính phủ Mỹ không chỉ nhằm vào các doanh nghiệp nước này, mà còn ảnh hưởng tới cả các công ty ở bên ngoài nước Mỹ.
Không dừng lại ở chất bán dẫn, giờ đây, Nhà Trắng đã tiếp tục thuyết phục các đồng minh thông qua các biện pháp hạn chế bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của các công ty như ASML (Hà Lan) hay Tokyo Electron (Nhật Bản) cho Trung Quốc.
Chính phủ Hà Lan đã cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất của nước này - hệ thống in thạch bản tia siêu cực tím (EUV), cho Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ đã kêu gọi Hà Lan áp dụng lệnh cấm đối với cả một hệ thống kém tiên tiến hơn - hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV). Các nguồn tin thân cận cho biết, thỏa thuận vừa đạt được hôm thứ Sáu tuần trước cũng bao gồm một số hạn chế đối với loại thiết bị này.
Các nỗ lực của Mỹ cũng nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh châu Âu. Hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ ít giờ trước khi xuất hiện các thông tin về thỏa thuận, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cũng lên tiếng khẳng định Mỹ sẽ có được cam kết đầy đủ của khối trong các nỗ lực hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Ảnh hưởng tới các công ty bán dẫn phương Tây
Tuy nhiên, từ việc đạt được thỏa thuận cho tới triển khai trên thực tế được dự báo sẽ là một quá trình không hề đơn giản. Các chính phủ Nhật Bản và Hà Lan sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về việc, liệu họ có thẩm quyền pháp lý để ban hành các biện pháp hạn chế như Mỹ hay không.
Theo Bloomberg, quá trình pháp lý này có thể kéo dài vài tháng. Các cuộc thảo luận mở rộng mang tính kỹ thuật về việc cần hạn chế những công nghệ nào, cũng được dự báo sẽ tiêu tốn nhiều thời gian.
Thỏa thuận được dự báo sẽ đặt ngành công nghệ ở các quốc gia vào một vị thế bình đẳng hơn, ngăn cản các công ty Nhật Bản và Hà Lan đổ xô vào giành thị phần Trung Quốc, nơi các công ty Mỹ phải rời đi do các quy định của chính phủ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng, tình trạng bất bình đẳng này có thể khiến họ gặp nhiều bất lợi.
Giống như người Mỹ, các công ty Hà Lan và Nhật Bản cũng lo ngại việc rút khỏi thị trường Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thế chỗ họ.
ASML là công ty quan trọng nhất của Hà Lan bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế mới. Đây là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất các máy in thạch bản cực tím - thiết bị quan trọng đối với việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink trước đây từng chia sẻ với CNBC rằng, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% doanh số bán hàng của công ty trong năm 2022. Những lo ngại về triển vọng kinh doanh của công ty đã khiến giá cổ phiếu ASML giảm 2,41% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Về phía Nhật Bản, các biện pháp hạn chế dự kiến sẽ ảnh hưởng đến Nikon và đặc biệt là Tokyo Electron - công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip với khoảng một phần tư doanh số đến từ thị trường Trung Quốc.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu của Nikon đã giảm 0,67% trong khi Tokyo Electron ghi nhận mức giảm 0,13% do sự lo ngại của giới đầu tư.
Tác động đến ngành bán dẫn Trung Quốc
Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu không tiếp cận được sản phẩm của những công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA, hay của các doanh nghiệp của Hà Lan, Nhật Bản, các công ty Trung Quốc sẽ gần như không thể xây dựng các dây chuyền có khả năng sản xuất chip tiên tiến.
Ngay sau khi các thông tin về thỏa thuận được Bloomberg công bố, cổ phiếu của ngành công nghiệp Trung Quốc đã giảm mạnh, trong đó SMIC mất 2,1% và Hua Hong Semiconductor mất 1,5%.
“Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang leo thang và có thể làm suy yếu tâm lý của nhà đầu tư với đồng nhân dân tệ trong thời gian tới”, Fiona Lim, chiến lược gia ngoại hối tại Malayan Banking Berhard ở Singapore, cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc lại tin tưởng, những động thái mới nhất của phương Tây sẽ không gây ra tác động lớn trong dài hạn đối với ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, vốn đã đứng vững trong nhiều năm trước sức ép từ Mỹ.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, nhà phân tích viễn thông kỳ cựu Ma Jihua cho biết, doanh thu khổng lồ từ thị trường Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia như Hà Lan và Nhật Bản, cũng như các công ty của họ, khó có thể tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như mong muốn của Mỹ.
Dẫu vậy, các chuyên gia Trung Quốc cũng thừa nhận một thực tế là Mỹ hiện đang thúc đẩy quá trình “tách rời công nghệ” với Trung Quốc ở tốc độ nhanh hơn dự đoán của nhiều người.
Xiang Ligang, Tổng giám đốc Liên minh Tiêu thụ Thông tin có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu rằng Trung Quốc sẽ không mất nhiều năm để phát triển các công cụ in thạch bản cực tím một cách độc lập.
Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink cũng nhận định, bất kỳ hạn chế nào cũng khó có thể ngăn cản Trung Quốc xây dựng các phiên bản máy móc của riêng mình. Chia sẻ với Bloomberg, ông cho biết “Nếu Trung Quốc không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng. Điều này sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng họ sẽ làm được”.
Nguồn: The Verge, New York Times, SCMP, Global Times, Reuters, Bloomberg