Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sức khỏe tài chính của người tiêu dùng Mỹ bắt đầu yếu đi

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh doanh, khi niềm tin của người tiêu dùng bất ngờ giảm sâu và hoạt động chi tiêu tiêu dùng có xu hướng trở nên thận trọng hơn.

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm sâu

Các báo cáo tài chính hàng quí tốt hơn dự kiến của các doanh nghiệp là nguyên nhân chính thúc đẩy chứng khoán Mỹ khởi sắc trong tuần qua, trong đó, chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, giới đầu tư Phố Wall lại đang theo dõi sát sao một yếu tố kinh tế đáng lo ngại khác: chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm sâu.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh 12,7% từ mức 77,2 trong tháng 4 xuống còn 67,4 trong tháng 5 - mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong ba năm qua của chỉ số này, và kém xa mức dự báo 76 mà các chuyên gia đưa ra trước đó.

Những lo ngại về lạm phát gia tăng trong ngắn hạn và sức khỏe của thị trường lao động là những yếu tố làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng Mỹ. Người tiêu dùng dự báo lạm phát sẽ đạt tốc độ tăng hàng năm là 3,5% trong năm nay. Kết quả này cao hơn so với mức 3,2% trong tháng 4 và là mức cao nhất trong sáu tháng qua. Tốc độ tăng lạm phát hàng năm trong vòng 5-10 năm tới cũng được dự báo đạt 3,1% - cao hơn so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Sự suy giảm niềm tin đã lan rộng khắp các nhóm tuổi, thu nhập và trình độ học vấn, đồng thời cũng phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về việc lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao. Các dữ liệu gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại trong quí 1-2024.

Bên cạnh đó, thị trường lao động từng khá vững vàng trong suốt những năm qua, cũng đang ghi nhận những tín hiệu suy yếu, ảnh hưởng đến triển vọng thu nhập. Trong tháng 4, số lượng nhân viên được các doanh nghiệp tuyển dụng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua.

“Sức mạnh từ thu nhập hộ gia đình là nguồn hỗ trợ chính cho chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ trong vài năm qua, do đó, những lo ngại về sự suy yếu của thị trường lao động có thể dẫn đến sự sụt giảm trong mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng”, Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát của Đại học Michigan, cho biết trong một tuyên bố.

“Tệ hơn nữa, người tiêu dùng cho rằng nỗi đau sẽ tiếp tục kéo dài vì kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã giảm đáng kể trong tháng này”, bà Hsu nói. “Chỉ 25% người tiêu dùng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong năm nay, thấp hơn so với mức 32% trong tháng 4”.

Mức độ ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng

Nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý rằng các cuộc khảo sát niềm tin của người tiêu dùng không phải lúc nào cũng là hướng dẫn đáng tin cậy, phản ánh đúng mức chi tiêu hiện tại.

Trên thực tế, trong ba tháng đầu năm nay, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn ở mức cao ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại. Phần lớn sự bền bỉ này có được là bởi những người Mỹ có mức thu nhập cao hơn vẫn tiếp tục chi tiêu, trong bối cảnh khối tài sản từ bất động sản và cổ phiếu của họ gia tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp lịch sử 3,9%, đã buộc nhiều công ty phải trả lương cao hơn để tìm và giữ chân người lao động. Điều này giúp cho nhiều người tiêu dùng vẫn duy trì được sức chi tiêu mạnh mẽ.

“Các số liệu về niềm tin không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế và chúng tôi nghĩ rằng nền tảng cơ bản vẫn đủ mạnh để giữ chân người tiêu dùng chi tiêu”, Oren Klachkin, nhà kinh tế tại Nationwide Financial, cho biết. “Thu nhập tăng mang lại sự bù đắp lành mạnh và sẽ ngăn chặn một cách bền vững tình trạng chi tiêu tiêu dùng bị cắt giảm”.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Michael Pearce, chuyên gia về kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, đánh giá “niềm tin người tiêu dùng vốn không ổn định theo từng tháng, và không phải là động lực quá quan trọng đối với chi tiêu tiêu dùng trong những năm gần đây”.

“Thay vào đó, khả năng phục hồi của chi tiêu tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào tình trạng lành mạnh của bảng cân đối tài chính hộ gia đình và thị trường lao động mạnh mẽ. Chỉ khi thị trường lao động bắt đầu chững lại, chúng ta mới có thể thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự yếu kém của nền kinh tế”.

Tuy vậy, theo ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, sự không chắc chắn về lạm phát vẫn có thể ảnh hưởng đến mức chi tiêu tiêu dùng, vốn là yếu tố đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, và chiếm tới hai phần ba GDP. Tâm lý bi quan hơn về nền kinh tế cũng sẽ đè nặng lên nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

Báo cáo doanh số bán lẻ gần đây nhất cho thấy, mặc dù người tiêu dùng Mỹ vẫn thể hiện sức chi tiêu đáng ngạc nhiên, doanh số một số loại hàng hóa nhạy cảm với lãi suất, bao gồm ô tô và đồ nội thất đã có phần chững lại.

Ông Roach cho biết: “Hầu hết người tiêu dùng đã từ bỏ các kế hoạch mua sắm lớn. Phần lớn mọi người tin rằng đây là thời điểm không phù hợp để mua xe hoặc nhà. Những thay đổi trong kế hoạch mua sắm này có thể có tác động dây chuyền đến các hạng mục chi tiêu khác”.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng về sức khỏe tài chính người tiêu dùng

Không chỉ giới chuyên gia, các doanh nghiệp cũng đang đưa ra những tín hiệu khác nhau về tình hình sức khỏe tài chính của người tiêu dùng Mỹ.

Trong các báo cáo tài chính hàng quí mới công bố, hàng chục giám đốc điều hành của các doanh nghiệp đã viện dẫn việc chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại để giải thích vì sao doanh số bán hàng lại sụt giảm, hoặc triển vọng lợi nhuận sẽ suy yếu trong thời gian tới. Trong đó, có thể kể đến các thương hiệu đại chúng như McDonald’s, KFC hay Starbucks.

Các số liệu mới công bố cho thấy, tổng doanh số của McDonald’s trong quí 1 đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Gã khổng lồ thức ăn nhanh có trụ sở tại Chicago cho biết những khách hàng mệt mỏi vì lạm phát đang ít đi ăn ngoài hơn. Theo Giám đốc điều hành McDonald’s Chris Kempczinski, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh khi “người tiêu dùng đang thận trọng hơn với mỗi đô la họ chi tiêu”.

McDonald’s không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn như vậy. Các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn về giá, chẳng hạn như hàng không và khách sạn, cho biết khách hàng vẫn đặt vé máy bay, phòng khách sạn và đặt bàn tại các nhà hàng đắt tiền.

Theo New York Times, đang có sự khác biệt lớn giữa nhóm người tiêu dùng có mức thu nhập cao và thu nhập thấp hơn. Với nhóm đầu tiên, mọi thứ vẫn ổn, bởi họ thường có ít hoặc không có các khoản nợ thế chấp, khoản vay mua ô tô hay nợ sinh viên. Tài khoản hưu trí gắn liền với thị trường chứng khoán của họ đã tích lũy được những khoản lợi nhuận lớn, đủ để tài trợ cho các kỳ nghỉ hoặc khoản chi tiêu khác.

Trong khi đó, những người có mức thu nhập thấp hơn, ít giàu có hơn, lại đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Theo Hamza Abdelrahman và Luiz Edgard Oliveira, các nhà kinh tế tại Fed chi nhánh San Francisco, các ước tính gần đây nhất về khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch trong nền kinh tế Mỹ đã chuyển sang tiêu cực. “Các hộ gia đình Mỹ có thể đã tiêu hết tiền tiết kiệm thời đại dịch kể từ tháng 3-2024”, các chuyên gia viết trong một báo cáo gần đây.

Điều đáng báo động là các khoản nợ cũng đang dần được tích lũy. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết hồi tháng trước rằng mặc dù mức nợ tiêu dùng vẫn chưa “đặc biệt” cao, nhưng Fed đang cảm thấy lo ngại về tỷ lệ người tiêu dùng không thanh toán đúng hạn hoặc chậm thanh toán đối với các khoản vay mua ô tô, hóa đơn thẻ tín dụng và các khoản nợ khác.

Sự thận trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng đã buộc một loạt nhà bán lẻ phải tuyên bố giảm giá trong những tuần gần đây, trong nỗ lực kéo mọi người quay trở lại cửa hàng và khuyến khích họ tiêu tiền nhiều hơn vào những thứ như quần áo mới, đồ trang trí nội thất, đồ mỹ nghệ và đồ thủ công.

Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ là không hề dễ dàng, bởi theo Ramon Laguarta, Giám đốc điều hành của PepsiCo, “Nhóm người tiêu dùng có mức thu nhập thấp ở Mỹ đã phải chịu sức ép quá mức. Nhóm khách hàng này đang phải xây dựng kế hoạch rất cẩn thận để có thể duy trì việc chi tiêu cho đến cuối tháng. Đó là những người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi mua gì, mua ở đâu và lựa chọn rất kỹ càng”.

Nguồn: Bloomberg, New York Times, Quartz, Investopedia, Reuters, AP News, Fortune

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới