(KTSG) - Câu chuyện “góp gió thành bão” với những khoản đóng góp 1.000 đồng của một tờ báo ở TPHCM và các ví điện tử đã diễn ra trong thầm lặng, ít ai để ý.
Ý nghĩa của tiền lẻ lại càng lớn hơn, giữa khi dông bão vẫn còn đổ xuống, những câu chuyện “phông bạt” hay khoe khoang những khoản đóng góp hàng tỉ hay hàng trăm triệu đồng mà thực tế chỉ có vài ngàn đồng. Tiền lẻ còn đi xa hơn, góp phần cho câu chuyện “thế giới đại đồng” ở một đất nước xa xôi… Nhưng đó là câu chuyện của sự minh bạch và niềm tin.
1.000 đồng
Một thương hiệu cà phê mới đây đã hứng chịu sự phản đối của cộng đồng mạng khi tuyên bố đóng góp 1.000 đồng cho mỗi ly nước chuỗi này bán được. Một fanpage với hơn 100.000 thành viên kêu gọi mỗi thành viên góp 1.000 đồng thì dễ dàng đạt được mục tiêu 100 triệu đồng quyên tặng cho những nơi đang chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Sự đóng góp thật yếu ớt, mọi người không thể chuyển khoản 1.000 đồng, tối thiểu là từ 2.000 đồng.
Nhưng một tờ báo ở TPHCM đã cùng với các ví điện tử đạt được mục tiêu lớn mà không phải ai cũng làm được. Ở ví điện tử đầu tiên, ban tổ chức đón nhận các khoản quyên góp từ 5.000-50.000 đồng và quan trọng nhất là họ để mục tùy chọn. Có người quyên tặng đến 50 triệu đồng, nhưng vẫn có nhiều người góp 1.000 đồng. Chắc chắn một điều, có người đã góp rất nhiều lần những số tiền rất nhỏ đó… Ở ví điện tử thứ hai, tờ báo và ví nhận được số tiền chỉ bằng một nửa. Ví thứ ba thì khá ít do bắt đầu trễ.
Đến ngày 8-10, chiến dịch quyên góp của tờ báo kết hợp với các ví điện tử mới chấm dứt. Hiện giờ với ví điện tử đầu tiên, tờ báo đã đạt được hơn 83% mục tiêu. Tổng số tiền của tờ báo này cũng vượt qua nhiều báo và các tổ chức khác.
Đợt quyên góp thành công là do nhiều nguyên nhân. Đó là cái tên “Ví nhân ái” mà ví điện tử đó đã làm nhiều năm nay, chương trình của tờ báo “hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số ba”, và sự tiện lợi của ví điện tử và công nghệ tài chính. Bởi mỗi khi mọi người sử dụng ví cho một giao dịch nho nhỏ nào đó, họ lại nhớ đến “Ví nhân ái” và chương trình quyên góp của tờ báo. Và ví điện tử này cùng lúc kêu gọi nhiều đợt khác nhau. Chương trình với tờ báo chỉ chiếm khoảng 10% số lượng quyên góp mà ví tổ chức.
Mà trên hết, cần phải nhìn ra sức mạnh vô hình của những khoản quyên góp rất nhỏ, từ 1.000 đồng, mà không cần vinh danh.
Lon tiền xu
Ở ngã tư, mỗi khi đèn đỏ, những tình nguyện viên mặc những chiếc áo gió của Australia Red Cross - Hội Hồng thập tự Úc - lại từ trên lề đường tràn xuống. Họ len lỏi trong dòng xe đông đúc, xốc xốc những chiếc lon. Tiếng đồng xu lốc cốc, leng keng, nghe sinh động hẳn. Người lái xe ai cũng thò tay xuống chỗ cần gạt thường để xu lẻ, vươn tay bỏ những đồng xu vào ống lon.
Hôm đó, nếu không đọc báo hay nghe đài, người ta cũng biết rằng Australia Red Cross lại có chiến dịch kêu gọi quyên góp, và đâu đó trên thế giới lại có thiên tai, thảm họa hay địch họa như bão lũ tại Việt Nam, Philippines hay sóng thần ở Haiti, động đất ở Afghanistan, chiến sự ở Ukraine…
Trước đó, thông thường cơ quan này đã thông báo trước trên các phương tiện truyền thông và đã thực hiện các đợt quyên góp trực tuyến. Người của tổ chức Australia Red Cross có thể xuất hiện ở ngã tư, hoặc gõ cửa từng nhà, hỏi gia chủ có muốn quyên góp nữa hay không, có cần biên lai để dùng cho mục đích khai thuế hay không…
Những chiếc lon đầy xu lẻ không chỉ là biểu trưng cho Australia Red Cross. Đó còn là sự hiện diện của nhiều tổ chức từ thiện có tầm quy mô toàn cầu như World Vision, Oxfam hay Save the Children hay các cơ quan nghiên cứu về ung thư hay tim mạch quốc gia như Cancer Council, Heart Foundation… Và nhiều tổ chức giáo dục, môi trường, y tế cùng các tổ chức phúc lợi cho động vật hay vật nuôi.
Sự đố kỵ và nhỏ nhen chắc chắn vẫn có. Bởi có người biết rằng có người làm thiện nguyện đúng nghĩa, đóng góp thời gian và sức lực; nhưng cũng có người được trả lương theo giờ hay trích hoa hồng từ số tiền quyên góp được.
Vẫn có những phản ứng và tranh luận dữ dội từ những người quyên góp và cả xã hội về lằn ranh của đạo đức trong việc làm từ thiện. Bởi các cố vấn, vị CEO của các tổ chức thiện nguyện trên có thể được trả lương rất cao, thậm chí cả tiền hoa hồng từ các khoản kêu gọi được. Mà mức hoa hồng này thường được quy định là dưới 20%.
Còn những người ủng hộ nói đây là những gì mà tổ chức vinh danh cho những đóng góp và tài năng quản trị của cố vấn và CEO… Chi phí hoạt động của tổ chức cũng trích từ các khoản đóng góp từ công chúng, doanh nghiệp, tổ chức và những nhà thiện nguyện triệu phú hay tỉ phú.
Phe chống hay phe bênh, ai cũng có lý. Nhưng nếu mọi việc được minh bạch và lý giải rõ ràng, theo quy định của pháp luật và của cơ quan từ thiện, thì mọi người sẽ làm theo lý lẽ của trái tim và niềm tin.
Sự xuất hiện của những tình nguyện viên lúc lắc những chiếc lon đầy xu đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật ở nước Úc, dù rằng đã ít hơn trước. Bởi đó là biểu hiện của lòng vị tha, sự trắc ẩn trước những mất mát và đau thương của đồng loại, của con người ở khắp nơi, chứ không chỉ ở đất nước mình.