Chủ Nhật, 20/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sướng ở “nhà quê”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sướng ở “nhà quê”

Minh Lê

minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Sau bài Sống ở nhà quê (*) , có người bạn viết cho tôi, “suốt ngày cơm áo gạo tiền nên đôi khi mình không còn là mình... sao không kể thêm về cái sướng ở nhà quê cho thèm với...”.

Thật ra tôi ngại mình đi ngược trào lưu, bởi cứ mười người biết tôi về ở nhà quê đã có chín người nhướng mắt, “ở chi xa vậy?”. Vừa xa xôi cách trở, vừa xa văn minh và tiện nghi đô thị, họ nghĩ đâu có sai. Nhưng có cái mất sẽ có cái được, nên tôi sẽ ráng tả cái sướng ở nhà quê cho bạn nghe, theo cách tôi cảm nhận.

Nơi thành thị, nhà cửa cao tầng san sát, nhìn ngang chỉ thấy nhà, người và xe, nhìn lên thấy một mảnh trời con. Về nhà quê đất rộng người thưa, nhìn ngang thấy cây lá xanh um, nhìn lên thấy cả bầu trời xanh lồng lộng. Đầu óc đang nặng những lo toan cơm áo gạo tiền tự nhiên thấy nhẹ đi nhiều.

Khi nào buồn thì xách xe máy chạy vòng vòng, ngắm những cánh đồng trải dài đến chân núi, bầy cò trắng vỗ cánh chấp chới bay lên, ngôi đình xưa nằm lặng lẽ bên cây đa già tỏa bóng. Những suy nghĩ rối rắm bỗng lắng xuống, thấy lòng mình bình tĩnh và chân thật hơn. Bạn có thể lâu lâu từ thành thị về đây ngắm cảnh, nhưng thuốc cấp kỳ sao bằng thuốc dài ngày, đâu phải tự dưng mà người dân quê có tâm hồn chất phác và thuần hậu như vậy. Thuốc này không chỉ chữa cái đầu óc bận rộn của người thành, mà còn làm sạch buồng phổi bằng không khí trong lành của ruộng đồng, làm dịu màng tai vốn quen nghe tiếng xe cộ bằng sự yên tĩnh của chốn quê.

Nhà quê đất rộng, bỏ không thì tiếc, nên lười như tôi cũng ráng xách cuốc trồng cây. Chỗ này cây ổi, cây quýt, chỗ kia cây sakê, cây măng cụt. Thích gì trồng nấy, từ những cây quen thuộc hồi nhỏ tôi hay leo trèo trong vườn nhà như xoài, ổi, đến cây sau này lớn mới được ăn và mê như măng cụt, sakê.

Tôi hồi hộp theo cây quýt lúc mới trồng rụng hết lá, sau bao nhiêu ngày tưới nước cuối cùng đã nảy chồi non. Tôi vui thấy cây sakê vừa nhú lên đọt mới, mà theo cô bán cây thì “lâu lắm mới lên được một đọt nha chị”. Vườn trước tôi trồng một cây tùng bách tán, cây còn nhỏ mà thân rất thẳng, lá xanh mướt rung rinh theo gió. Gần cửa sổ có cây nguyệt quế, hoa trắng xinh tỏa hương thơm ngát.

Cây vú sữa vườn sau mới bói quả mùa đầu, tôi xăng xái qua hỏi hàng xóm cách bón phân. Lão nông cười nói một câu chí lý: “Trời này nóng thì cô tưới nước cho nó là đủ”. Té ra đầu óc tôi lâu nay đã nhiễm suy nghĩ “không phân đố thành... trái”, giờ mới biết “vậy mà không phải vậy”. Người thành tưởng mình biết nhiều, nay đụng vào đất, vào cây mới vỡ ra vốn kiến thức của mình về sự sống còn sơ đẳng lắm. Càng thấy thương cho con của bạn, hôm trước về quê thấy lá mắc cỡ mê quá cứ đòi chơi mãi. Bọn nhỏ ở thành giờ suốt ngày chỉ thấy ti vi và máy vi tính, ngày sau có biết cây sinh ra trái thế nào không nhỉ.

Bạn tôi có người cũng mê nhà quê nhưng còn bận con cái. Bạn hẹn khi về hưu, con lớn sẽ về quê lập “xóm hưu” với tôi. Dăm ba nhà hưu trí ở gần nhau, sáng uống trà xanh bàn chuyện xưa chuyện nay, chiều mát rủ nhau đổ bánh căn bánh xèo, thú vị lắm chứ. Sáng sáng ra tập thể dục ngoài hàng hiên nhìn mặt trời lên, gió đầu ngày mát rượi, khỏi phải ra công viên. Chiều lặt lá tưới cây, vận động nhiều nên đâu cần thuốc bổ cũng ăn ngon ngủ ngon. Nhớ trẻ con thì bạn có thể qua dạy chữ cho con cháu hàng xóm.

Con nít nhà quê cha mẹ ít chữ nên nhiều khi ham học mà không ai chỉ dẫn cho. Trên trường thầy cô một nách ba bốn chục em, làm sao có thời gian chỉ cho từng em một. Mỗi dịp Tết hay hè, con cháu bạn sẽ có “quê” mà về để tụi nhỏ còn biết cây làm sao ra trái hay cây mắc cỡ là cây gì. Con cháu bạn sẽ hớn hở hái và ăn “trái sạch, rau sạch” ông bà tự trồng. Ông cháu có dịp thênh thang thả diều dọc đường quê lộng gió. Bà dắt tay cháu hái chùm khế ngọt, chỉ cháu hái rau ngổ, cắt đám bạc hà vào nấu nồi canh chua cá.

Tôi nghĩ, cái sướng nhất ở nhà quê là lúc nào “mình cũng là mình”. Không như ở thành vật chất bủa vây, làm gì cũng không tránh khỏi “giấc mơ thời hiện đại: giàu, giàu nữa, giàu mãi”. Còn nữa... mà thôi, kể vậy đủ rồi, bao giờ về sống ở nhà quê, bạn sẽ biết.

______

(*) Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 16-2-2012

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới