(KTSG Online) - Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2023 chỉ đạt khoảng 13,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,5% so với năm ngoái. Chuẩn bị bước vào một năm mới, các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn đứng trước nhiều thách thức như sụt giảm đơn hàng, các thị trường xuất khẩu lớn yêu cầu nghiêm khắc hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.
- Doanh nghiệp ngành gỗ tích cực tìm đơn hàng cho mùa sản xuất mới
- Cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm đơn hàng tại VIFA ASEAN 2023
TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tại cuộc tọa đàm về phát triển bền vững và những thách thức đặt ra cho ngành gỗ, cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 sẽ chỉ đạt khoảng 13,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,5% so với năm 2022.
Theo thống kê, trong năm 2023 này, nhu cầu tiêu dùng gỗ và các sản phẩm gỗ tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU giảm mạnh. Điều này dẫn đến việc sụt giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp trong nước thu hẹp quy mô sản xuất hoặc thậm chí phải đóng cửa. Tính riêng 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn cũng đang đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Chẳng hạn như quy định về chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6 vừa qua quy định các sản phẩm khi nhập khẩu vào thị trường này cần đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng. Bên cạnh đó, yêu cầu cả ở trong nước và các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net zero ngày càng tăng.
Thêm vào đó, mỗi năm, Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 1,5-2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ có nguy cơ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.