(KTSG) - Cho dù bùng nổ dân số đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thì sụt giảm dân số lại không hẳn là một tin vui.
Đến năm 2050 thì 151/195 nước sụt giảm dân số
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Washington, đến năm 2050 thì 151/195 quốc gia trên thế giới sẽ ở trong tình trạng sụt giảm dân số. Tốc độ gia tăng dân số thế giới đã đạt đỉnh 2,09% vào cuối những năm 1960 và hiện đang giảm tới dưới mức 1% vào năm 2023. Theo các nhà nghiên cứu, dân số thế giới sẽ đạt đỉnh là 9,7 tỉ người vào năm 2064, và sau đó con số này sẽ dần giảm xuống. Nếu như trong vòng hơn 300.000 năm lịch sử loài người, có những giai đoạn giá lạnh và bệnh tật gây ra sự sụt giảm dân số tạm thời, thì theo Hiroshi Kito, nhà sử học dân số của trường Đại học Shizuoka (Nhật Bản), đây là lần đầu tiên trong lịch sử, loài người sẽ đi vào tình trạng suy giảm dân số mang tính bền vững.
Xin nhắc lại rằng nếu như vào năm 1800 dân số thế giới là 1 tỉ người, thì hiện nay chúng ta đã ở mức 7,8 tỉ người, gây ra một áp lực nặng nề cho trái đất. Rõ ràng là từ 200 năm trở lại đây, sự bùng nổ dân số đã dẫn đến hậu quả tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, chiến tranh, xung đột hàng loạt. Nhiều năm trước đây, khuynh hướng gia tăng dân số này gây lo ngại cho nhiều người. Nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus tuyên bố năm 1798 rằng khi dân số tăng với một tốc độ tương tự, thì sản xuất lương thực sẽ không đủ đáp ứng và loài người sẽ phải đối mặt với nạn đói. Tất nhiên, điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại, gia tăng dân số lại chính là yếu tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế học người Anh Charles I. Jones của Đại học Stanford cho rằng “về lâu dài, thì mọi ảnh hưởng kinh tế tích cực của suy giảm dân số có thể bị vô hiệu hóa bởi sự suy giảm sáng tạo”.
Hiện nay, Đông Á đang được coi là một trong những khu vực có sự suy giảm dân số nghiêm trọng nhất, đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Hiện tượng này ở Đông Á và châu Âu đang lan rộng tới các khu vực khác. Khu vực Đông Nam Á - nơi đã có sự tăng trưởng kinh tế “thần kỳ”, cũng không tránh khỏi. Thái Lan đang trở thành một “Nhật Bản thứ hai” trong vấn đề dân số già, và đồng thời với nó là sự tăng trưởng kinh tế cũng sụt giảm. Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, thì đang thành một “xã hội già”, và Chính phủ hiện đã quyết định tăng độ tuổi về hưu. Một trong những ví dụ khác điển hình nhất là Trung Quốc. Theo dự đoán của Đại học Washington thì tới năm 2100, dân số của nước này sẽ chỉ còn 730 triệu người, so với 1,41 tỉ người hiện nay.
Không khó để có thể nhận ra rằng lý do chính của tình trạng suy giảm dân số này, là hiện giờ người ta ngày càng ít quan tâm tới việc sinh con. “Không có con thì chúng tôi mới sống thực sự thoải mái”, một người phụ nữ 41 tuổi ở Hàn Quốc cho biết. Cô đang làm trong một công ty về giải trí, và đã quyết định không có con, vì chi phí học hành cho trẻ con khá cao, cũng như điều kiện về chỗ ở và công ăn việc làm không thuận lợi cho việc có con. Hiện tượng phụ nữ ngày càng học cao hơn cũng giải thích sự giảm sút của tỷ lệ sinh. Ở Thái Lan, hiện 58% phụ nữ có bằng đại học, so với 41% ở đàn ông. Tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm sút rõ rệt so với những thập kỷ trước, hiện giờ là 1,53 theo điều tra năm 2020. Ở nhiều nước châu Âu, chính phủ có chương trình hỗ trợ khuyến khích sinh con, nhưng dường như không hẳn có tác dụng. Phần Lan là nước có chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tốt nhất thế giới, nhưng tỷ lệ sinh năm 2020 là 1,37, chỉ cao hơn một chút tỷ lệ sinh của Nhật Bản vào cùng năm (ở Nhật Bản, tỷ lệ này là 1,34).
Hệ quả của sụt giảm dân số
Cho dù bùng nổ dân số đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thì sụt giảm dân số lại không hẳn là một tin vui. Hiện nay, Nhật Bản đang được coi là một ví dụ tiêu biểu của một “shrinkonomy” (được ghép từ hai từ shrink - thu nhỏ, và economy - kinh tế). Ở đất nước này, sự già hóa dân số chính là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế (những năm 1960 tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản là hơn 10%/năm, nhưng hiện giờ chỉ khoảng 0,5%/năm), và đến giờ Nhật Bản vẫn chưa thể nào lại “cất cánh” lên được. Từ trường hợp Nhật Bản, nhiều chuyên gia cảnh báo các chính phủ phải biết “rút ra bài học từ vấn đề già hóa và sụt giảm dân số”, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới lực lượng lao động, tới năng suất, và tới bất công bằng giữa các thế hệ. Khuynh hướng suy giảm dân số cũng có thể dẫn tới thay đổi sâu rộng trong xã hội, cũng như trong chính sách kinh tế và an sinh xã hội, không khác gì một quả “bom nổ chậm”.
Ví dụ, già hóa dân số là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt lao động, và vì thế sẽ ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội, vốn xây dựng trên một mô hình dân số gia tăng. Hiện nay, những baby-boomers (những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số) đã đến lúc về hưu, và các chính phủ nhận thấy rằng chi phí cho an sinh xã hội cho người già (lương hưu, chi phí y tế) tăng vọt. Khoản chi phí khổng lồ này sẽ tiếp tục đè lên vai một xã hội “già”, trong đó phần lớn cá nhân sẽ già trước khi... giàu.
Đứng trước thách thức này, các chính phủ sẽ phải tìm ra một mô hình tăng trưởng khác, không dựa trên gia tăng dân số. Trong một số trường hợp, đón nhận người nhập cư có thể là một giải pháp. Nước Đức - một trong những nước dân số già nhất châu Âu - đã ý thức từ lâu hậu quả của sụt giảm dân số, và vì thế có chính sách đón nhận người nhập cư để góp phần giải quyết vấn đề này. Theo Liên hiệp quốc, năm 2020 có tới 281 triệu người nhập cư, cao hơn 1,6 lần so với cách đây khoảng 20 năm. Một số chuyên gia cho rằng, không có người nhập cư, các nước phát triển “già” sẽ khó mà tìm đủ lao động. Như trường hợp của nước Anh hậu Brexit, chính sách hạn chế nhập cư và phong tỏa vì dịch Covid-19 đã dẫn tới hậu quả thiếu nghiêm trọng lao động. Trước dịch Covid-19, chỉ có 12% lái xe đường dài là người có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu mà thôi. Nhật Bản cũng áp dụng chính sách đón nhận người nhập cư có trình độ (Specified Skilled worker) để đối mặt với nguy cơ thiếu lao động.
Một tín hiệu xấu nữa là suy giảm dân số cũng không hẳn là tốt cho hành tinh của chúng ta. Theo một số nghiên cứu của Liên hiệp quốc, thì số người giảm đi cũng không có tác động tích cực gì đáng kể đến lượng khí thải có hại cho môi trường mà loài người tạo ra. Hơn nữa, suy giảm dân số sẽ có nguy cơ dẫn đến suy giảm ý tưởng sáng tạo. Nhà kinh tế học người Anh Charles I. Jones của Đại học Stanford cho rằng “về lâu dài, thì mọi ảnh hưởng kinh tế tích cực của suy giảm dân số có thể bị vô hiệu hóa bởi sự suy giảm sáng tạo”. Khi kinh tế dựa trên chất xám trí tuệ, thì dân số giảm cũng sẽ cản trở đổi mới sáng tạo, và tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.