Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Suy thoái vậy mà hay!   

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Suy thoái vậy mà hay!   

Kinh tế suy thoái, nhiều người Singapore đang phải thắt chặt chi tiêu nhưng lại có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

(TBKTSG) – Mới đây một bài báo trên tờ The New York Times chia sẻ với độc giả của họ một số khám phá mới về liên hệ giữa sức khỏe và suy thoái: khó khăn kinh tế có thể làm xấu đi sức khỏe thể chất nói chung nhưng liệu một cơn suy thoái nào đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì lại tùy thuộc vào thói quen của bản thân bạn khi kinh tế tốt.

Theo quan sát của bác sĩ Grant Miller, Trợ lý Giáo sư y khoa tại trường Đại học Stanford, trong giai đoạn kinh tế phát triển thịnh vượng, người ta làm việc nhiều hơn và ít làm những chuyện tốt cho bản thân như nấu ăn ở nhà hay tập thể dục.

Một bài báo khác trên tạp chí kinh tế học Quarterly Journal of Economics cũng cho biết tỷ lệ người chết tại Mỹ giảm rõ rệt trong giai đoạn suy thoái từ năm 1974-1982 và lại tăng lên khi kinh tế hồi phục vào cuối những năm 1980. Cũng theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, những nhân tố mang tính ngăn ngừa (preventable factors) lại là những nguyên nhân chính làm giảm tỷ lệ người chết trong thời kỳ suy thoái.

Đáng lưu ý là ở những nước đang phát triển, con người có vẻ kỷ luật hơn trong hoàn cảnh khó khăn. Theo một khảo sát của các nhà nghiên cứu, khi giá cà phê ở Columbia giảm, sức khỏe của trẻ sơ sinh và thiếu niên trong vùng nông thôn lại tốt hơn mặc dù thu nhập của các hộ gia đình thấp, chủ yếu là do các bà mẹ có thời gian dành cho con bú, lấy nước sạch từ những vùng sâu vùng xa hay có thời gian đưa con đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Còn tại Mỹ, có lẽ do suy thoái trong giai đoạn 1971-1991, người dân xứ này ít sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế nên tỷ lệ người chết do mắc bệnh ung thư tăng. Tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ người chết lại giảm 8% trong thời gian 20 năm này, cũng là nhờ những lý do phòng ngừa về bệnh tim mạch hay tai nạn giao thông…

Tôi không rõ các nhà nghiên cứu ở ta có những khảo sát thống kê tương tự như trên không nhưng phải chăng suy thoái cũng là lúc để con người ta có nhiều thời gian cho bản thân để sống kỷ luật hơn, hiểu và trân trọng những giá trị cuộc sống. Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa đầy một năm, nhiều người dân Singapore than vãn về cuộc sống quay cuồng trong vòng xoáy tăng trưởng, thịnh vượng kinh tế sẽ phục vụ ai, cho người dân Singapore hay cho nhân tài người nước ngoài.

Rồi chuyện đập các tòa nhà cũ xây dựng khu dân cư mới làm xáo trộn các cộng đồng dân cư đang sinh sống yên ổn thanh bình. Rồi công nhân nước ngoài vào Singapore làm việc, rồi một bộ phận người lớn tuổi Singapore cảm thấy mất định hướng ở một đảo quốc bé nhỏ nhưng lúc nào cũng xây dựng liên tục, hết sửa cái này, rồi làm mới các khác. Rồi giá nhà và bất động sản, nhiều người cảm thấy “sướng” vì tài sản của mình tăng giá trị và thu được tiền thuê nhiều hơn…

Giờ đây một bộ phận không nhỏ người dân đảo Sư Tử phải thắt lưng buộc bụng theo đúng nghĩa đen trong lúc Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi mọi người hãy “xiết chặt thắt lưng” khi tình hình kinh tế đi xuống, giá trị chứng khoán giảm, kim ngạch xuất khẩu chậm lại và thất nghiệp tăng.

Thế nhưng, phải chăng chất lượng cuộc sống của một số người lại tốt hơn khi có nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân, bạn bè và tranh thủ đi du lịch giá khuyến mãi hay mua hàng giảm giá. Người ta trở nên mềm mỏng và nhã nhặn, mỉm cười với nhau nhiều hơn trước. Mấy tay môi giới bất động sản mà tôi có dịp tiếp xúc vì lý do cá nhân hay quan hệ công việc cũng không còn “chảnh” như thời thị trường đang “hot” và tỏ ra tận tâm hơn trên tinh thần “luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu”.

Cô bạn Joanne của tôi quyết định bán căn hộ 130 mét vuông ba phòng ngủ để đổi lấy căn nhỏ hơn. Thiệt hay không thiệt nhưng quan trọng nhất là gia đình cô có thêm tiền mặt và cũng là một cách tiết kiệm điện, nước và các dịch vụ phí liên quan đến nơi ăn chốn ở trong thời buổi suy thoái.

Còn với H., anh bạn hàng xóm người Việt Nam của tôi đang làm cán bộ nghiên cứu cho một doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu A*STAR thì suy thoái cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại vì từ trước đến nay anh cũng sống rất giản dị với vợ và con trai 3 tuổi. Anh cho biết thu nhập của người làm nghiên cứu không thể so với người làm trong khu vực tài chính hay ngân hàng nên suy thoái cũng chưa tác động gì mấy.

Dĩ nhiên, anh không “vô tư” đến mức cho rằng công việc của mình sẽ đứng ngoài dòng chảy của thời cuộc nhưng có lo lắng quá thì cũng không giải quyết được gì. Tình huống xấu nhất là trên đảo Sư Tử các dự án nghiên cứu bị đình lại hay anh không có cơ hội đóng góp cho doanh nghiệp hiện tại.

Nhưng biết đâu như thế lại hay vì H. không còn sự lựa chọn nào khác là về Việt Nam làm việc, lại có cơ hội ở gần với đại gia đình tứ thân phụ mẫu và con trai anh sẽ nói tiếng Việt theo đúng giọng Việt Nam chứ không phải lơ lớ và trộn lẫn nhiều âm điệu của cái xứ đa ngôn ngữ và đa sắc tộc này.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, trong năm nay tại Singapore sẽ có không dưới 100.000 người bị mất việc và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 5% từ nay đến giữa năm 2009. Tr., anh bạn trẻ người Việt quốc tịch Pháp hiện đang làm việc cho một ngân hàng Thụy Sỹ cho tôi biết nguy cơ bị “giảm biên chế” đang gần kề. Điều trớ trêu là anh đã từng tư vấn hướng nghiệp cho các sinh viên Việt Nam ngành tài chính ngân hàng sắp ra trường là hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần trong bất cứ tình huống nào, nhất là bối cảnh kinh tế toàn cầu rất bất ổn và không ai biết trước được điều gì. Số thầy thì để cho ruồi nó bâu? Lần đầu tiên trong đời chuyên gia ngân hàng 35 tuổi này sắp đối diện với sự thật phũ phàng và có lẽ, anh nói, chỉ có bản thân mình trong hoàn cảnh đó mới cảm nhận được tất cả sự thật.

Thế nhưng, nhờ còn độc thân và số tiền dành dụm tích lũy trong thời gian qua, Tr. quyết định sẽ đăng ký học một chương trình MBA trong hai năm để nắm bắt kiến thức và ý tưởng mới và hy vọng giai đoạn suy thoái này sẽ qua đi. Hoặc anh sẽ đi du lịch theo kiểu ba lô loanh quanh các nước châu Á để tìm hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa và con người mà anh chưa có điều kiện tiếp cận.

Chưa hết, biết đâu anh lại tìm được “một nửa” của mình tại Việt Nam theo mong đợi của bố mẹ vì suốt thời gian qua, nếu có bạn gái anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc trăm năm.Nhưng có lẽ không phải ai cũng còn độc thân hay có nhiều tiền tích lũy để đi học thêm hay thực hiện giấc mơ du lịch khắp thế giới như Tr., nhưng người dân của cái xứ mà mọi người khi thức dậy cũng đều phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền thì có một “giải pháp” lành mạnh nhất là đi mua sắm.

Thật vậy, theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Thể thao Singapore (Singapore Sports Council-SSC) cách đây không lâu, shopping cũng là một hoạt động giúp tiêu hao năng lượng của các bà vì có mua sắm thật hay không đều phải lê gót từ cửa hàng này qua cửa hàng hàng khác hay lên xuống các tầng lầu trong siêu thị. Còn trong một phong trào vận động người dân suy nghĩ tích cực để vượt qua khó khăn thời suy thoái của Cục Cổ động Sức khỏe (Health Promotion Board) thuộc Bộ Y tế Singapore, giải thưởng cho các cuộc thi là phiếu mua hàng giảm giá hay thưởng bằng tiền mặt để mua món gì tùy thích.

LÊ HỮU HUY – Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới