Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tác phẩm thuộc về miền công cộng – dùng thế nào cho đúng?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi hết hạn bảo hộ bản quyền, tác phẩm trở thành tài sản công nhưng quyền nhân thân vẫn còn và rất có thể, phần minh họa, chuyển ngữ, nhãn hiệu... vẫn được bảo hộ.

Ở Mỹ, Pháp, Đức hay nhiều quốc gia khác, vào những ngày cuối cùng của năm, các thư viện thành phố hay thư viện quốc gia thường ra thông báo danh sách những tác phẩm sẽ hết thời hạn bảo hộ bản quyền vào thời khắc chúng ta bước sang năm mới. Ví dụ như năm 2024 đánh dấu việc chuột Mickey (trong bộ phim Steamboat Willie và Plane Crazy), tiểu thuyết Bí mật chuyến tàu xanh của Agatha Cristie hay Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque hết hạn bảo hộ bản quyền. Điều này có nghĩa là các tác phẩm nói trên sẽ rơi vào “miền công cộng”, hay còn gọi là “tài sản công chúng”. Khái niệm này trong tiếng Anh được gọi là public domain - có nghĩa là miền thuộc về công chúng.

Tài sản của công chúng

“Miền công cộng” là một khái niệm khá xa lạ ở Việt Nam và nó không đươc định nghĩa trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, ta cũng có thể diễn giải luật SHTT hiện hành để khẳng định rằng có tồn tại một “miền công cộng” trong Luật Bản quyền Việt Nam. Đối với tác phẩm trong thời hạn bảo hộ, tác giả được hưởng quyền tài sản (quyền sử dụng, khai thác thương mại tác phẩm) và quyền nhân thân (quyền cho phép công bố tác phẩm, quyền đặt tên, đứng tên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm).

Ngược lại, ta có thể hiểu rằng những tác phẩm thuộc về miền công cộng là những tác phẩm thể được sử dụng tự do mà không cần xin phép cũng như không cần phải trả phí (tức là quyền tài sản của tác giả không còn tồn tại). Tuy nhiên, một số quyền nhân thân tồn tại vĩnh viễn, do vậy, việc sử dụng các tác phẩm nói trên chỉ hợp pháp khi việc sử dụng đó không vi phạm quyền nhân thân của tác giả.

Vậy những tác phẩm nào thuộc về miền công cộng như nói ở trên? Thứ nhất, đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian tồn tại từ rất nhiều thế hệ đến nay (truyền thuyết, truyện cổ tích, thần thoại, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ…) hay những tác phẩm cổ điển của những tác giả thời xưa (như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương chẳng hạn). Tất nhiên, những tác phẩm nói trên cũng là một thành phần của di sản văn hóa Việt Nam, được bảo vệ gìn giữ qua Luật Di sản văn hóa.

Thứ hai, tác phẩm cũng thuộc về miền công cộng là những tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh sau 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Nếu như những tác phẩm nói trên chưa được công bố trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì các tác phẩm này sẽ thuộc về miền công cộng sau một trăm năm kể từ thời điểm định hình.

Thứ ba, cũng rơi vào miền công cộng những tác phẩm còn lại (không thuộc loại hình nói trên, như tác phẩm văn học chẳng hạn) năm mươi năm sau khi tác giả qua đời.

Cuối cùng, thuộc về miền công cộng những tác phẩm không được bảo hộ, như những tác phẩm không đáp ứng được điều kiện về tính sáng tạo hay tin tức thời sự thuần túy đưa tin, văn bản pháp luật, hành chính, các quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu…

Vẫn còn những phần được bảo hộ

Những tác phẩm thuộc về miền công cộng có thể được tự do sử dụng, với điều kiện đảm bảo tôn trọng một số quyền nhân thân của tác giả, cụ thể là quyền đặt tên, đứng tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Mặc dù tác giả của tác phẩm đã qua đời nhưng những quyền nhân thân nói trên tồn tại vĩnh viễn và được chuyển giao cho người thừa kế của tác giả sau khi tác giả qua đời. Người sử dụng tác phẩm thuộc về miền công cộng cần lưu ý không vi phạm quyền nhân thân của tác giả, để tránh rắc rối pháp lý có thể xảy ra.

Không chỉ thế, người muốn khai thác tác phẩm đã hết hạn bảo hộ cũng cần chú ý rằng tác phẩm thuộc về miền công cộng nhưng rất có thể phần minh họa hay chuyển thể ngôn ngữ vẫn nằm trong thời hạn bảo hộ của Luật Bản quyền. Ví dụ như tác phẩm Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque bản tiếng Đức đã hết hạn bảo hộ bản quyền nhưng bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này vẫn chưa rơi vào miền công cộng. Vì thế, sử dụng bản tiếng Anh mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị coi là vi phạm quyền tác giả. Cũng tương tự đối với các tác phẩm phái sinh, tác phẩm gốc thuộc về miền công cộng nhưng tác phẩm phái sinh (do tác giả khác tạo ra) thì rất có thể vẫn được bảo hộ. Để tránh vi phạm quyền tác giả, người dùng nên cẩn thận kiểm tra để tránh nhầm lẫn dẫn đến vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, một số tên tác phẩm, tên nhân vật hay đoạn nhạc còn được chủ sở hữu quyền đăng ký nhãn hiệu. Việc tác phẩm và nhân vật đã thuộc về miền công cộng không có nghĩa là các nhãn hiệu đã đăng ký cũng thuộc về miền công cộng. Không khó hiểu để có thể thấy rằng sử dụng tự do tên tác phẩm và nhân vật như nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng các luật quốc gia có thể quy định khác nhau về thời hạn bảo hộ, hay quy định khác nhau tùy vào loại hình tác phẩm. Vì thế, người dùng tác phẩm nước ngoài cần kiểm tra cả luật áp dụng cho tác phẩm nước ngoài để biết tác phẩm có thể được sử dụng tự do hay không.

Có thể nói, tác phẩm rơi vào miền công cộng không đồng nghĩa với việc giá trị của tác phẩm đó đã giảm đi. Ngược lại, việc tác phẩm có thể được sử dụng tự do có thể đem lại một “cuộc sống mới” cho tác phẩm, để thế hệ trẻ lại được tiếp tục tiếp cận với những sáng tạo của cha ông. Việc tác phẩm lại được ra mắt công chúng sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu được thêm bối cảnh văn hóa lịch sử lúc tác phẩm ra đời, để tiếp tục làm giàu di sản văn hóa của quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới