Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ quyết định tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, theo Nghị định 56/2022 ban hành ngày 24-8.

Theo quy định tại Nghị định 56, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của hai Cục nói trên. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp.

Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có. Ảnh minh hoạ: A.Q

Theo đề án do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam có 5 phòng là Tổ chức – Hành chính; Pháp chế – Thanh tra – An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch – Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Bên dưới có ba Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối phòng ban tham mưu tương tự, thêm phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Bên dưới có 7 chi cục là I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là 728, dự kiến Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 558 người và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 170 người.

Theo nghị định, Cục Y tế giao thông vận tải sẽ xóa bỏ, nhưng được duy trì hoạt động cho đến khi Bộ hoàn thành bàn giao cơ sở y tế thuộc Cục này về địa phương quản lý. Thay vào đó, Trung tâm Y tế – Môi trường lao động giao thông vận tải sẽ được thành lập. Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đổi tên thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

Như vậy, từ một tổng cục và 7 cục, sau khi sắp xếp, Bộ Giao thông Vận tải có 8 cục.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết việc sắp xếp lại bộ máy các cơ quan quản lý của Bộ, trong đó có Tổng cục Đường bộ Việt Nam nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như các bộ ngành khác. Theo đó, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện việc rà soát này và đã thu gọn các đầu mối.

Với một số vụ có chức năng tương đối tương đồng, Bộ đã đề xuất ghép để đảm bảo tập trung cho quản lý và cũng để giảm các đầu mối.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, Cục Đường bộ Việt Nam tách từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn là cục chuyên ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ. Còn Cục Đường cao tốc Việt Nam không phải cục chuyên ngành, mà là cơ quan chuyên trách về lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc và khai thác đường cao tốc.

Vì vậy, đề xuất sắp xếp lại bộ máy các cơ quan quản lý của Bộ trên cơ sở có những định hướng cho phát triển, quản lý khai thác đường cao tốc. Điều này cũng phù hợp với việc hướng tới tách dần Bộ GTVT ra khỏi chủ đầu tư.

Cụ thể, Bộ chỉ làm quản lý nhà nước, quản lý, chủ quản, duyệt các dự án. Còn chủ đầu tư sẽ có các cơ quan, đơn vị đầu mối.

Sau này, các đơn vị này quản lý khai thác theo hướng đối với đường cao tốc thì có tính chất thương mại rất cao, sau đó sẽ xem xét theo hướng thu hút các thành phần vào quản lý khai thác, kể cả những dự án do Nhà nước đầu tư công cũng có thể hướng tới đấu thầu, nhượng quyền, cho thuê khai thác.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới