Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc nợ trái phiếu doanh nghiệp

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau từ các tổ chức phát hành.

Bất động sản là một trong hai nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều trái phiếu nhất. Ảnh: N.K

Dồn tiền mua lại trái phiếu trước hạn

Khác với trong quá khứ, đà lao dốc của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã không kích thích được hoạt động mua vào cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp nhiều như trước. Có thể nói, tình trạng “thiếu tiền” là nguyên nhân chính bên cạnh quy định về việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ đã có sự thay đổi kể từ ngày 1-1-2021.

Cụ thể, trước đây, hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định mua lại tối đa 10% số lượng cổ phần đã phát hành làm cổ phiếu quỹ, khi giá tăng trở lại thì phần chênh lệch được hạch toán vào thặng dư vốn cổ phần, giúp cải thiện dòng tiền cũng như các chỉ số tài chính.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2021, hoạt động mua cổ phiếu quỹ đều phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và doanh nghiệp phải hủy số cổ phiếu đó, đồng thời giảm vốn điều lệ tương ứng. Đó là chưa kể, doanh nghiệp không được huy động vốn cổ phần trong sáu tháng sau khi giảm vốn điều lệ.

Được biết, quy định phải giảm vốn điều lệ sau khi mua cổ phiếu quỹ nhằm đáp ứng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Còn theo Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16-3-2020 của Bộ Tài chính thì giai đoạn 2022 - 2025 các doanh nghiệp áp dụng IFRS tự nguyện, sau năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc đối với một số đối tượng.

Nhiều tổ chức phát hành đang tái cấu trúc nợ trái phiếu doanh nghiệp, gồm một hoặc kết hợp một số các hình thức sau đây: 1) Gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới. (2) Chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới. (3) Chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.

Điểm đáng lưu ý là mặc dù không có nguồn tài chính dồi dào để mua lại cổ phiếu quỹ nhưng nhiều doanh nghiệp lại tìm mọi cách để mua lại trái phiếu trước hạn.

Doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: (1) môi trường và kế hoạch kinh doanh thay đổi, kéo theo nhu cầu vốn thay đổi; (2) Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ 16-9-2022 có các quy định chặt chẽ hơn, khiến doanh nghiệp lo ngại về khả năng đảo nợ trái phiếu; (3) lãi suất đang có xu hướng tăng, việc mua lại trái phiếu có thể giúp tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu tâm khác là theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và sử dụng nguồn vốn phát hành TPDN.

Do đó, nếu doanh nghiệp nào trước đây huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu mà sử dụng không đúng mục đích thì nay càng có động lực để mua lại trước hạn.

Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu, vi phạm phương án phát hành mà vi phạm đó không thể khắc phục, hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận, thì doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Song song với đó, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã phát đi thông điệp điều hành về thị trường TPDN. Trong đó, nguyên tắc TPDN phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn về tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Áp lực đến hạn từ nay đến cuối năm không lớn

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong ba quí đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 133.702 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Trong tháng 10, các doanh nghiệp mua thêm 13.782 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng đạt 147.484 tỉ đồng.

Trong khi đó, chỉ có một doanh nghiệp huy động thành công 210 tỉ đồng trái phiếu. Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều trái phiếu nhất, cũng bởi đây là hai nhóm phát hành lớn nhất. Xét các doanh nghiệp trên sàn, tốp đầu mua lại trái phiếu trong khối ngân hàng là BIDV, VIB, LienVietPostBank, SHB, TPBank, OCB, với giá trị hàng ngàn tỉ đồng mỗi ngân hàng.

Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN trong nước trong thời gian qua đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam được đánh giá vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ là 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP. So với Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP, thì mức hiện tại vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra.

Về áp lực trái phiếu đáo hạn từ nay cho tới cuối năm, số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15-11-2022 đến ngày 31-12-2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu đã gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp nhưng điều này cũng góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay. FiinRatings kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện trong thời gian sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân.

Trên thực tế, thị trường đã và đang chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành. Một số phương án phổ biến ghi nhận được bao gồm một hoặc kết hợp một số các hình thức sau đây: 1) Gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới. (2) Chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới. (3) Chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản. Đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay của thị trường bởi biện pháp này sẽ giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới