Tài chính cho nhiệt điện than ở Việt Nam đã sắp kết thúc?
Trung Chánh
(KTSG Online) - Bên cạnh Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc - một trong những quốc gia cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam - đã tuyên bố chính thức chấm dứt đầu tư công đối với các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Điều này cho thấy, nguồn tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam đang dần thu hẹp.
Thống kê các dự án nhiệt điện than được Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam. Ảnh chụp màn hình thống kê của GreenID. Ảnh: Trung Chánh |
Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) ngày 24-4, đã có thông cáo báo chí cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu diễn ra ngày 22-4, Hàn Quốc - một trong những quốc gia cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam - đã ra tuyên bố như trên.
Theo GreenID, gần đây nhất, các công ty nhà nước của Hàn Quốc, trong đó, có Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã đầu tư 189 triệu đô la Mỹ vào 40% cổ phần của dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 ở tỉnh Hà Tĩnh, với đơn vị cho vay là Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc. “Quyết định này đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích của cộng đồng quốc tế, bởi nó đi ngược lại với chính sách kinh tế xanh mới của quốc gia Nam Á này”, thông cáo báo chí của GreenID viết.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết, với tuyên bố dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than ở nước ngoài của Hàn Quốc là tín hiệu mạnh mẽ đối với các quốc gia nhận nguồn vốn như Việt Nam để thay đổi kế hoạch mở rộng các dự án điện than hiện tại.
“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong việc đưa ra cam kết gắn với thỏa thuận Paris, đồng thời khuyến khích Hàn Quốc tăng hỗ trợ tài chính cho chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam”, bà Khanh cho biết.
Thông cáo báo chí của GreenID cho rằng, Nhật Bản cũng đang bị chỉ trích vì cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án điện than ở Indonesia và Việt Nam thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Theo Tổ chức Giải pháp cho Khí hậu của chúng ta, Hàn Quốc đã cung cấp nguồn tài chính xấp xỉ 10 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2018, bao gồm các dự án Mông Dương 2, Long Phú 1, Vĩnh Tân 4, Sông Hậu và Nghi Sơn 2.
Theo GreenID, dù nghiên cứu tiền khả thi của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy, dự án Vũng Áng 2 khiến KEPCO thua lỗ 84 triệu đô la Mỹ, nhưng tập đoàn này vẫn quyết định đầu tư cho dự án vào ngày 5-10-2020. “Trước sức ép chỉ trích của các nhà đầu tư và các nhà hoạt động vì khí hậu, vào ngày 28-10-2020, KEPCO đã chính thức tuyên bố sẽ dừng đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài, sau dự án Vũng Áng 2 tại Việt Nam”, thông cáo báo chí GreenID viết.
GreenID cho biết, Việt Nam đang là một trong những quốc gia phát triển điện than rất nhanh nhất, mà cụ thể tổng công suất điện than hiện tại là 20,4 GW, chiếm khoảng 30% cơ cấu nguồn điện. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, sẽ có gần 17 GW điện than được bổ sung.
Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 với công suất 1,2 GW, nếu được xây dựng, dự kiến sẽ phát thải 6,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, và lên tới khoảng 200 triệu tấn trong vòng đời hoạt động 30 năm, theo GreenID.
Trước xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch trên thế giới, kế hoạch phát triển mở rộng nhiệt điện than ở Việt Nam đang vấp phải nhiều chỉ trích vì đi ngược lại với kế hoạch giảm lượng phát thải các bon của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải 9% vào năm 2030 so với kịch bản thông thường.