"Tại chức" khó thành "công chức"?
T. Bình
(TBKTSG Online) - Giấc mơ trở thành công chức có thể lụi tàn và cánh cửa dẫn vào cơ quan nhà nước có thể sẽ đóng lại với những người tốt nghiệp các hệ đào tạo không chính quy nếu như một kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh được chấp nhận và thực thi.
Báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ Ba 18-6 đưa tin, báo cáo với các cơ quan chức năng về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố, UBND TP.HCM cho rằng trong khi chất lượng giữa các loại hình đào tạo chưa ngang bằng nhau thì nên phân biệt đối với các hệ đào tạo và hình thức đào tạo trong tuyển dụng.
"Theo UBND TP, trong tuyển dụng cán bộ, các quy định hiện hành không có sự phân biệt giữa các loại hình đào tạo là chưa phù hợp, “vì chất lượng đào tạo giữa các loại hình đào tạo, hình thức đào tạo rất khác nhau”. Thực tiễn quản lý và sử dụng công chức cho thấy các cán bộ có nền tảng đào tạo từ các trường công lập, các trường có uy tín luôn có khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề tốt hơn, cơ bản hơn".
Tuy bản tin của báo Tuổi trẻ không nói rõ TPHCM sẽ không tuyển dụng làm công chức những người có bằng tại chức nhưng có thể hiểu ngầm rằng sự phân biệt các loại hình đào tạo tất yếu sẽ dẫn tới việc loại bỏ những người học hành "không chính quy" ra khỏi các cuộc thi tuyển công chức.
Cũng với lập luận như vậy, năm ngoái UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định không tiếp nhận làm việc ở các cơ quan nhà nước địa phương những thanh niên tốt nghiệp các trường đại học tư hoặc được đào tạo theo các hình thức đào tạo tại chức, liên thông từ cao đẳng lên đại học. Chính sách “phân biệt đối xử” của thành phố Đà Nẵng đã có thời gian được dư luận bàn tán sôi nổi và cuối cùng bị Bộ Tư pháp “thổi còi” vì không phù hợp với luật pháp hiện hành.
Cũng trong năm ngoái, Bộ Nội vụ - cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nguồn nhân lực của nhà nước – cho biết có đến 7 tỉnh thành không xem xét những trường hợp có bằng “tại chức” khi tuyển dụng công chức với những lý lẽ giống như của TPHCM và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào xác nhận rằng “các cán bộ có nền tảng đào tạo từ các trường công lập, các trường có uy tín luôn có khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề tốt hơn, cơ bản hơn” như lập luận của các địa phương này.
Về pháp lý, ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, Luật cán bộ công chức không cấm tuyển dụng công chức hệ tại chức, Luật giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp. (Tuổi trẻ 10-4-2012).
Theo những người phản đối, như vậy việc phân biệt giá trị các loại bằng cấp là không hợp lý, vô hình chung sẽ góp phần “triệt tiêu” các phương thức đào tạo không chính quy, triệt tiêu cơ hội học tập vươn lên của một số đông người trong xã hội. Vả lại, trong thực tế không hiếm trường hợp người không được học hành chính quy bài bản, thậm chí không có bằng cấp, vẫn có khả năng làm việc không thua kém những người có nhiều bằng cấp.
Những người ủng hộ việc phân biệt các hệ đào tạo thì cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, nói rộng ra là chất lượng bộ máy hành chính đang bị người dân than phiền hiện nay.
Anh/Chị có ủng hộ sự phân biệt các hệ đào tạo như trên hay không? Xin mời đóng góp ý kiến trong box bên dưới.