(KTSG Online) - Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang đặt ra yêu cầu tái cơ cấu khẩn cấp khoản nợ 232 tỉ đô la ở những tập đoàn bất động sản đang gặp khó khăn của quốc gia này.
- Evergrande “xoay trục” sang xe điện để tìm đường sống
- Vì sao Chính phủ Trung Quốc sẽ không cứu Evergrande?
Evergrande công bố kế hoạch tái cơ cấu
Tỉ phú Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản China Evergrande, và nhiều tài phiệt bất động sản khác của Trung Quốc đang trong tình cảnh nợ nần đầm đìa. Họ đặt mục tiêu trong tháng này phải giải quyết các vướng mắc cơ bản cho các khoản nợ.
Đến cuối tháng, họ muốn hoàn tất một thỏa thuận với các chủ nợ, hoặc ít nhất phải có điều gì đó để thể hiện họ đạt được sự tiến bộ trong vấn đề nợ. Nếu không, họ có thể bỏ lỡ chiếc phao cứu sinh của Bắc Kinh dành cho lĩnh vực này và đánh mất bất kỳ thiện chí còn lại nào của các chủ nợ trong cuộc khủng hoảng đã kéo dài trong hai năm.
Hứa Gia Ấn, người đứng đầu công ty xây dựng sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nhất thế giới, đã khiến nhiều nhà phân tích và chủ nợ phải thức khuya vào đêm 22-3. China Evergrande, có khối nợ tổng cộng hơn 300 tỉ đô la, ra một thông báo vào lúc 11 giờ tối hôm đó về kế hoạch sắp xếp lại khoản nợ nước ngoài trị giá hơn 19 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, các trái chủ nước ngoài có thể lựa chọn giải pháp chuyển đối trái phiếu hiện tại sang trái phiếu mới có kỳ hạn từ 5-12 năm hoặc các khoản đầu tư cổ phần ở đơn vị dịch vụ quản lý tài sản hoặc sản xuất ô tô điện của China Evergrande. Sự lựa chọn nghiệt ngã khác là họ chấp nhận thanh lý, với tỷ lệ thu hồi chỉ từ 2-9% của mỗi 1 đô la nợ.
Evergrande muốn giành được sự ủng hộ của các trái chủ trước ngày 31-3 cho kế hoạch này. Các chủ nợ có khả năng sẽ đồng ý các đề xuất của Evergrande để tận dụng sự hồi sinh bất động sản ở Trung Quốc, giúp họ thu hồi nợ từ tập đoàn này.
Brandon Gale, người đứng đầu nhóm tái cấu trúc tài chính ở châu Âu của ngân hàng Houlihan Lokey (Mỹ), nói: “Họ (các tập đoàn bất động sản Trung Quốc) giải quyết các vụ vỡ nợ càng nhanh, thì họ càng có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh chóng một số chính sách hỗ trợ trong nước”. Gần đây, Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ ưu tiên cho những công ty bất động sản có chỉ số tài chính lành mạnh.
12 trong số 5.138 đại biểu tham dự kỳ họp thường niên của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi đầu tháng này là những nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn tài chính. Họ sở hữu hoặc đứng đầu các công ty bất động sản có khối nợ tổng cộng 1,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (232 tỉ đô la).
Chạy đua giải quyết nợ nần
Kể từ khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “zero Covid”, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoạt động sôi nổi trở lại. Thị trường bất động sản trị giá 2,6 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, với giá trái phiếu trong ngành này phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối tháng 10.
Theo China Real Estate Information Corp, 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc ghi nhận 461,6 tỉ nhân dân tệ doanh số bán hàng theo hợp đồng trong tháng 2, tăng 15% so với một năm trước và là lần phục hồi đầu tiên kể từ tháng 7-2021. Cũng trong tháng này, giá nhà ở Trung Quốc tăng 0,3% so với tháng 1, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 9 -2021.
Doanh số bán nhà cải thiện đã tiếp thêm thêm sức mạnh cho giá trái phiếu bất động sản trên thị trường thứ cấp. Một chỉ số theo dõi các trái phiếu đô la Mỹ có lãi suất cao, bị xếp hạng rác, chủ yếu là của các công ty bất động sản Trung Quốc, đã tăng tới 90% từ mức thấp vào ngày 3-11 trước khi giảm trở lại kể từ tháng 2.
Theo Ron Thompson, giám đốc của Alvarez & Marsal Asia, đợt tăng giá trái phiếu kể từ đầu tháng 11 cho thấy các ông trùm bất động sản Trung Quốc có thể đã bỏ lỡ mức giá rẻ nhất để tái cơ cấu khoản nợ của họ.
Các nhà phân tích dự báo các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác của Trung Quốc sẽ gấp rút lên kế hoạch giải quyết nợ trong tháng này. Sunac, công ty bất động sản lớn thứ tư Trung Quốc, đang gánh khoản nợ nước ngoài trị giá 9,1 tỉ đô la, có khả năng nhận được sự ủng hộ của các trái chủ cho kế hoạch tái cơ cấu nợ, theo các nguồn thạo tin
CIFI Holdings, một công ty bất động sản lớn khác của Trung Quốc, cho biết đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình tái cơ cấu khoản nợ trị giá 6,85 tỉ đô la. Công ty đồng thời cho biết thêm các cuộc đàm phán với chủ nợ sẽ bắt đầu trước cuối tháng 3. Tập đoàn bất động sản Logan xác nhận sắp tiến hành đàm phán để sắp xếp lại khoản nợ 6 tỉ đô la. Trong khi đó, Zhenro Properties dự kiến công bố đề xuất sơ bộ để tái cơ cấu khoản nợ 540 triệu đô la trong tháng này.
Trong số gần 30 nhà phát triển nợ nần lớn nhất ở Trung Quốc, có 9 công ty đã đề xuất hoặc ít nhất cam kết công bố kế hoạch tái cơ cấu trong ba tháng đầu năm nay. 7 công ty đã đạt được thỏa thuận với các trái chủ và các bên cho vay khác.
Hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu
Mark Dong, đồng sáng lập Công ty quản lý tài sản Minority Asset Management ở Hồng Kông, nhận định kế hoạch tái cơ cấu của Evergrande sẽ là một thỏa thuận quan trọng sẽ mang lại một số tham chiếu cho các nhà phát triển bất động sản khác trong những tình huống khó khăn tương tự.
Hiện tại, Sunac, CIFI Holdings và Fantasia Group đã đưa ra những kế hoạch tái cơ cấu mà họ đánh giá là tốt cho các chủ nợ. Họ cung cấp giải pháp hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu cho các chủ nợ và tìm cách kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu từ 2-9 năm.
Năm nay, Fantasia đã được các chủ nợ nước ngoài đồng ý hoán đổi khoản nợ thành vốn chủ sở hữu trị giá 1,3 tỉ đô la Mỹ.
Trọng tâm chú ý sẽ là việc các chủ nợ của Evergrande sẽ đón nhận kế hoạch tái cơ cấu như thế nào vào thời hạn cuối tháng này. Họ sẽ cần phải suy nghĩ kỹ về việc hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, vì đơn vị xe điện của Evergrande hôm 22-3 cảnh báo có nguy cơ ngừng sản xuất khi đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Brock Silvers, Giám đốc điều hành của Công ty đầu tư Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết Evergrande vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề sống còn. Nhà phát triển bất động sản này cần tới 44 tỉ đô la Mỹ vốn bổ sung trong ba năm tới để vượt qua khó khăn.
“Liệu một nhà đầu tư, từng bị ‘đốt cháy’ do sự quản lý tài chính yếu kém của ông Hứa Gia Ấn có thực sự muốn đặt cược toàn bộ cổ phần của mình vào đơn vị xe điện mới của Evergrande? Có lẽ là không”.
Theo SCMP