Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tài sản quốc gia và trách nhiệm giải trình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tài sản quốc gia và trách nhiệm giải trình

Ngọc Lan thực hiện

PGS.TS. Đặng Văn Thanh.

(TBKTSG) – Có quá nhiều dẫn chứng về việc quản lý, khai thác tài sản công thiếu hiệu quả, dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên, việc hình thành một khung pháp lý đủ mạnh và sự giám sát thực hiện chặt chẽ có giúp giải quyết được tình trạng trên hay không? TBKTSG đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, về vấn đề này.

TBKTSG: Thưa ông, những bất cập trong quản lý tài sản công đã được nói đến rất nhiều nhưng làm thế nào để quản lý hiệu quả thì lại chưa rõ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS. Đặng Văn Thanh: Tôi nghĩ nhận thức và khái niệm tài sản công ở Việt Nam có nhiều điều chưa ổn. Có thể hiểu tài sản quốc gia là toàn bộ nguồn lực vật chất và tinh thần của một đất nước hiện có. (1) Nguồn lực có tính vật chất như tài nguyên, của cải qua nhiều thế hệ. (2) Tài sản mang giá trị tinh thần, văn hóa, tâm linh của dân tộc, đất nước, của cộng đồng (có thể là vô giá hoặc mang giá trị ước lệ). (3) Tài sản hữu hình và vô hình được tạo lập hình thành do đầu tư từ ngân quỹ nhà nước, từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư đã và đang được đưa vào khai thác sử dụng (cầu cảng, sân bay, vỉa hè, lòng đường, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước…). (4) Tài sản là nguồn ngân quỹ quốc gia, tiền thật (vàng, bạc, đá quý…) chứ không phải tiền giấy hay dấu hiệu tiền tệ, kể cả nguồn ngân quỹ trong dự trữ, ký cược trong và ngoài nước…

Cho đến nay chúng ta chưa có sự đánh giá đúng và đủ toàn bộ tài sản quốc gia, còn thiếu sự ghi chép, kiểm kê, kiểm soát tập trung toàn bộ tài sản này. Ngay cả những tài sản hình thành do đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, từ kinh phí và công sức đóng góp của cộng đồng dân cư cũng chưa được xác định giá trị phù hợp khi kết thúc đầu tư và chưa được phản ảnh trong tổng kế toán quốc gia.

Về nguyên tắc các tài sản nhà nước được hình thành sau đầu tư phải được quản lý, khai thác phục vụ hoạt động của nhà nước, của cộng đồng dân cư, mang lại lợi ích cho quốc gia, cho nhân dân chứ không phải mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó.

Do sự thiếu rõ ràng nên có người, có tổ chức đã ngộ nhận về quyền sử dụng và quyền sở hữu. Ví dụ như việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao và cấp đất, giao hoặc cho thuê đất trồng rừng, bờ biển, cho thuê vỉa hè, sử dụng cột điện, khai thác tài nguyên… Trong một số trường hợp, lợi ích lớn nhất được hưởng là nhóm cá nhân, tổ chức chứ không phải nhân dân, những người chỉ nhận đền bù ít ỏi từ thu hồi đất.

Việc phân cấp và giao quyền quản lý, sử dụng, khai thác tài sản quốc gia là cần thiết nhưng phải đi kèm với trách nhiệm giải trình thật rõ ràng.

TBKTSG: Hiện có tới 45 văn bản pháp luật có các quy định liên quan đến tài sản quốc gia, tài sản nhà nước, tính từ Hiến pháp đến các quyết định, thông tư cấp bộ nhưng thực tế vẫn chưa điều chỉnh được các quan hệ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hiệu lực thực thi rất thấp. Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến việc giải trình không được xem trọng?

– Có rất nhiều văn bản luật pháp và quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản quốc gia. Nhưng, Nhà nước phải có văn bản xác định phạm vi và đối tượng của tài sản quốc gia, không chỉ là tài sản công theo nghĩa không rõ ràng. Xâm phạm và chiếm đoạt hay sử dụng lãng phí tài sản quốc gia là một tội. Để đưa vào khuôn khổ quản lý thống nhất, phải có Luật về quản lý và sử dụng tài sản quốc gia, có cơ quan công quyền đủ mạnh, có chế tài và cơ chế thẩm định, kiểm tra kiểm soát mang về lợi ích cho đất nước, cho nhân dân chứ không phải nhóm người.

TBKTSG: Chúng ta cũng có hệ thống quản lý tài sản công ở các bộ, ngành, địa phương, Quốc hội. Ví dụ như Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Nói như ông, vai trò cục này là rất mờ nhạt?

– Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính là cơ quan hoạch định chính sách, chế độ quản lý chứ không phải và không thể làm được nhiệm vụ quản lý tài sản của quốc gia. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, Kho bạc Nhà nước với tư cách là ngân khố quốc gia, ngoài chức năng quản lý và điều hành ngân quỹ quốc gia phải đảm nhiệm chức năng quản lý tài sản quốc gia về mặt kế toán.

Cách đây 20 năm, ngay từ khi chuyển chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước về Bộ Tài chính và thành lập Hệ thống kho bạc nhà nước đã từng đặt ra vấn đề: Kho bạc Nhà nước làm nhiệm tổng kế toán nhà nước, có trách nhiệm phản ảnh và kiểm soát toàn bộ tài sản quốc gia, trong đó có ngân quỹ nhà nước. Từ đó đến nay nhiệm vụ này vẫn chưa được triển khai đúng nghĩa của nó. Cần có hệ thống kế toán nhà nước phản ảnh tập trung mọi tài sản quốc gia đã có và những tài sản được hình thành từ nguồn lực quốc gia, từ công sức của nhân dân.

TBKTSG: Như vậy, có thể hiểu cơ chế quản lý tài sản không gắn với cơ chế thực hiện dẫn đến hiệu lực quản lý không cao. Ví dụ như nguyên tắc thẩm định đầu tư mua sắm tài sản nhà nước cần phải được quản lý ngay từ khâu hình thành nhưng đến nay chưa có quy trình cụ thể?

– Đúng. Chúng ta đã có quy chế đấu thầu, quy chế báo giá, thẩm định khi mua sắm tài sản bằng nguồn kinh phí nhà nước, nhưng hiệu quả chưa thật cao. Tình trạng lãng phí, chi tiêu sai mục đích, vượt định mức còn khá nhiều. Hầu như năm ngân sách nào Kho bạc Nhà nước cũng từ chối thanh toán hàng vạn món với hàng ngàn tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện chi sai hàng ngàn tỉ đồng.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng và cấp thiết là phải thay đổi cơ chế chi tiêu và thanh toán các khoản chi của Chính phủ. Mua sắm của Chính phủ, cung cấp dịch vụ, lao vụ cho Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ cần tập trung về một số đầu mối. Chính phủ thanh toán và kiểm soát trực tiếp các tổ chức đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Hạn chế và chấm dứt việc giao kinh phí cho các cơ quan của Chính phủ thanh toán việc mua sắm hàng hóa và lao vụ, dịch vụ trên thị trường tự do, không thể kiểm soát nổi giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Hạn chế tối đa tiêu cực, gian lận do kê giá, móc ngoặc, cung cấp hàng hóa không đúng chất lượng.

Cần tổ chức lại trong toàn bộ nền kinh tế về việc mua sắm, đầu tư cho tài sản công từ ngân sách và Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Không thể dừng lại cơ chế đấu thầu, báo giá vì tính hai mặt của chuyện này. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy quản lý được.

TBKTSG: Những điều phân tích, về lý thuyết chúng ta đều có nhưng cơ chế thực hiện, cơ chế chế tài không đủ mạnh nên mọi sự không rõ ràng?

– Không hẳn thế. Cơ chế cấp phát tài chính dẫn đến phân quyền và tản quyền. Kho bạc hiện chỉ kiểm soát việc chi tiêu có nằm trong định mức, đúng dự toán không. Trong khi các cơ quan có thể trình rất nhiều tờ báo giá, có đầy đủ hồ sơ đấu thầu… Như vậy thực tế là kiểm soát đầu ra chứ không phải đầu vào hình thành tài sản. Do vậy, Kho bạc nên làm nốt việc quản lý và kiểm soát ngay từ đầu vì họ có hệ thống “chân rết” đến tận quận, huyện, có thể hình thành hệ thống thống kê, ghi chép và thẩm định giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới